Cấp bách đổi mới quy định về giáo án, dẹp nạn mua bán giáo án online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Mua bán giáo án đang trở thành vấn đề lớn trong ngành Giáo dục, nhất là từ khi công văn 5512 ra đời. Việc điều chỉnh sớm những quy định về soạn giảng là cần thiết để chấm dứt vấn nạn này.
Chợ giáo án - Ảnh Giaoduc.net
Chợ giáo án - Ảnh Giaoduc.net

Tình trạng xài giáo án “chùa” đã diễn ra suốt nhiều năm từ khi internet phát triển và phổ biến. Tuy nhiên, các loại giáo án này phần lớn được tải miễn phí, nếu có mất phí cũng không đáng kể. Việc chuyển từ “chia sẻ” sang mua bán với “giá cả thị trường” chỉ mới chính thức nở rộ và bùng lên từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn 5512 vào tháng 12/2020 Về việc xây dựng và tổ chức giáo dục của nhà trường.

Tại sao có hiện tượng này? Thứ nhất là công văn 5512 đã đưa ra các yêu cầu và mẫu các kế hoạch, trong đó có kế hoạch bài dạy rất mới so với trước đây. Việc này khiến phần lớn giáo viên lúng túng không biết phải làm thế nào và soạn thảo ra sao. Có cầu thì có cung, nhân cơ hội này, một số trung tâm và cá nhân đã tiến hành soạn giáo án và rao bán công khai với giá cả rất đắt đỏ; hàng bán chạy, có những người đã thu về hàng tỉ đồng như báo chí đã nêu.

Ảnh: Báo Lao động

Ảnh: Báo Lao động

Với thu nhập tương đối thấp của mình, giáo viên chỉ chấp nhận mua cái gì mà họ không/khó làm được. Một bộ giáo án có thể lên đến tiền triệu thì việc “xuống tiền” không phải là một quyết định bồng bột. Mẫu giáo án của công văn 5512 là vừa nặng nề, vừa rối, lặp và rất khó khăn đối với giáo viên. Ví dụ: công văn quy định bài giảng gồm các hoạt động: xác định vấn đề, nhiệm vụ học tập; hình thành kiến thức mới; luyện tập và vận dụng. Trong đó, ở phần hoạt động, văn bản trên lại đưa ra các bước trùng lặp, có phần chập díu vào nhau: giao nhiệm vụ học tập, thực hiện nhiệm vụ, báo cáo thảo luận và kết luận đánh giá.

Một giáo viên khi tham gia tập huấn về kế hoạch bài dạy (giáo án) chia sẻ, phải loay hoay mất 3 ngày để soạn một giáo án, đến khi xong thì vẫn thấy không ổn, không an tâm; mang tâm trạng ấy chia sẻ với đồng nghiệp thì mới hay đâu có ai soạn, mọi người đều mua hoặc tặng cho nhau!

Để soạn một cái giáo án theo công văn 5512 này, giáo viên không những phải vắt óc để cấu trúc vì sự trùng lặp và cả những mù mờ về thuật ngữ của nó; không chỉ có thế, giáo án quá dài. Một giáo án minh họa của Bộ trong modul 4 “Nghị luận về một vấn đề xã hội” với cỡ chữ 10.5 mà dài tới 9 trang!

Đó là chưa kể tới những chồng chéo giữa 4 loại kế hoạch ở công văn này, Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục; Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học; Kế hoạch bài dạy (giáo án). Một mình Kế hoạch bài dạy thôi đã khiến giáo viên mỏi mệt và đuối sức rồi chứ đừng nói tới việc hoàn thành cho tốt tất cả.

Tất cả những lý do này đã khiến những chợ giáo án mọc lên, mua bán rất nhộn nhịp. Giáo viên nào cũng phải thủ sẵn một bộ để đối phó với các đợt kiểm tra.

Khi công văn 5512 vừa mới ban hành, dư luận đã phản ứng rất gay gắt và Bộ chủ quản đã phải đăng đàn giải thích, rồi tiếp theo là gửi “thư công tác 4 không” đến các Sở Giáo dục và Đào tạo để “nói lại” rằng kế hoạch bài dạy chỉ là “gợi ý”. Sở dĩ gọi là “4 không” vì nó không số hiệu, không chữ ký, không con dấu, không ai chịu trách nhiệm. Cũng chính vì thế mà một văn bản thế này không thể thay cho công văn 5512 về giá trị pháp lý được, nó đẩy giáo viên vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Thư công tác - Ảnh Giaoduc.net

Thư công tác - Ảnh Giaoduc.net

Vấn đề là mặc dù còn nhiều bất cập như thế nhưng hiện tại trên web “Bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông” của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên yêu cầu soạn giáo án theo công văn 5512 để dùng cho lớp 10 từ năm học 2021-2022 mà chưa hề có sự điều chỉnh nào cho phù hợp hơn.

Thầy cô giáo không phải là những người lười biếng hay không có khát vọng đổi mới; trước khó khăn muôn vàn của việc lần đầu tiên áp dụng Chương trình 2018 thì việc lúng túng, bất cập là lẽ thường tình, kể cả ở cấp quản lý cao nhất; tuy nhiên, cái quan trọng là sẵn sàng điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để việc thực hiện có thể mang lại hiệu quả thực chất, tránh phản tác dụng.

Ngăn chặn nạn mua bán giáo án không thể bằng các cách thức hành chính như kiểm tra thanh tra, nó phải được điều chỉnh từ trong lòng của phương pháp tổ chức dạy học mà ở đây là quy định về soạn giáo án. Xin chớ bao biện rằng thầy cô giáo mua giáo án cũng tốt vì để học hỏi. Không có chuyện đó, người ta mua để đối phó với các loại kiểm tra và để xào nấu mà thôi. Nghĩa là vừa làm khổ giáo viên, gây mất tiền oan, vừa làm “hư” họ mà hậu quả cuối cùng là học trò phải gánh chịu.

Một "giáo án" của nước ngoài trong sách "Kỷ luật tích cực" của Jane Nelsen..., giáo án chỉ dài chưa tới một trang giấy.

Một "giáo án" của nước ngoài trong sách "Kỷ luật tích cực" của Jane Nelsen..., giáo án chỉ dài chưa tới một trang giấy.

Tinh thần của đổi mới giáo dục là sáng tạo, là phát huy tính tự chủ của người dạy và người học, nhưng công văn 5512 lại đang có những quy định quá “chặt” và cả những bất hợp lý, cản trở tinh thần ấy. Quan trọng nhất của một giáo án là mục tiêu bài học và tiếp theo là cách thức tổ chức dạy học để đạt mục tiêu ấy. Như thế, giáo án thể hiện được 2 “mục” này là đủ, Bộ không nên quy định quá chi tiết, sẽ gây nên tính trói buộc và gây khó khăn cho giáo viên, làm giảm đi chất lượng giáo dục.