Châu Á cũng 'khát' LNG cho mùa đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhu cầu khí đốt tăng lên ở cả Châu Âu và Châu Á khi mùa đông tới gần càng đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo đảm nguồn cung và dự trữ LNG cho năm 2023.
Một tàu chở LNG cập cảng tại Nhật Bản (Ảnh: Kyodo News)
Một tàu chở LNG cập cảng tại Nhật Bản (Ảnh: Kyodo News)

Mùa đông đang tràn xuống các quốc gia ở bắc bán cầu trong bối cảnh thị trường năng lượng đầy bất ổn kể từ khi xung đột Nga - Ukraine diễn ra.

Nhiều khách hàng châu Á đang cảm nhận rõ tầm ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt liên quan tới khí đốt của phương Tây đối với Nga.

Việc Nga hạn chế nguồn cung khí đốt với EU thông qua đường ống dẫn và quyết tâm của phương Tây trong việc ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch của Nga đã làm tăng nhu cầu khí hóa lỏng (LNG), được vận chuyển bằng tàu biển trên khắp toàn cầu.

Các nước châu Á, thường là những khách hàng mua LNG lớn nhất, đã tăng cường nỗ lực đảm bảo nguồn cung cho mùa Đông và xa hơn nữa, trong lúc châu Âu bỗng dưng trở thành bên mua LNG lớn nhất do gặp phải khủng hoảng năng lượng, từ đó làm thay đổi động lực thị trường.

“Châu Á đang tranh nhau mua LNG, cạnh tranh với cả châu Âu, khiến cho LNG giờ không còn là một nguồn năng lượng bổ sung nữa,” Takayuki Nogami, trưởng kinh tế gia đến từ Tập đoàn Dầu, Khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (Jogmec), nói.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), lượng LNG mà châu Âu nhập khẩu đã tăng 65% trong 8 tháng đầu năm 2022, so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng cầu tăng thêm bắt nguồn từ việc EU muốn đảm bảo có đủ lượng khí đốt để sử dụng trong mùa Đông năm nay. Lượng khí đốt dự trữ của châu Âu hiện ở mức 87%, theo IEA.

Châu Âu đang nhắm tới mục tiêu giảm nhu cầu khí đốt một cách tự nguyện 15% trong giai đoạn từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau, so với mức trung bình 5 năm của họ.

“Vấn đề ở cách mà chúng ta giảm nhu cầu và thời tiết sẽ diễn biến ra sao,” Naohiro Niimura, đối tác đến từ hãng tư vấn Market Risk Advisory, nói về thị trường LNG.

Giá LNG tại châu Á tăng mạnh trong tháng 8 (Ảnh: Nikkei)

Giá LNG tại châu Á tăng mạnh trong tháng 8 (Ảnh: Nikkei)

Châu Âu bấy lâu nay vẫn hưởng lợi từ nhu cầu LNG thấp của các khu vực khác. “Châu Á giảm lượng LNG nhập khẩu trong nửa đầu năm 2020 khiến cho nguồn cung dồi dào được chuyển sang cho thị trường châu Âu,” Hiroshi Hashimoto, trưởng nhóm nghiên cứu khí đốt đến từ Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản (IEEJ), nói.

Dữ liệu của S&P Global Platts cho thấy, giá khí JKM (Japan Korea Marker) - được sử dụng rộng rãi làm giá tham chiếu cho các hợp đồng LNG – đã tăng mạnh trong tháng 8 lên mức cao nhất là 69 USD/mmBtu. Sau đó mức giá này đã giảm hơn một nửa.

Trong lúc giá LNG tăng, Trung Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, đã giảm lượng nhập khẩu và thay vào đó tăng cường sử dụng khí đốt và than ở trong nước, cùng lúc nhập khẩu khí đốt thông qua các đường ống dẫn. Đà giảm của nền kinh kinh tế Trung Quốc cùng với chính sách zero-COVID cũng góp phần làm giảm nhu cầu.

“Nhu cầu LNG sẽ tăng trong suốt mùa Đông, nhưng Trung Quốc khó có khả năng sẽ nhập thêm LNG, trừ khi mùa Đông năm nay đặc biệt lạnh,” Massimo Di Odoardo, giám đốc nghiên cứu khí đốt và LNG tại hãng Wood Mackenzie, nói.

Lượng LNG dự trữ của châu Á cũng khá dồi dào. Tính trong tháng 6, lượng LNG dự trữ ở Nhật Bản và Hàn Quốc tăng 8% so với mức trung bình 5 năm.

Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc trong tháng này cho hay, công ty khí đốt Korea Gas Corp. sẽ đảm bảo 90% dung lượng dự trữ trong tháng tới.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, lượng LNG dự trữ của các công ty điện lực lớn nhất nước này đang ở mức 2,5 triệu tấn tính đến ngày 16/10, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình 5 năm là 1,8 triệu tấn.

Giới phân tích cho rằng, các nước nhập khẩu khí đốt khó có thể bị thiếu nguồn cung một cách đột ngột, nhưng một mùa Đông lạnh bất thường có thể thay đổi điều đó.

Nội các Nhật Bản trong tháng này đã thông qua một số thay đổi bộ luật, trong đó cho phép Jogmec mua khí đốt khi các công ty tư nhân không thể đảm bảo đủ nguồn cung.

Ở Hàn Quốc, chính phủ trong tháng trước tổ chức một cuộc họp với các công ty khí đốt để thảo luận về vấn đề nguồn cung trong mùa Đông năm nay. Korea Gas trong cuộc họp đó nói rằng họ không thấy có vấn đề gì với việc nhập khẩu LNG.

Tuy nhiên, tập đoàn này có kế hoạch đảm bảo thêm một số nguồn cung cho mùa Đông, và theo dõi thị trường quốc tế một cách thận trọng.

Qatar, nước xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới trong năm 2021, đã đảm bảo với khu vực châu Á rằng họ sẽ đáp ứng được tất cả hợp đồng với các khách hàng ở châu lục này, bất chấp nhu cầu đang tăng ở châu Âu.

“Qatar hoàn toàn cam kết với các điều khoản trong hợp đồng của mình,” Bộ trưởng Năng lượng Saad Sherida al-Kaabi nói với Nikkei Asia vào ngày 18/10. “Lượng LNG mà chúng tôi cam kết phân phối cho châu Âu sẽ tới châu Âu, nhưng chúng tôi không lấy từ các khách hàng châu Á và chuyển chúng sang châu Âu.”

Lượng LNG mà châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc nhập khẩu (Ảnh: Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản)

Lượng LNG mà châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc nhập khẩu (Ảnh: Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản)

Bất chấp nỗ lực cắt giảm nhu cầu của nhiều nước và sự xuất hiện của các nguồn cung ứng mới, giới chuyên gia phân tích cho rằng an ninh năng lượng của nhiều nước vẫn dễ đổ vỡ.

“Châu Âu có thể chỉ đủ khả năng dự trữ 80%-85% khí đốt vào thời điểm cuối tháng 10/2023,” Odoard nói. “Tuy nhiên, nếu mùa Đông năm nay lạnh hơn so với mọi năm và lượng khí đốt mà Nga xuất sang EU tiếp tục giảm, châu Âu có thể chỉ dự trữ được 60%-70% khí đốt, mặc dù đã tăng tối đa lượng LNG nhập khẩu. Các biện pháp giảm nhu cầu sâu hơn chắc chắn là cần thiết trong trường hợp đó.”

Ngoài những nguy cơ liên quan tới việc Nga giảm nguồn cung, năm nay cũng chứng kiến nhiều sự gián đoạn cung ứng bất ngờ.

Trong đó, có thể kể tới vụ hỏa hoạn tại một nhà máy LNG ở bang Texas, Mỹ, các cuộc đình công tại cơ sở LNG của tập đoàn Shell ở Australia, và tuyên bố bất khả kháng (force majeure) của tập đoàn khí đốt Petronas của Malaysia sau một vụ rò rỉ đường ống./.

Theo Nikkei Asia