Trung Quốc muốn tự chủ về công nghệ, năng lượng, lương thực, và ứng phó đồng đô la mạnh: Không dễ...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Tự chủ là một ảo mộng đối với bất cứ quốc gia nào, ngay cả với Mỹ hay Trung Quốc, nếu xét về chip,” Dan Wang, chuyên gia phân tích công nghệ đến từ hãng Gavekal Dragonomics, trụ sở tại Thượng Hải, nhận định.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường khả năng tự chủ, đặc biệt là về công nghệ (Ảnh: ChinaDaily)
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục tăng cường khả năng tự chủ, đặc biệt là về công nghệ (Ảnh: ChinaDaily)

“Dao nano” của Tianjin Saixiang là công cụ hỗ trợ cho việc phẫu thuật, nhưng nó còn đại diện cho một xu hướng rộng hơn, cụ thể là mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Được sản xuất bởi một công ty ít có tiếng tăm của Trung Quốc, con dao này được thiết kế để điều trị ung thư tuyến tiền liệt mà không cần đụng tới “dao kéo” quá nhiều. Hãng Tianjin Saixiang chính thức có được danh hiệu là “gã khổng lồ nhỏ” vào năm 2020, có nghĩa rằng nó đủ tiêu chuẩn để nhận được ưu đãi vì đã giúp Trung Quốc đạt bước tiến trong lĩnh vực công nghệ.

Theo một vị lãnh đạo của công ty này, người từ chối nêu tên, phương pháp điều trị phiên bản Trung Quốc này là một phần trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào công nghệ y tế nhập khẩu từ nước ngoài. Chính phủ “yêu cầu các bệnh viện địa phương thay thế trang thiết bị nước ngoài bằng trang thiết bị sản xuất trong nước, nếu khả thi,” vị này nói. “Đây là một lợi ích cho chúng tôi.”

Tháng này, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có một bài phát biểu có chủ đề về sự cấp thiết phải đạt bước đột phá trong công nghệ nội địa, để cạnh tranh với phương Tây và củng cố an ninh quốc gia. Tianjian Saixiang chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy tham vọng lớn của Bắc Kinh.

Nhiều năm qua, Trung Quốc đã nỗ lực để trở thành một siêu cường công nghệ tư nhân, và sẽ không bị phụ thuộc quá nhiều vào phương Tây.

Theo giới chuyên gia phân tích, mục tiêu của họ là xây dựng nên một “pháo đài Trung Quốc” – cơ cấu lại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để họ có thể vận hành bằng nguồn lực nội tại, và nếu cần thiết, có thể chịu được một cuộc xung đột quân sự. Trong khi nhiều người ở Mỹ muốn “tách rời” nền kinh tế của họ khỏi Trung Quốc, thì Bắc Kinh cũng muốn bớt phục thuộc vào phương Tây – đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Chiến lược này có một vài cấu phần, và nếu thành công, sẽ phải mất vài năm để nhận thấy được, theo các nhà phân tích. Trong lĩnh vực công nghệ, mục tiêu của Trung Quốc là khuyến khích sáng tạo trong nước và địa phương hóa các khía cạnh chiến lược trong chuỗi cung ứng. Về năng lượng, mục tiêu của họ là tăng cường triển khai các nguồn tái sinh và giảm sự phụ thuộc vào dầu khí. Về lương thực, Trung Quốc muốn tăng cường khả năng tự cung, trong đó nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp hạt giống. Trong tài chính, mục tiêu của họ là chống lại nguy cơ đồng đôla Mỹ bị vũ khí hóa.

Hàng loạt sự thay đổi như trên đã tạo ra thách thức cho nhiều công ty đa quốc gia, một vài trong số đó lấy được đà tăng trưởng thần kỳ nhờ vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc.

Động lực tự chủ của Trung Quốc đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng được tăng tốc kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, kéo theo các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Moscow.

Chen Zhiwu, Giáo sư chuyên ngành tài chính đến từ ĐH Hong Kong, nói rằng giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng các cuộc xung đột quân sự có thể “khó tránh” nếu như Bắc Kinh muốn tái thống nhất Đài Loan.

“Các lệnh trừng phạt kinh tế toàn diện nhằm vào Nga sau khi nước này tấn công Ukraine chỉ càng khiến Trung Quốc cảm thấy cấp thiết phải tự chủ về công nghệ, tài chính, lương thực và năng lượng,” ông Chen nói.

Steve Tsang, Giáo sư tại ĐH London, nói rằng việc xây dựng “pháo đài Trung Quốc” không có nghĩa rằng Bắc Kinh tự khép mình với thế giới bên ngoài. Là một cường quốc thương mại hàng đầu của nền kinh tế thế giới và là một trong số những nước thu hút FDI lớn nhất, việc tự đóng cửa với thế giới bên ngoài sẽ chỉ gây hại cho họ.

Đặt cược tất tay vào công nghệ

Nhiều sự thay đổi trong số đó đã được đánh tín hiệu từ trước, và rất có khả năng sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới.

Việc phát triển các “công nghệ cốt lõi” không phải thứ để cho tự phát trôi nổi trên thị trường tự do, mà cần phải được dẫn dắt bởi chính phủ Trung Quốc. “Cần phải tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Ủy ban Trung ương, và thành lập hệ thống chính quyền đưa ra quyết định về lĩnh vực công nghệ,” CCTV dẫn lại một phát biểu của ông Tập.

Trung Quốc đang đổ nguồn lực lớn chưa từng thấy vào việc tăng cường sự tự chủ trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn, với hy vọng thúc đẩy sự sáng tạo và thay thế nhập khẩu.

Tính tổng thể, nguồn vốn hơn 150 tỉ USD đã được cam kết để thúc đẩy tiến bộ trong lĩnh vực bán dẫn. Năm ngoái, bản báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn (SIA), quy tụ các nhà sản xuất chip của Mỹ, chỉ ra rằng 39 tỉ USD đã được Quỹ Vi mạch Quốc gia Trung Quốc đổ vào các dự án sản xuất mới.

Trung Quốc đang dần bắt kịp trong cuộc đua về bán dẫn (Ảnh: FT)

Trung Quốc đang dần bắt kịp trong cuộc đua về bán dẫn (Ảnh: FT)

Thêm vào đó, hơn 15 chính quyền cấp địa phương đã tuyên bố rót vốn, với tổng giá trị 25 tỉ USD, để hỗ trợ các công ty bán dẫn của Trung Quốc. 50 tỉ USD khác cũng được công bố, dưới dạng “tiền hỗ trợ của chính phủ, đầu tư vốn chủ sở hữu và các khoản vay lãi suất thấp,” theo SIA.

Để so sánh, Mỹ có kế hoạch phân bổ khoản tiền 50 tỉ USD để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Bán dẫn được xem là “gót chân Achilles” của ngành công nghiệp Trung Quốc. Trong năm 2020, nước này nhập khẩu bán dẫn với tổng giá trị 378 tỉ USD, đây là một điểm yếu trong chuỗi cung ứng của họ.

Nhưng Trung Quốc đã đạt được một số bước đột phá đáng chú ý. Trong mùa hè năm nay, SMIC, một trong số những hãng sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc, đã chế tạo thành công chip 7 nanomet, tức chỉ còn kém 1 hoặc 2 “thế hệ” nếu so với hãng TSMC ở Đài Loan hay Samsung ở Hàn Quốc.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, bất chấp bước tiến và nguồn vốn khổng lồ mà Trung Quốc đổ dồn cho phát triển ngành công nghệ chip, những mục tiêu tự chủ hoàn toàn về bán dẫn vẫn còn quá xa vời. Ngành công nghiệp này phức tạp và có tính chất liên hệ qua lại nhiều đến nỗi không một quốc gia nào có thể đứng một mình.

“Tự chủ là một ảo mộng đối với bất cứ quốc gia nào, ngay cả với Mỹ hay Trung Quốc, nếu xét về chip,” Dan Wang, chuyên gia phân tích công nghệ đến từ hãng Gavekal Dragonomics, trụ sở tại Thượng Hải, nhận định.

Một tuyến phát triển khác mà Trung Quốc tập trung để đạt được tự chủ công nghệ là 2 lĩnh vực có liên kết với nhau – sự lựa chọn những “nhà vô địch” như công ty Tianjin Saixiang và việc chính phủ thúc đẩy làn sóng đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước công nhân làm việc tại một giàn khoan dầu (Ảnh: Tân Hoa xã)
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước công nhân làm việc tại một giàn khoan dầu (Ảnh: Tân Hoa xã)

Tại một cuộc họp toàn quốc tổ chức tại tỉnh Giang Tô trong tháng này, Trung Quốc đã đưa ra danh sách 8.997 doanh nghiệp được gọi là “gã khổng lồ nhỏ”, đặt các doanh nghiệp này vào danh sách miễn thuế để họ có thể giúp Trung Quốc cạnh tranh với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác.

Chủ tịch Tập, trong bức thư gửi tới cuộc họp, nói rằng ông hy vọng những doanh nghiệp như vậy sẽ “đóng vai trò quan trọng hơn trong việc bình ổn các chuỗi cung ứng” – ý nói rằng những “gã khổng lồ nhỏ” này sẽ giúp cho thế giới biết đến ngành công nghiệp công nghệ của Trung Quốc.

Sự trợ giúp đó cũng có thể được trông thấy nhờ việc Bắc Kinh tăng cường kiểm soát lĩnh vực đầu tư mạo hiểm trong nước. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã quản lý việc thành lập hơn 1.800 quỹ phát triển của chính phủ, huy động được hơn 6 nghìn tỉ NDT (900 tỉ USD) để đầu tư cho lĩnh vực công nghệ mà Bắc Kinh cho là “chiến lược.”

Điểm đáng chú ý của các quỹ này, là chúng được vận hành chủ yếu bởi chính quyền tỉnh và chính quyền địa phương, hoặc bởi các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Tập trung cho năng lượng tái tạo

Nằm ở giao điểm giữa địa chính trị và công nghệ là một điểm yếu lớn khác của Trung Quốc – nguồn cung năng lượng.

Trong chuyến thăm tới một giếng dầu ở miền Bắc Trung Quốc vào năm ngoái, Chủ tịch Tập đã đưa ra lời kêu gọi đáng chú ý. “Bát gạo năng lượng của chúng ta cần phải được giữ trong tay của chúng ta,” ông nói.

Với tỷ lệ tự chủ năng lượng hiện ở mức 80%, Trung Quốc có 20% còn lại – chủ yếu dưới dạng dầu và khí đốt nhập khẩu – là dễ bị tác động bởi các cú sốc từ bên ngoài. Trung Quốc đặc biệt quan ngại về những tuyến hàng hải đi qua những “điểm án ngữ” như eo biển Malacca, nơi mà hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện.

Biểu đồ cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu, khí đốt và than (Ảnh: FT)

Biểu đồ cho thấy sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu, khí đốt và than (Ảnh: FT)

Michal Meidan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, nói rằng Bắc Kinh đang tập trung vào các loại năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời như một giải pháp.

“Trung Quốc nhìn vào tình hình địa chính toàn cầu và đánh giá được những điểm yếu trong chuỗi cung ứng,” Meidan nói. “Tăng cường và bảo đảm vị thế thống trị trong sản xuất và chuỗi cung ứng năng lượng tái sinh, cùng với việc triển khai năng lượng tái sinh trong nước, là điều quan trọng.”

Điều này đã tạo nên động lực mới trong việc triển khai năng lượng tái sinh cho tương lai ở Trung Quốc, hiện đang ở mức độ dẫn đầu thế giới. Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc đang trên đường hoàn thành một kế hoạch quốc gia, trong đó 33% nhu cầu năng lượng trong nước được đáp ứng bởi năng lượng tái sinh vào năm 2025. Nhưng sẽ phải mất thêm nhiều năm nữa để sự phụ thuộc của họ vào dầu và khí đốt được giải quyết.

An ninh lương thực

Một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc muốn tăng cường sự tự chủ chính là nông nghiệp.

An ninh lương thực của Trung Quốc đã giảm mạnh trong 3 thập kỷ qua, bởi dân số của họ tăng thêm trong khi đất nông nghiệp được chuyển dịch sang trồng các loại cây sinh lời cao thay vì trồng các loại hạt ngũ cốc. Năm 2021, chỉ 33% nhu cầu đối với 3 loại dầu thực phẩm chính – dầu nành, dầu lạc và dầu nho – được đáp ứng bởi các sản phẩm nội địa, trong khi vào đầu thập kỷ 90 con số này là 100%.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn nhấn mạnh về tầm quan trọng sống còn của an ninh lương thực suốt nhiều năm, nhưng giới phân tích tin rằng sự cấp thiết được nhấn mạnh nhiều nhất dưới thời của Chủ tịch Tập Cận Bình.

An ninh lương thực đặc biệt trở nên quan trọng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát, trong đó Trung Quốc đã công bố Sách trắng về an ninh lương thực vào năm 2019.

Nhiều chính sách quan trọng về sản lượng hạt ngũ cốc đã được đưa ra, trong đó tập trung vào tăng sản lượng, tăng cường bảo vệ đất trồng, sử dụng nước hiệu quả hơn và nhiều dự án tiết kiệm nước. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu duy trì sự tự chủ đối với các loại hạt ngũ cốc quan trọng, đạt hơn 95% trong năm 2019.

Nhưng theo chuyên gia phân tích Trina Chen đến từ Goldman Sachs, chính sách quan trọng nhất là kế hoạch vực dậy ngành công nghiệp hạt giống, điều mà Bắc Kinh đã thúc đẩy trong năm 2021 trong đó kêu gọi nỗ lực hơn để đạt được sự tự chủ.

Một bước ngoặt quan trọng thể hiện sản lượng lương thực được tăng cường theo kế hoạch “pháo đài Trung Quốc” chính là việc cho ra mắt các loại hạt giống biến đổi gene ở Trung Quốc – một sự chuyển dịch chịu sự phản đối nhưng theo giới phân tích là không thể tránh khỏi (Trung Quốc hiện tại đang sử dụng cotton biến đổi gene).

Ứng phó đồng USD mạnh

Kế hoạch “pháo đài Trung Quốc” còn có thể được xem là cách ứng phó của Trung Quốc trước sự thống trị của đồng USD. Đối với Bắc Kinh, một trong những đặc điểm đáng báo động của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga chính là việc loại một số tổ chức tài chính của Moscow khỏi SWIFT. Từ lâu, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo về viễn cảnh như vậy.

“Khi người Mỹ thường xuyên sử dụng các đòn cấm vận và nhấn mạnh thái quá về lợi ích của họ, trong khi phớt lờ trách nhiệm quốc tế của họ, sẽ ngày càng có thêm các nước muốn giảm sự phụ thuộc vào đồng USD,” Zhou Chengjun, Giám đốc Viện Tài chính trực thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói vào tháng 5/2021.

Điểm yếu đối với các lệnh trừng phạt như vậy được nhận thấy rõ ràng, bởi 3/4 hoạt động buôn bán của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng USD – có nghĩa rằng họ phụ thuộc vào SWIFT. Giải pháp của Bắc Kinh chỉ có thể là dài hạn. Nỗ lực của họ trong việc “quốc tế hóa” đồng NDT tính đến nay chỉ đạt được một ít bước tiến.

Tương tự, nỗ lực thúc đẩy “đồng NDT số” – cũng nhằm giảm nhu cầu sử dụng các nền tảng như SWIFT – cũng bị chậm.

“Về ngắn hạn, Bắc Kinh tránh việc hứng chịu những đòn cấm vận tương tự như phương Tây áp với Nga ở thời điểm hiện tại, đồng thời tập trung hơn vào việc tách khỏi đồng USD,” Diana Choyleva, trưởng kinh tế gia tại Enodo Economics ở London, nói.

Các tấm thu năng lượng mặt trời bao phủ các đỉnh đồi ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Các tấm thu năng lượng mặt trời bao phủ các đỉnh đồi ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Kể từ năm 2015, chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu nhấn mạnh vào khả năng tự chủ trong các chuỗi cung ứng công nghiệp. Nỗ lực này tiếp tục được tăng cường với “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14 của Trung Quốc và một chính sách gọi là “lưu thông kép” – trong đó nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải dựa vào nội lực của mình.

Sau đó, Mỹ đã tung ra hàng loạt đòn trừng phạt nhằm vào các công ty của Trung Quốc, trong bối cảnh bất đồng địa chính trị liên quan tới cuộc chiến Nga-Ukraine, căng thẳng về vấn đề Đài Loan…những diễn biến này càng khiến Bắc Kinh đẩy nhanh kế hoạch xây dựng “pháo đài” Trung Quốc.

Sự tập trung vào công nghệ trong nước đã gây ra rủi ro lớn cho các công ty đa quốc gia vốn phải dựa vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc để phát triển.

Theo một nhân viên ngân hàng châu Á kỳ cựu, đang có một sự phân tách lớn trong ban giám đốc của các công ty phương Tây: Một mặt họ muốn tăng trưởng hoạt động làm ăn ở Trung Quốc, nhưng mặt khác lại giữ im lặng về tranh luận địa chính trị, mặc dù đây là vấn đề đang hình thành nên môi trường mà họ hoạt động.

“Rất nhiều công ty phương Tây tự trách mình vì không dám phát biểu hay làm rõ về kiểu quan hệ làm ăn mà họ muốn có giữa Trung Quốc với phương Tây,” vị này nói. “Cùng lúc, họ cảm thấy không thể làm gì, bởi mọi việc đang diễn ra theo cách vốn có, mà một công ty dám phát đi tiếng nói của mình sẽ được lợi gì?”

Tuy nhiên, vẫn có những sự hạn chế quan trọng xét về quy mô của kế hoạch “pháo đài Trung Quốc.”

Yu Jie, chuyên gia nghiên cứu tại Chatham House (Anh), nói rằng Trung Quốc không thể hoàn toàn tự cô lập mình khỏi phần còn lại của thế giới, do cấu trúc định hướng xuất khẩu của họ. Bởi vậy, Bắc Kinh rất có thể áp dụng hướng tiếp cận song song.

“Những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược và cung cấp mặt hàng thiết yếu cho người dân sẽ được coi là vấn đề an ninh quốc gia,” ông Yu nói. “Trong khi các lĩnh vực cần nguồn vốn và nhân lực nước ngoài vẫn sẽ mở cửa và kết nối với thế giới"./.

Theo Financial Times