Lỗ hổng trong quản lý các khu cách ly?
Mới đây, 4 người Ấn Độ mắc COVID-19 đã lây nhiễm sang 1 nhân viên ở khách sạn Như Nguyệt 2 (tỉnh Yên Bái) đã khiến dư luận đặt ra những lỗ hổng trong công tác quản lý, cách ly của địa phương này.
Cùng với đó là nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi hoàn thành cách ly tập trung 14 ngày đã đi nhiều nơi. Thay vì tiếp tục được chính quyền địa phương giám sát sức khỏe thêm 14 ngày thì họ đã đi: Văn Chấn, Nghĩa Lộ Yên Bái, Tân Uyên, Lai Châu, Sapa Lào Cai, Vĩnh Phúc.
Ngày 29/4 khi về nước, chuyên gia được xác định dương tính với COVID-19. Lúc này, các cơ quan, địa phương mới bắt tay truy vết, chống dịch.
Sau khi ghi nhận 4 chuyên gia Ấn Độ và 1 nhân viên khách sạn lây trong khu cách ly, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã làm việc với UBND tỉnh Yên Bái về công tác phòng chống dịch tại địa phương này.
Các chuyên gia của Bộ Y tế đã chỉ ra địa phương này chưa có biện pháp, hiệu quả để giảm tiếp xúc giữa những người đang cách ly. Đồng thời, địa phương này cũng chưa phân rõ khu cách ly người nhập cảnh và khu điều hành, bố trí phòng đệm chưa phù hợp, chưa trang bị đầy đủ cho người cách ly, chưa phân định sắp xếp rõ ràng các nhóm nguy cơ trong khu cách ly, quy trình lưu giữ chất thải, lây nhiễm chưa đúng quy định, công tác giám sát sau 14 ngày cách ly tập trung cũng chưa tốt. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cảnh báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì các nguyên nhân có thể gây sự lây nhiễm chéo.
Theo Thứ trưởng, người đứng đầu cơ sở cách ly tập trung vẫn còn chưa nắm rõ quy trình cách ly cùng các yêu cầu trong công tác cách ly do ngành y tế ban hành và cảnh báo báo tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì các nguyên nhân có thể gây sự lây nhiễm chéo.
Khách sạn Như Nguyệt - nơi xảy ra sự việc người cách ly lây nhiễm COVID-19 cho nhân viên tại đây. Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống |
Đoàn công tác Bộ Y tế đã lưu ý địa phương cần phải khắc phục những tồn tại trên, đây cũng là bài học cho các địa phương khác trong việc quản lý cơ sở cách ly. Tuy nhiên, cần phải khắc phục như thế nào, người trực tiếp quản lý khu cách ly và cơ quan chức năng phải chịu trách nhiệm như thế nào, chưa được nhấn mạnh và công bố rộng rãi trên các cơ quan ngôn luận.
Trao đổi vấn đề này, Thạc sĩ Lưu Đức Quang - Giảng viên Luật trường Đại học Kinh tế Luật Tp.HCM - Cho biết: “Dịch bệnh COVID-19 không phải vấn đề riêng của từng quốc gia, mà là của toàn cầu. Khi mở cửa giao thương, chúng ta cần cẩn trọng hơn, đặc biệt là việc theo dõi cách ly người đến từ vùng dịch. Mọi người dân, mọi cơ quan, tổ chức đều phải nghiêm túc chống dịch. Khi có những sai sót, chúng ta cần xử lý triệt để, nghiêm khắc để răn đe”.
Cần xử lý nghiêm nơi thực hiện cách ly không đúng để răn đe
Theo ông Quang, chúng ta từng xử lý những trường hợp cá nhân trốn cách ly, khai báo gian dối,… gây hoang mang, làm ảnh hưởng đến quá trình chống dịch của cả nước. Thậm chí, mạng xã hội còn bình luận, chỉ trích họ. Tuy nhiên, ít ai thấy trách nhiệm của khu cách ly và cơ quan quản lý nhà nước và họ đã chịu trách nhiệm như thế nào. Có thể chính điều này đã góp phần làm việc quản lý cách ly bị lỏng lẻo, dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch trở lại.
Trong vụ một nhân viên của hãng bay Vietnam Airline (BN 1342) bị khởi tố do không chấp hành nghiêm túc các quy định về cách ly phòng chống dịch của Vietnam Airlines và Bộ Y tế, khiến dịch bệnh lây lan, gây hậu quả nghiêm trọng, ông Quang cho rằng cần xem xét đến trách nhiệm của hãng bay này và cơ quan quản lý nhà nước.
Các chuyên gia cho rằng cần xử lý nghiêm khắc cơ sở cách ly cẩu thả để nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh - Ảnh: Internet |
Theo đó, nhân viên này từ Nhật Bản về sân bay Cần Thơ và về sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 14/11/2020. Tổ bay được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của Vietnam Airlines. Các mẫu xét nghiệm vào ngày 15/11/2020 và ngày 18/11/2020 đểu cho kết quả xét nghiệm âm tính. Do đó, tổ bay được kết thúc cách ly tập trung vào ngày 18/11 (ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch) và tự cách ly tại nơi cư trú đến khi đủ 14 ngày.
Khi xét nghiệm lần thứ 3 (ngày 28/11/2020) cho kết quả BN 1342 dương tính với virus SARS-CoV-2 và 13 người khác có kết quả âm tính. Sở Y tế xác định trong quá trình cách ly tập trung ở khu cách ly của Vietnam Airlines, vào ngày 17/11, BN 1342 đã tiếp xúc với 1 tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về, đây là chuyến bay có nhiều hành khách và cả tiếp viên dương tính. BN 1342 sau đó đã bị khởi tố xử lý hình sự về Tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người".
Theo ông Quang, có dấu hiệu cơ sở cách ly tập trung của Vietnam Airlines đã thực hiện không đúng quy định cách ly của Bộ Y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID -19. Tuy nhiên, trách nhiệm của Vietnam Airline không được nhấn mạnh, thậm chí bị “bỏ quên”. Việc này gây suy nghĩ bất bình đẳng trong xử lý vi phạm và dư luận đặt câu hỏi lớn: Ai cho Vietnam Airline quyền được cách ly người về từ vùng dịch chỉ 5 ngày?
Ông Quang cho rằng, vụ việc gần đây tại tỉnh Yên Bái và các chuyên gia Trung Quốc tự do đi lại sau 14 ngày cách ly có thể là hệ quả của việc xử lý chưa nghiêm khắc các khu cách ly quản lý cẩu thả, đặc biệt là vụ việc tại Vietnam Airline.
“Rõ ràng những người quản lý khu cách ly tập trung phải có trách nhiệm cao nhất nhưng trách nhiệm của họ chưa được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Do vậy, bên cạnh việc xử lý từng cá nhân, cần xem xét nghiêm khắc trách nhiệm trực tiếp của người quản lý cơ sở cách ly và cơ quan nhà nước quản lý các cơ sở này. Nếu đã xử lý kỷ luật các nơi vi phạm thì phải công bố để có tính răn đe, phòng ngừa cho người khác, cơ sở cách ly khác, nâng cao ý thức không chỉ riêng việc cách ly mà cho tất cả công tác phòng chống dịch bệnh” – ông Quang khẳng định.