Bóng ma của cuộc chiến tranh Việt Nam rốt cuộc đã phai nhòa tại cảng chiến lược Cam Ranh. Hơn 40 năm trước, các lực lượng Mỹ đã ồ ạt rút khỏi căn cứ nơi lính thủy đánh bộ tới, các máy bay B-52 nạp bom đạn và điều trị lính Mỹ bị thương. Nay một số người Việt Nam đang mong quân đội Mỹ quay trở lại, New York Times (NYT) cho biết.
“Trên Facebook, gần đây có một câu hỏi: Bạn muốn gì từ chuyến thăm của tổng thống Obama. Một số người nói họ muốn dân chủ. Còn tôi muốn người Mỹ quay lại vịnh Cam Ranh. Rất nhiều người cũng nhất trí với tôi”, ông Võ Văn Tạo, 63 tuổi, từng là một lính bộ binh miền Bắc trong chiến tranh chống Mỹ nói với NYT.
Theo lịch trình ông Obama tới Việt Nam vào đêm 22/5. Đây là chuyến thăm thứ ba của một tổng thống Mỹ tới Việt Nam kể từ sau khi chiến tranh kết thúc. Câu hỏi lớn ông Obama được trông chờ trả lời là liệu Washington có dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam hay không. Chính quyền Việt Nam từ lâu đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận và Mỹ được tiếp cận Cam Ranh có thể là một phần của thỏa thuận, NYT nhận định.
Với Nhà Trắng, quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí vẫn là một vấn đề tranh luận khi một luồng quan điểm đòi Việt Nam phải cải thiện nhân quyền hơn nữa và bên kia là hỗ trợ năng lực cho Việt Nam tự vệ tốt hơn trước nguy cơ ngày càng tăng từ phía Trung Quốc ở Biển Đông. Theo NYT, căng thẳng với Trung Quốc đã leo thang ở Biển Đông và quan điểm trong chính quyền của ông Obama đã thay đổi thiên về hướng dỡ bỏ cấm vận, giới chức Mỹ nắm rõ nội tình thảo luận cho biết.
Theo NYT, chính phủ Việt Nam đứng trước sức ép chưa từng có từ Trung Quốc, biết rõ rằng không thể một mình đối phó với nguy cơ từ người hàng xóm khổng lồ và đang thận trọng tăng cường quan hệ với Mỹ. Bất chấp sự gần gũi về ý thức hệ, Việt Nam và Trung Quốc đã có xung đột về biển đảo ở Biển Đông trong những năm 1970 và 1980. Hai năm trước đây (2014), Trung Quốc đã ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan vào trong vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn tới đụng độ căng thẳng trên biển và những vụ biểu tình chống Trung Quốc ở một số tỉnh thành của Việt Nam
Mới đây, Trung Quốc lại bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với các đường băng quân sự tại Biển Đông chỉ cách bờ biển Việt Nam 300 hải lý. Nhu cầu của Việt Nam lại trùng khớp với Mỹ, nước hiện đang khích lệ các quốc gia Đông Nam Á để tự phòng vệ tốt hơn, một nỗ lực nhằm giữ cho Mỹ khỏi bị cuốn vào một cuộc xung đột hải quân trực tiếp với Trung Quốc.
Triển vọng quay trở lại Cam Ranh, nơi Việt Nam đã xây dựng một cảng quốc tế mới, đã cung cấp một sự hấp dẫn khác cho việc Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí, theo NYT. Sự hiện diện của Mỹ tại đây sẽ cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng hải cảng phía tây Biển Đông, bổ sung cho các cơ sở của Mỹ sẵn có tại Philippines trên trận tuyến biển.
“Nếu Mỹ có thể thường xuyên vào Cam Ranh, sẽ rất lợi thế để duy trì cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Nếu như hiện nay có chuyện gì xảy ra ở Biển Đông, Mỹ phải mất một thời gian mới tới được khu vực.
Trong khi Trung Quốc có thể đến đó nhanh hơn”, ông Alexander L. Vuving, chuyên gia về Việt Nam tại Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu nhận định.
Việt Nam đã tuyên bố không thiết lập liên minh với nước này để chống nước kia và không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ, đã làm rõ rằng sẽ không dành cho Mỹ ưu đãi sử dụng cơ sở đặc biệt nào nhưng sẽ cho phép chia sẻ (thực chất là tiếp đón, cung cấp dịch vụ hậu cần) căn cứ cùng với các quốc gia khác. Các tàu của Singapore, Nhật Bản, Pháp là các quốc gia đầu tiên sử dụng cảng quốc tế mới trong năm nay.
Theo các chuyên gia, Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam cũng là cách chứng tỏ thiện chí và thực sự bình thường hóa quan hệ hai nước Việt-Mỹ. Chuyên gia Vuving cho rằng để thể hiện thiện chí với Việt Nam, Mỹ cần phải thể hiện thiện chí bằng cách chấm dứt cấm vận vũ khí hoàn toàn. Làm như vậy sẽ “mở cánh cửa” cho hợp tác quân sự khăng khít hơn và việc tiếp cận Cam Ranh rất có thể sẽ diễn ra sau đó.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter điều trần tại thượng viện Mỹ tháng trước đã ủng hộ việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam. Mới đây, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách nhân quyền và lao động Tom Malinowski đã tới Hà Nội đánh giá lần cuối trước chuyến thăm của ông Obama. Một quan chức Mỹ thông báo ngắn gọn về chuyến công du rằng đã có những dấu hiệu tích cực từ Việt Nam. Ông Blinken còn ca ngợi một số tiến bộ của chính phủ Việt Nam về nhân quyền, đặt biệt là việc lần đầu tiên cho phép lập công đoàn độc lập.
Tuy nhiên NYT đánh giá, dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận cũng không nên kỳ vọng sẽ có mua sắm lớn đối với các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Kể từ khi Washington dỡ bỏ một phần lệnh cấm vào năm 2014, cho phép mua sắm các loại trang bị phòng vệ hàng hải, Việt Nam đã không mua thiết bị nào của Mỹ, thậm chí không sắm hệ thống radar bờ biển. Chuyên gia về quốc phòng Việt Nam Carl Thayer cho rằng do Việt Nam thiếu kinh phí.
Vấn đề cũng sẽ tốn kém đối với Việt Nam khi thay đổi từ các thiết bị hạng nặng do Nga sản xuất (Nga vốn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam từ lâu), sang các thiết bị do Mỹ chế tạo. Tuy nhiên, Việt Nam muốn đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc quá nhiều vào vũ khí Nga. Hà Nội cũng đang nhờ Ấn Độ huấn luyện thủy thủ đoàn cho các tàu ngầm do Nga sản xuất và đang tìm kiếm một số loại vũ khí của Israel.
Tuần trước, giới chức Việt Nam đã gặp các nhà thầu quân sự Mỹ bao gồm Boeing và Lockheed Martin trong một hội nghị chuyên đề tại Hà Nội để thảo luận về nhu cầu của quân đội Việt Nam. Ông Christopher W. Sfedu, tham dự hội nghị này là giám đốc một cơ sở cung cấp các thiết bị liên lạc ở Philadelphia cho biết, phần mềm viễn thông dường như là ưu tiên hàng đầu trong danh sách nhu cầu quân sự.
NYT nhìn nhận, Nga vẫn đang được hưởng ưu tiên ở Cam Ranh, với việc sử dụng căn cứ cho máy bay tiếp dầu phục vụ các chuyến bay trinh sát Guam. Được bảo vệ bởi các dãy núi phía nam và phía đông án ngữ Biển Đông, Vịnh Cam Ranh là nơi trú ẩn lớn nhất ở Đông Nam Á và có vị trí chiến lược nhất với cảng nước sâu.
Với ông Tạo, việc trở lại của Mỹ không thể diễn ra quá nhanh. “Người dân Việt Nam rất phẫn nộ với đường băng Trung Quốc ở Trường Sa. Chúng tôi tính nếu cất cánh từ đây chỉ mất một tiếng để đến oanh tạc Sài Gòn”, ông bức xúc nói về các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông.