4 lĩnh vực phát triển vượt bậc tạo ra sự khác biệt cho các thành phố thông minh của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc phát triển các cơ sở sản xuất thông minh ở Trung Quốc được tiếp sức bởi kế hoạch “Made in China 2025”, với mục tiêu biến đổi Trung Quốc từ một trung tâm sản xuất chi phí thấp thành nước tiên phong trong công nghệ sản xuất tiên tiến.

Các công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi tại các thành phố thông minh của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)
Các công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi tại các thành phố thông minh của Trung Quốc (Ảnh: SCMP)

Tại một số trạm xe điện ngầm ở thủ đô Bắc Kinh, Quảng Châu và một số thành phố khác của Trung Quốc, người dân không cần phải quẹt thẻ hay scan điện thoại của họ để đi tàu nữa. Cửa tự động mở sau một quy trình nhận diện khuôn mặt chỉ mất có vài giây. Những tấm màn hình lớn bên trên hiển thị số lượng người có mặt trên mỗi toa tàu, tạo điều kiện cho hành khách quyết định có nên lên hay không.

Những công nghệ như vậy đã được áp dụng vào những hệ thống cơ sở hạ tầng mà người dân sử dụng hàng ngày tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, một phần trong kế hoạch tăng cường phát triển các thành phố thông minh.

Việc phát triển các thành phố thông minh cần tích hợp những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data) và điện toán đám mây trong nhiều lĩnh vực, như giao thông, an ninh công cộng, môi trường và sản xuất.

Mạng lưới cảm biến và các thiết bị liên lạc được kết nối cho phép thu thập dữ liệu thời gian thực, phân tích và phản hồi, giúp cho công tác quản lý nguồn lực và dịch vụ trở nên hữu hiệu hơn rất nhiều.

Các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Hàng Châu đang tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao và hướng tiếp cận sáng tạo trong công tác quy hoạch và quản lý. Theo truyền thông Trung Quốc, hiện có hơn 500 thành phố trong nước đang tăng cường phát triển các thành phố thông minh.

Theo SCMP, có 4 lĩnh vực phát triển vượt bậc đang tạo nên sự khác biệt cho những thành phố thông minh ở Trung Quốc.

Internet vạn vật

IoT được ứng dụng trong giao thông và nhiều lĩnh vực khác (Ảnh: Telerout)
IoT được ứng dụng trong giao thông và nhiều lĩnh vực khác (Ảnh: Telerout)

Một màn hình lớn tại Techplant, công ty chuyên cung cấp giải pháp và trang thiết bị IoT, hiển thị hình ảnh cây cối đang phát triển trên khắp Quảng Châu theo thời gian thực. Độ ẩm của đất được kiểm soát thông qua các bộ cảm biến, và thông tin được tải lên một hệ thống quản lý thông minh, cho phép cây cối được chăm sóc đúng cách mỗi ngày.

IoT mô tả lại mạng lưới các vật thể mỗi ngày, bao gồm cả phương tiện giao thông và thiết bị gia dụng, được kết nối với internet và có thể giao tiếp với nhau.

Các vật thể này có khả năng xử lý và trao đổi dữ liệu với nhau để tối ưu hoá cuộc sống thường nhật. Người dân ngày càng quen thuộc với những thiết bị như vậy trong ngôi nhà của họ - như máy điều nhiệt thông minh – được kết nối với internet và được điều khiển bằng một ứng dụng trên smartphone, trong khi có thể giao tiếp với các thiết bị khác như hệ thống chiếu sáng thông minh để phối hợp và tối ưu hoá sử dụng điện năng.

Công nghệ này còn có thể được ứng dụng đối với một mạng lưới rộng hơn.

Ví dụ, trong quá khứ, một nhân viên thường phải đi gõ cửa từng nhà để ghi lại lượng khí đốt đã sử dụng của một hộ gia đình, nhưng giờ đồng hồ đo khí đốt thông minh làm công việc này và thậm chí còn hỗ trợ thanh toán tự động.

Từ việc cải thiện hiệu quả trong sản xuất, giao thông cho tới chăm sóc sức khoẻ và tự động hoá trong hộ gia đình, việc ứng dụng công nghệ IoT ngày càng được chứng minh là hữu ích đối với các quy trình xử lý, làm giảm chi phí và cải thiện khả năng đưa ra quyết định trong việc phát triển các thành phố thông minh ở Trung Quốc.

Theo Zheng Lin, giám đốc công nghệ của Techplant, khi nhiều thiết bị được kết nối với nhau, chúng ta có thể bước vào giai đoạn kết nối thông minh, từ đó giúp cải thiện hiệu quả và giảm lượng nhân công đầu vào.

Nhận diện khuôn mặt

Nhận diện khuôn mặt ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh: CNBC)
Nhận diện khuôn mặt ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc (Ảnh: CNBC)

Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt vốn đã trở nên quen thuộc đối với người dân Trung Quốc. Công nghệ này được ứng dụng tại sân bay và cả nhận phòng tại khách sạn.

Đại dịch COVID-19 cũng giúp công nghệ này thu hút được sự quan tâm hơn, khi nó cung cấp một mã để ghi lại lịch sử di chuyển của cá nhân.

Ngoài ra, công nghệ này đang được ứng dụng rộng rãi hơn nhiều tại các thành phố thông minh.

Pcitech là một hãng cung cấp sản phẩm và công nghệ AI, bao gồm nhận diện khuôn mặt và công nghệ dữ liệu lớn thông minh.

Công ty này đã đóng góp cho việc phát triển nhiều hệ thống giao thông thông minh ở Quảng Châu và Trường Sa. Hai thành phố này sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tiên tiến cho phép hành khách thanh toán tiền vé bằng cách quét khuôn mặt của họ.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt không chỉ được sử dụng trong lĩnh vực giao thông mà còn được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực an ninh để thu thập dữ liệu thời gian thực để hỗ trợ cho công tác đảm bảo an ninh công

Pcitech đã ứng dụng các thuật toán nhận diện 3D để nhận diện chính xác hơn, thậm chí có thể phát hiện danh tính của một người khi khuôn mặt của họ bị che. Nó cũng có thể phân tích hình thể và màu sắc quần áo để nhận diện một người và giúp cảnh sát dự đoán hành vi rủi ro dựa trên chuyển động cơ thể, ví dụ như ẩu đả.

Nhà máy thông minh

Nhà máy thông minh giúp tăng năng suất và cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp (Ảnh: Global Times)
Nhà máy thông minh giúp tăng năng suất và cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp (Ảnh: Global Times)

Khi một robot hàn ở Trường Sa hạ mỏ hàn xuống, hàng loạt chỉ số sẽ được thể hiện theo thời gian thực trên một màn hình lớn kết nối với trụ sở của Rootscloud Technology, một hãng cung ứng nền tảng IoT công nghiệp cách Quảng Châu khoảng 600 km.

Màn hình này thể hiện trạng thái làm việc theo thời gian thực của công nhân và trang thiết bị của các nhà máy xây dựng và dây chuyền sản xuất trực thuộc Sany trên khắp cả nước.

Các nhà máy thông minh, với khả năng sản xuất số hoá và tự động hoá cao, đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nhờ việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như IoT, phân tích dữ liệu lớn, AI và tự động hoá để tối ưu hoá quy trình sản xuất và cải thiện năng suất.

Việc phát triển các cơ sở sản xuất thông minh ở Trung Quốc cũng được tiếp sức bởi kế hoạch “Made in China 2025”, với mục tiêu biến đổi Trung Quốc từ một trung tâm sản xuất chi phí thấp thành nước tiên phong trong công nghệ sản xuất tiên tiến. Kế hoạch này khuyến khích ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh, đồng thời hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước.

Bằng cách tích hợp công nghệ sản xuất thông minh và các nền tảng số, các cơ sở sản xuất Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được mức độ tự động hoá cao, sản lượng và tính linh hoạt cao hơn, cùng lúc giảm chi phí và rác thải.

Các nhà máy thông minh ở Trung Quốc thường là một phần trong các khu hoặc tổ hợp công nghiệp lớn hơn, trong đó cung cấp cơ sở hạ tầng, logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác để giúp các nhà máy ứng dụng công nghệ thông minh và cải thiện sức cạnh tranh của họ.

Tương lai của nông nghiệp

Sản xuất nông nghiệp thông minh tại một trang trại ở Trung Quốc (Ảnh: Global Times)
Sản xuất nông nghiệp thông minh tại một trang trại ở Trung Quốc (Ảnh: Global Times)

Các hộ nông dân trồng vải ở ngoại ô Quảng Châu không còn phải làm công việc nặng nhọc trong đồn điền. Thay vào đó, họ có thể sử dụng drone để phun thuốc trừ sâu và bón phân nhờ vào một hệ thống nông nghiệp thông minh đến từ XAG – hãng cung cấp drone, robot, AI và IoT trong sản xuất nông nghiệp.

Các hộ sản xuất nhỏ và chủ trang trại được cung cấp giải pháp quản lý thông minh giờ có thể giảm chi phí thuê nhân công và cải thiện tính bền vững. Nhật ký giám sát cùng các công cụ nông nghiệp chính xác giúp cho việc giám sát sản xuất trở nên tỉ mỉ hơn.

Mạng lưới cơ sở hạ tầng canh tác kỹ thuật số được xây dựng bởi XAG có thể được kết nối với các công cụ cảm biến từ xa và các thiết bị IoT nông nghiệp, cho phép các trang trại tăng hiệu quả canh tác, giám sát kế hoạch sản xuất và đạt được nhiều mục tiêu.

Tính đến cuối năm 2022, các sản phẩm nông nghiệp thông minh của XAG đã bao phủ một khu vực rộng 966.666 km vuông, phục vụ cho 194 triệu người.

Các thiết bị không cần người điều khiển của họ, như hệ thống phun tự động và kiểm soát dòng chảy, đã tiết kiệm được 520 triệu lít nhiên liệu và hơn 49,08 triệu tấn nước, giảm thiểu 1,4 triệu tấn khí thải carbon từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, theo XAG.

Theo SCMP