Trung Quốc đang triển khai những hành động cụ thể để bảo vệ lợi ích kinh tế và ảnh hưởng chính trị trong khu vực Trung Á. Ngày 01.03.2016, Bắc Kinh đưa đề xuất thành lập một cơ chế chung chống khủng bố cùng với Afghanistan, Pakistan và Tajikistan như một dự án tăng cường an ninh khu vực. Đề xuất này là tín hiệu rõ ràng cho thấy, Trung Quốc đang tìm hướng tăng cường tham gia vào các vấn đề an ninh bên ngoài lãnh thổ. Trong tương lai, những hoạt động tương tự tạo động lực thúc đẩy sự gia tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trong khu vực.
Lợi ích kinh tế của Trung Quốc đang mở rộng trong khu vực chủ yếu xuất phát từ ý đồ sáng tạo của chiến lược kinh tế “Một vành đai, Một con đường”. Mục tiêu của tư duy chiến lược kinh tế này nhằm phát triển thương mại và tuyến đường vận tải quá cảnh liên kết giữa Trung Á và Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Nhưng những lợi ích kinh tế có thể bị sụt giảm hoặc cắt đứt do các nguy cơ an ninh địa phương đe dọa đặc biệt là ở khu vực Trung Á và Nam Á.
Tại Afghanistan và Pakistan, các nhóm chiến binh bạo loạn bất hợp pháp gia tăng các hoạt động bạo lực quân sự. Toàn bộ khu vực này đang phải chịu đựng sự bất ổn an ninh chính trị, hình thành từ những vấn đề xã hội và nạn tham nhũng của chính quyền địa phương. Dự án chống khủng bố của Trung Quốc có mục đích nhằm giải quyết các nguy cơ đe dọa bạo lực quân sự từ các nhóm chiến binh vũ trang nổi dậy càng ngay càng gia tăng trong khu vực. Hiện ý tưởng của Bắc Kinh chưa có chi tiết về cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động hoặc nguồn kinh phí tài trợ. Nhưng Afghanistan tuyên bố ủng hộ sáng kiến này.
Những nước khác trong khu vực cũng thể hiện sự quan tâm rất lớn trong việc ổn định chính trị của Afghanistan nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố thâm nhập và những dòng người tị nạn chảy qua biên giới vào lãnh thổ. Có vẻ như các thành viên tiềm năng của ý tưởng muốn được đảm bảo chắc chắn rằng gói đầu tư 45 tỷ USD của Trung Quốc cho dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng và giao thông quá cảnh, được gọi là " Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan " được hiện thực hóa.
So với các hoạt động đia chính trị khác trong khu vực, dự án chống khủng bố nhằm hình thành một cơ cấu tổ chức đảm bảo an ninh đa phương mà Trung Quốc là nước dẫn đầu. Nghiên cứu cho thấy các cơ chế hoạt động của tổ chức an ninh khu vực sẽ không nằm trong thẩm quyền của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, có thể kết luận rằng Bắc Kinh sẵn sàng gia tăng sự đóng góp của mình để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, đề xuất một cơ cấu tổ chức chống khủng bố hoàn toàn không giống như thiết lập một cơ chế nào khác. Sẽ rất sai lầm nếu cho rằng dự án sẽ nhanh chóng thành công. Theo các chuyên gia, để xây dựng cơ cấu tổ chức liên minh chống khủng bố có hiệu quả, bước đầu tiên tốt nhất là chia sẻ thông tin tình báo và tăng cường khả năng chống khủng bố xuyên biên giới, được hiểu là tăng cường liên kết phối hợp các hoạt động chống khủng bố, tiến hành trên những khu vực biên giới.
Các cường quốc liên quan đến tình hình kinh tế, an ninh đi khu vực, đặc biệt là Mỹ, sẽ thực sự không thoải mái về các kế hoạch của Trung Quốc. Mỹ mở rộng được sự hiện diện và ảnh hưởng tại khu vực Trung Á bằng cách sử dụng cuộc khủng hoảng Afghanistan nhằm lôi kéo nhiều quốc gia Trung Á vào vùng không gian ảnh hưởng của Washington.
Mỹ cũng đang phát triển liên minh NATO châu Á nhằm chống lại Trung Quốc trên khu vực Thái Bình Dương, đặc biệt quan tâm đến vùng nước Biển Đông. Chính vì vậy, ý tưởng này của Trung Quốc đánh dấu một thay đổi quan trọng về vai trò của Bắc Kinh trong cuộc giằng co địa chính trị này. Trung Quốc đã đưa ra một tín hiệu rõ ràng cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia của mình ở vùng ngoài lãnh thổ và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị lên các quốc gia thành viên. Những ý tưởng về các cơ chế an ninh và quân sự khác nhau có thể trở thành một thành phần không thể thiếu cho dự án vĩ đại Một vành đai - Một con đường.
Từ góc nhìn tổng quan, vấn đề then chốt không thể hiện ở sự bảo đảm an ninh cho dự án khổng lồ này. Bắc Kinh, tương tự như Nga không hài lòng đứng trong đội hình liên minh chống khủng bố IS, Al-Qaeda…do Mỹ lãnh đạo, đang muốn xây dựng liên minh cho riêng mình nhằm phát triển một cơ cấu tổ chức chống khủng bố riêng, bảo vệ lợi ích và mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Trung Quốc ở nước ngoài.
TTB