Báo cáo ngân sách quốc phòng toàn cầu do tờ Jane's Defense Weekly công bố ngày 12/12 cho biết chi tiêu quốc phòng những năm gần đây của các nước châu Á - Thái Bình Dương luôn ở mức tăng lên, trong đó phát triển kinh tế là một lực đẩy, còn tình hình căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang có thể sẽ thúc đẩy chi tiêu quân sự tiếp tục cao.
Báo cáo cho hay chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2016 đạt 1.570 tỷ USD, dự tính 10 năm tới sẽ tăng trưởng mạnh và đến năm 2018 sẽ quay trở lại mức trước khủng hoảng tài chính.
Nhà phân tích hàng đầu Craig Caffrey của tờ Jane's Defense Weekly cho rằng một xu thế chủ yếu của quốc phòng các nước châu Á-Thái Bình Dương là từ phòng thủ lãnh thổ truyền thống chuyển sang thể hiện thực lực.
Trong một tuyên bố vào ngày 12/12, Craig Caffrey cho biết: "Đây là xu thế mới của khu vực này, rất có thể sẽ tăng tiếp xúc quân sự giữa các nước. Theo đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng sẽ gián tiếp làm làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng khu vực, trái lại sẽ kích thích tăng trưởng ngân sách quân sự nhanh hơn".
Chuyên gia phân tích của tờ Jane's cho rằng cùng với việc các nước châu Á - Thái Bình Dương đang không ngừng gia tăng chi tiêu quân sự, họ có thể đối mặt với rủi ro chạy đua vũ trang.
Theo báo cáo, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm 2020 sẽ đạt 233 tỷ USD, hầu như gấp đôi năm 2010 với 123 tỷ USD. Trong khi đó, đến năm 2025, dự tính chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ vượt tổng cộng tất cả các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Chi tiêu quốc phòng Ấn Độ năm 2016 trên 50 tỷ USD, vượt Saudi Arabia và Nga, lần đầu tiên đứng trong top 5 thế giới, đứng vị trí thứ 4 toàn cầu.
Báo cáo cho rằng Ấn Độ cần thiết bị mới để tiến hành hiện đại hóa quân sự, vì vậy chi tiêu quốc phòng của Ấn Độ hứa hẹn xếp thứ ba thế giới trong 2 năm tới.
Theo báo cáo, đến năm 2020 ngân sách quốc phòng của Nhật Bản sẽ khoảng 41 tỷ USD. Chủ nhiệm tờ Jane's là Paul Burton cho rằng Nhật Bản vẫn đối mặt với hạn chế ngân sách quốc phòng, vì vậy không thể đạt tăng trưởng như Trung Quốc. Nhưng, Chính phủ Nhật Bản sẽ coi trọng sử dụng chi tiêu quân sự có hiệu quả hơn.
Mỹ vẫn là nước mua sắm các sản phẩm và dịch vụ quân sự lớn nhất thế giới. Chi tiêu quân sự của Mỹ năm 2016 đạt 622 tỷ USD, nhiều gấp 4 lần Trung Quốc, chiếm 40% chi tiêu quốc phòng thế giới.
Cơ quan ngân sách quốc phòng của tờ Jane's Defense Weekly vào tháng 12 hàng năm đều công bố báo cao ngân sách quốc phòng thường niên. Báo cáo này cân nhắc và dự đoán chi tiêu quốc phòng của 105 quốc gia trên thế giới, bao quát 99% chi tiêu quốc phòng của thế giới.