Trong những ngày qua chính phủ Mỹ đã triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Iraq, máy bay chiến đấu Anh và Pháp dồn dập không kích nhiều mục tiêu IS ở Syria và Iraq. Ngay cả Đức cũng tăng cường hỗ trợ chiến dịch không kích. Nhưng các nước Ả Rập dù ở sát bên cạnh mối đe dọa IS lại đang rút lui.
Theo CNN, hiện Saudi Arabia và UAE chỉ còn tổ chức một đợt không kích IS mỗi tháng. Bahrain và Jordan đã ngừng triển khai máy bay chiến đấu.
Tại sao lại có sự thờ ơ này? Các nhà phân tích khẳng định hiện tại Yemen mới là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia Ả Rập. Và đó chỉ là một trong nhiều nguyên nhân.
“Chiến tranh ủy nhiệm” Saudi - Iran
Giới chuyên gia cho biết hiện Yemen là chiến trường chính trong cuộc đối đầu gián tiếp giữa Saudi Arabia và Iran, hai cường quốc lớn nhất Trung Đông. Sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo là nguồn gốc của mối thù địch giữa hai nước. Iraq không phải là quốc gia Ả Rập, đa phần dân số là người Hồi giáo Shiite.
Trong khi đó, phần lớn quốc gia trong khu vực, với Saudi Arabia đóng vai trò lãnh đạo, là Hồi giáo Sunni Ả Rập. Sự nghi kỵ giữa đôi bên rất lớn. Do đó, khi quân nổi dậy Houthi được Iran chống lưng tấn công thủ đô Sanna của Yemen hồi năm ngoái, một liên minh Ả Rập do Saudi Arabia lãnh đạo, gồm Ai Cập, Jordan và UAE đã được lập ra để can thiệp vào Yemen.
“Yemen là cuộc chiến liên tục 24/7. Saudi Arabia và UAE, hai quốc gia có không quân mạnh nhất trong khu vực, đang triển khai máy bay chiến đấu khắp bầu trời Yemen. Họ ưu tiên cuộc chiến ở Yemen hơn là cuộc chiến chống IS” - CNN dẫn lời giáo sư Fawaz Gerges thuộc Trường Kinh tế London nhận định.
Sợ bị khủng bố
Yemen là mối ưu tiên của các quốc gia Ả Rập, nhưng mối đe dọa khủng bố cũng đã khiến họ chùn tay trong cuộc chiến chống IS.
“Các nước Ả Rập, bao gồm Jordan, đang thu mình lại sau vụ phi công Jordan bị IS thiêu sống. IS không chỉ tồn tại ở Syria và Iraq mà còn có nhiều kẻ ủng hộ ở tất cả các nước Ả Rập bao gồm Saudi, Kuwait, Libăng và Jordan” - giáo sư Gerges cho biết.
Do đó các nước Ả Rập muốn giảm thiểu nguy cơ bị IS tấn công trả thù. Thống kê cho thấy số lượng kẻ gửi tin nhắn ủng hộ IS nhiều nhất trên mạng xã hội Twitter là người Saudi. Trong thời gian qua, IS cũng đã thực hiện một số vụ tấn công tại các nhà thờ Hồi giáo ở Saudi.
IS “là vấn đề của Iran”
Theo giới chuyên gia, các nước Ả Rập cho rằng IS đe dọa chủ yếu chính quyền Syria và Iraq, hai đồng minh thân cận của Iran. Do đó Tehran phải chịu trách nhiệm chống IS lớn nhất. Các nước Ả Rập Sunni cho rằng không kích các mục tiêu IS sẽ có lợi cho đồng minh của Iran ở Damascus và Baghdad.
Tuy nhiên giáo sư Gerges nhận định quan điểm đó đang thay đổi bởi IS hiện đã trở thành mạng lưới khủng bố toàn cầu với các vụ tấn công ở Pháp, Úc và Ai Cập.
“Các nước Ả Rập cho rằng IS là thách thức lớn hơn đối với Iran, nhưng thực tế là IS không chỉ đe dọa Syria và Iraq mà cả các nước Ả Rập” - giáo sư Gerges nhấn mạnh.
Đừng mơ Ả Rập triển khai bộ binh
Nhà phân tích Ghadi Sary của tổ chức Chatham House cho biết không quốc gia Ả Rập nào muốn mạo hiểm điều bộ binh đến Syria và Iraq để chống IS. Và không nước nào đủ sức hành động một mình. Và kể cả nếu khối Ả Rập sẵn sàng làm điều đó thì chính quyền Syria và Iraq cũng không chấp nhận sự can thiệp quân sự của các quốc gia “không thân thiện”.
“Chúng ta đều thấy phản ứng của Iraq thi quân đội Thổ Nhĩ KỲ đến miền bắc nước này” - giáo sư Sary cho biết.
Để can thiệp quân sự, khối Ả Rập cần sự đồng ý của chính quyền trung ương Syria và Iraq. Nhưng Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị khối Ả Rập căm ghét và chuyện hợp tác là chắc chắn không thể xảy ra.
Ông Sary cũng khẳng định các nước Ả Rập rất e ngại triển khai quân sĩ ở nước ngoài. Do đó, cuộc chiến chống IS chắc chắn còn rất giằng dai, bởi phương Tây không hề muốn triển khai bộ binh vì e ngai nguy cơ sa lầy, bị xem là xâm lược. Còn khối Ả Rập có quá nhiều toan tính.
Mỹ muốn lập hàng loạt căn cứ quân sự chống IS
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa trình lên Nhà Trắng kế hoạch lập hàng loạt căn cứ quân sự ở châu Phi, Tây Nam Á và Trung Đông nhằm hỗ trợ chiến dịch chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo báo New York Times, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết những căn cứ này sẽ đóng vai trò phục vụ chiến dịch thu thập thông tin tình báo và tổ chức các cuộc không kích tiêu diệt một số tổ chức chi nhánh của IS trong khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ muốn sử dụng các căn cứ quân sự nước ngoài làm trung tâm để lực lượng đặc nhiệm và sĩ quan tình báo hoạt động. Sẽ có ít nhất bốn “trung tâm” lớn, bao gồm các căn cứ đã tồn tại ở Djibouti và Afghanistan, cùng các cơ sở quân sự nhỏ hơn tại một số nước như Niger và Cameroon. Lầu Năm Góc cho biết sẽ triển khai từ 500 - 5.000 binh sĩ tới các căn cứ này. Hơn 10 năm qua, Lầu Năm Góc đã nâng cấp căn cứ quân sự cũ của Pháp ở Djibouti thành một tổng hành dinh với 2.000 binh sĩ phục vụ các chiến dịch quân sự ở Đông Phi và Yemen. Tương tự, quân đội Mỹ cũng đã sử dụng hàng loạt sânbay tại châu Phi, bao gồm Ethiopia và Burkina Faso, để triển khai máy bay không người lái do thám hoạt động của các tổ chức cực đoan ở Bắc Phi. Bộ Quốc phòng Mỹ tính lập trung tâm Trung Đông ở Erbil thuộc miền bắc Iraq, nơi đã có gần 3.500 quân Mỹ đóng. Dù vậy, một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại về chi phí tốn kém và sự “quân sự hóa chính sách ngoại giao” của Lầu Năm Góc. |
Theo Tuổi trẻ