CEO Nvidia Huang có thể thay thế Elon Musk trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng nguội lạnh, Bắc Kinh đang tìm kiếm một “gương mặt mới” – một nhân vật có thể thay thế Musk trong vai trò cầu nối giữa hai siêu cường công nghệ.
Tổng giám đốc điều hành Nvidia Jensen Huang phát biểu tại sự kiện "Đầu tư vào nước Mỹ". Ảnh: Nikkei Asia.

Vào mùa hè năm 2018, hai chiếc Tesla màu đỏ lặng lẽ tiến vào Trung Nam Hải – khu phức hợp chính trị được canh phòng nghiêm ngặt tại Bắc Kinh, nơi đặt trụ sở của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện. CEO Tesla Elon Musk sau đó có cuộc gặp hiếm hoi với Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn.

Musk sau đó chia sẻ trên Twitter rằng ông đã có một cuộc “trao đổi sâu sắc và thú vị về lịch sử, triết học và sự may mắn” với lãnh đạo Trung Quốc. Kể từ đó, Bắc Kinh luôn đánh giá cao vị tỷ phú người Mỹ – không chỉ bởi cam kết lâu dài với thị trường Trung Quốc, mà còn bởi ông được xem là tiếng nói ôn hòa giữa lúc căng thẳng địa chính trị leo thang.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mối quan hệ giữa Musk và Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng nguội lạnh, Bắc Kinh đang tìm kiếm một “gương mặt mới” – một nhân vật có thể thay thế Musk trong vai trò cầu nối giữa hai siêu cường công nghệ. Người được kỳ vọng hiện nay chính là Jensen Huang – CEO của Nvidia.

Trong tháng 7/2025, ông Jensen Huang đã có loạt cuộc gặp gỡ quan trọng với các nhà hoạch định chính sách tại Washington, bao gồm cả ông Donald Trump. Tại đây, ông thuyết phục thành công chính quyền cho phép Nvidia tiếp tục bán chip H20 – phiên bản giới hạn của dòng chip AI cao cấp H100 – cho thị trường Trung Quốc. Loại chip này được thiết kế để tuân thủ các quy định xuất khẩu ngày càng khắt khe mà Mỹ áp đặt nhằm kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Tháng 4 vừa qua, chính quyền ông Trump đã đưa H20 vào danh sách hạn chế, nhưng ông Huang công khai chỉ trích động thái này, cho rằng việc ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ AI là “một sai lầm rõ ràng”. Theo ông, thay vì tạo khoảng trống để các đối thủ nội địa như Huawei lấp đầy, Mỹ nên cho phép các công ty như Nvidia hỗ trợ những mô hình AI mã nguồn mở ở Trung Quốc, như DeepSeek hay Qwen của Alibaba.

Một số nhà phân tích tại Trung Quốc cũng nhận định Jensen Huang đang trở thành “cầu nối được Bắc Kinh ưa chuộng” – không chỉ bởi sức ảnh hưởng trong ngành công nghệ toàn cầu, mà còn vì phong cách điềm đạm và lập trường của ông trong các cuộc tranh luận địa chính trị.

Không giống Tesla, Nvidia ít phụ thuộc vào Trung Quốc

Trong khi Elon Musk và Tesla gắn bó mật thiết với thị trường Trung Quốc cả về sản xuất lẫn tiêu thụ, thì Nvidia lại có vị thế độc lập hơn. Trong quý đầu tiên của năm nay, nhà máy Gigafactory tại Thượng Hải chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu của Tesla. Trung Quốc cũng đóng góp khoảng 40% doanh thu của hãng xe điện này.

Ngược lại, Trung Quốc chỉ mang lại 13% doanh thu cho Nvidia trong năm tài chính gần nhất – con số này chưa đến 25% ngay cả trước khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được Mỹ ban hành.

Tuy nhiên, dù không quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Nvidia vẫn duy trì mạng lưới quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ tại nước này. Một giám đốc điều hành hiểu rõ hoạt động của Nvidia tại Trung Quốc nhận định: “Không giống như Musk, Jensen Huang không có nhiều kinh nghiệm làm việc trực tiếp với chính phủ Trung Quốc, nhưng mối quan hệ của ông với các công ty trong nước rất sâu sắc và chiến lược”.

Kể từ năm 2022, khi ChatGPT làm bùng nổ làn sóng AI toàn cầu, Nvidia – vốn là công ty sản xuất chip ít tiếng tăm – nhanh chóng vươn lên thành gã khổng lồ công nghệ, với giá trị thị trường hiện cao nhất thế giới. Điều này đưa Huang và Nvidia vào tầm ngắm của cả Bắc Kinh và Washington.

Giữa kỳ vọng của Bắc Kinh và áp lực từ Washington

Trong năm 2025, ông Huang đã ba lần đến thăm Trung Quốc. Gần đây nhất, ông gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào, người khẳng định mong muốn các công ty đa quốc gia như Nvidia tiếp tục “cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, đáng tin cậy” cho thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại Mỹ, chính quyền vẫn chia rẽ về cách đối phó với các tập đoàn công nghệ như Nvidia. Cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo từng chỉ trích việc Nvidia “lách luật” bằng cách thiết kế lại chip để sản xuất cho Trung Quốc. Bà cảnh báo rằng nếu một sản phẩm mới bị nghi ngờ có thể hỗ trợ năng lực AI cho Trung Quốc, thì sẽ bị cấm ngay lập tức.

Một cựu quan chức chính quyền ông Biden cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại khi chính quyền Trump sử dụng kiểm soát xuất khẩu như một công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Thành công của Nvidia – cả về mặt tài chính lẫn công nghệ – khiến công ty trở thành biểu tượng cho vai trò chiến lược của Mỹ trong cuộc đua AI toàn cầu. Đối với Bắc Kinh, Jensen Huang có thể là người kế nhiệm “vai trò Musk” – một nhà lãnh đạo công nghệ có ảnh hưởng toàn cầu, có khả năng kết nối, mang lại lợi ích lâu dài cho cả đôi bên trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt về trí tuệ nhân tạo.

Theo Nikkei Asia