Các mô hình kinh tế báo chí truyền thông mới trong bối cảnh chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cùng với sự phát triển của hệ sinh thái truyền thông số, báo chí ngày nay đối diện với những thuận lợi và thách thức trong việc đi tìm mô hình phát triển kinh tế mới.

Dựa trên nền tảng công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới cho chính phủ số - kinh tế số - xã hội số…

Chuyển đổi số báo chí không chỉ tạo ra những nội dung thông tin chuyên sâu, với hình thức thể hiện bắt mắt mà còn được truyền phát trên đa dạng các nền tảng.

img-1578-210.jpg

Chuyển đổi số và sự thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, sự cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng và giành giật nhà quảng cáo diễn ra ngày một gay gắt, khốc liệt. Sự hiện diện phổ biến và rộng khắp của các nền tảng số (như Facebook, Google và Apple…) cùng với khả năng bứt phá đáng kinh ngạc của công nghệ thông tin đang làm cho các mô hình kinh doanh truyền thống, từng đem lại thành công cho các doanh nghiệp truyền thông nhiều thập kỷ qua, bị thách thức nghiêm trọng.

Ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là AI, Big Date, IoT... báo chí truyền thông hiện đại xuất hiện nhiều diện mạo mới, như báo chí truyền thông đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động...

Chuyển đổi số báo chí không chỉ tạo ra những nội dung thông tin chuyên sâu, với hình thức thể hiện bắt mắt mà còn được truyền phát trên đa dạng các nền tảng (bao gồm website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại..) để phục vụ tối đa nhu cầu của công chúng. Chuyển đổi số báo chí đang tạo ra nhiều mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ số.

Trước đây, mô hình kinh doanh kinh điển của các cơ quan báo chí truyền thông là dựa vào quảng cáo, và xây dựng trên nền tảng của một thị trường kép. Trong đó, các cơ quan báo chí truyền thông cung cấp (gần như miễn phí) nội dung thông tin để thu hút khán giả, và ‘bán’ các khán giả này cho các nhà quảng cáo. Tuy nhiên, sự lệ thuộc ngày càng cao của giới truyền thông vào các nhà quảng cáo đã và đang trở thành yếu điểm cho mô hình kinh doanh này, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng trong thập niên qua.

Doanh thu hoạt động và tỷ suất lợi nhuận của các đài truyền hình ở châu Âu giảm lần lượt là 14% và 52,1% trong 5 năm vừa qua. Trong khoảng thời gian này, doanh thu quảng cáo trên báo in của châu Âu các nhà xuất bản báo chí đã giảm từ 17,2 tỷ euro xuống còn 12,9 tỷ euro (giảm 25,6%).

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2020, doanh thu nhiều cơ quan báo chí giảm 70%, doanh thu của hệ thống các đài phát thanh - truyền hình giảm 4% so với 2019. Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2023, doanh thu 09 tháng đầu năm 2023 của các cơ quan báo, tạp chí giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó quảng cáo giảm 14,8%, đối với các đài phát thanh – truyền hình, tổng nguồn thu giảm 23% so với năm trước đó. Trừ một số đài truyền hình còn lại hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.

Điều đáng nói là, ngay cả khi báo điện tử ngày một thu hút đông đảo độc giả, thì 75-80% doanh thu “quảng cáo số” vẫn chảy vào túi các hãng công nghệ nền tảng.

Báo chí bị suy giảm nguồn thu, nhiều tờ báo không có ngân sách đứng trước nguy cơ phải giải thể hoặc thu hẹp quy mô, số khác phải xoay xở bằng các nguồn thu khác ngoài mặt báo. Và vì vậy, để có ngay nguồn thu trước mắt, không ít cơ quan báo chí chọn giải pháp “giật tít câu view”.

bao-chi-211.jpg
Báo in trong kỷ nguyên số.

Các mô hình mới

Mô hình kinh doanh trực tuyến: Netflix, được thành lập vào năm 1997, là ví dụ điển hình về một công ty thành công với mô hình kinh doanh số.

Khi mới thành lập Netflix sử dụng công nghệ cho phép người dùng chọn ra danh sách bộ đĩa DVD mà họ muốn xem trên trang Netflix.com, sau đó công ty sẽ gửi từng đĩa DVD về cho khách hàng, để người dùng có thể giữ phim mà không phải lo lắng về phí trễ hạn. Netflix mang lại trải nghiệm thuận tiện hơn, tuy nhiên về cơ bản thì vẫn khá giống với các cửa hàng cho thuê phim.

Từ năm 1999, Netflix chính thức phát triển dịch vụ đăng ký trả phí, cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến từ Mỹ với nội dung đa dạng gồm phim đa lĩnh vực và các chương trình truyền hình, theo đó, Netflix cho phép người dùng chỉ cần chi trả một mức phí từ 30-40 USD/tháng để xem lượng video tùy thích.

Tuy nhiên, phải đợi đến 2007, khi tận dụng nền tảng công nghệ lưu trữ đám mây, tạo ra không gian phim ảnh đa dạng và đặc sắc, quá trình chuyển đổi số của Netflix mới chính thức bắt đầu. Được xây dựng dựa trên hệ thống thuật toán và dữ liệu lớn người sử dụng, Netflix tạo nên giá trị khác biệt nhờ cung cấp dịch vụ trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng, theo đó, người dùng tùy chọn xem trực tuyến video theo yêu cầu, bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu miễn là có kết nối Internet.

Dựa trên dữ liệu lịch sử từ những lần xem phim trước đó của khách hàng, Netflix sẽ biết người dùng thích xem thể loại gì, nội dung gì để gợi ý đúng theo “khẩu vị” của họ. Chất lượng hình ảnh mượt mà, giao diện bắt mắt, dễ sử dụng, không quảng cáo, đồng thời cung cấp nhiều tính năng hữu dụng như tự động ghi nhớ mốc thời gian đang xem dở, có phụ đề, tự động phát tập phim tiếp theo… Netflix ngày càng thể hiện sự thấu hiểu khách hàng, từ đó giữ chân người dùng ở lại lâu hơn trong thế giới của Netflix.

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016, cho đến nay Netflix là ứng dụng phát trực tuyến phổ biến thứ hai tại Việt Nam. Netflix cũng đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để tiến hành nộp thuế. Dự kiến Netflix sẽ sớm mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Năm 2022, Netflix đã nói lời tạm biệt với việc gửi DVD qua đường bưu điện, sau khi đã gửi đi hơn 5,2 tỷ chiếc đĩa DVD trong vòng 25 năm, và trở thành công ty kinh doanh số, cung cấp nội dung video kỹ thuật số phổ biến nhất trên Facebook, Website, app mobile, vượt qua cả Amazon, Hulu và Youtube.

w-bao-chi-191.jpg
Trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí truyền thông đều phải tái cơ cấu về tổ chức và hoạt động, để thích ứng với logic phát triển kinh tế của môi trường truyền thông kỹ thuật số. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Mô hình kinh doanh ‘phân mảnh’: Các nền tảng truyền thông mới như công cụ tìm kiếm (Google), dịch vụ thương mại điện tử (eBay) và/hoặc các trang mạng xã hội (Facebook) mang lại sự thay đổi diện mạo đáng kể cho lĩnh vực kinh tế báo chí truyền thông số.

Kinh tế truyền thông trong môi trường số dường như là phép nghịch đảo của mô hình kinh tế đã tồn tại nhiều thập kỷ qua.

Các cơ quan báo chí truyền thông truyền thống thường chú trọng vào phía cung cấp thông tin (ví dụ: giá cả, danh mục sản phẩm...) để tạo ra hiệu quả kinh tế và cắt giảm chi phí. Trong khi, các nền tảng kỹ thuật số, theo chiều ngược lại, ưu tiên tạo trải nghiệm người dùng tối ưu và xây dựng lượng khách hàng lớn.

Mô hình kinh doanh truyền thông gắn với những sản phẩm báo chí truyền thông vật lý, như tờ báo, tờ tạp chí, đĩa CD, DVD. Trong khi, phương tiện truyền thông số gắn sản phẩm số với kênh truyền số, vì vậy, đưa sản phẩm tới công chúng một cách nhanh chóng và với chi phí thấp hơn nhiều.

Bên cạnh đó, nhóm công chúng đại chúng cũng đang được phân tách thành các nhóm nhỏ công chúng, có nhu cầu thị hiếu khác nhau. Các sản phẩm truyền thông được tách lẻ, và các nhóm công chúng ‘phi đại chúng hóa’ đang là hoạt động phổ biến trong nền kinh tế báo chí truyền thông số.

Nếu trước đây người hâm mộ âm nhạc phải bỏ tiền mua cả album, thì iTunes và Spotify cho phép người nghe mua/nghe từng bản nhạc riêng lẻ. Báo chí cũng trở nên phân mảnh, khi từng các bài báo riêng lẻ được rao bán hoặc cung cấp miễn phí trên các trang web tin tức khác nhau. Ngay cả trên TV, 'sự phân mảnh' cũng đã bắt đầu kể từ khi Netflix khuyến khích khán giả xem phim hay các video theo kiểu ‘gọi món’, còn các kênh truyền hình như HBO và RTL ra mắt tính năng cho phép công chúng trả phí riêng lẻ, tách biệt với dịch vụ đăng ký trả phí theo gói định kỳ.

Các nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đang dẫn đến sự phân mảnh cao độ, theo cách ‘cá thể hóa’. Các cơ quan báo chí truyền thông có thể dõi theo độc giả của mình trên các nền tảng khác nhau, đo lường mức tiêu thụ tin tức đa phương tiện (điện thoại thông minh, máy tính bảng,…) và cung cấp cho công chúng những thông tin được cá nhân hóa theo nhu cầu, sở thích của họ.

Mô hình kinh doanh đa nền tảng: Các cơ quan báo chí truyền thông ứng dụng công nghệ số để sản xuất và phân phối sản phẩm báo chí truyền thông trên tất cả nền tảng và thiết bị, và định hình phương thức kinh doanh mới - kinh doanh trên đa nền tảng. Các tờ báo hàng đầu trên thế giới đều 'ưu tiên kênh kỹ thuật số' và điều chỉnh nội dung cho phù hợp với các nền tảng và định dạng kỹ thuật số cụ thể.

Mô hình kinh doanh dựa trên việc việc bán “quyền tiếp cận” hơn là 'quyền sở hữu’: Dịch vụ đám mây ngày một trở nên phổ biến, phí dịch vụ cho các gói lưu trữ với dung lượng không giới hạn ngày một giảm, và ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thể truy cập vào nội dung đa phương tiện từ mọi thiết bị họ có.

Nếu trước đây, sự lựa chọn của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn, vì nội dung (nguồn cung) thường bị giới hạn bởi không gian, thời gian, sự trở ngại về vị trí địa lý hay số lượng nguồn cung giới hạn, thì công nghệ hiện đại đã gần như xóa bỏ các rào cản đối với công chúng trong việc tiếp cận thông tin.

Một thập kỷ trước, người dùng thường tải nhạc hoặc phim để lưu trữ trên máy tính của họ. Ngày nay, công chúng thích “quyền tiếp cận” hơn là “quyền sở hữu” và muốn có quyền truy cập “ngay lập tức” tới nhiều nội dung nhất có thể.

Mô hình kinh doanh dữ liệu lớn: Các nền tảng kỹ thuật số khai thác sức mạnh của dữ liệu lớn (bao gồm dữ liệu khổng lồ về thông tin, dữ liệu về các cá nhân,… để sáng tạo nội dung và cá nhân hóa các dịch vụ. Dữ liệu lớn là nguồn lực quý giá của ngành báo chí truyền thông và chắc chắn sẽ trở thành một trong những giá trị của mô hình kinh doanh của nền kinh tế số.

Trong bối cảnh các mô hình kinh doanh hiện có ngày một kém hiệu quả, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trực tuyến và các nền tảng di động, các cơ quan báo chí truyền thông đều phải tái cơ cấu về tổ chức và hoạt động, để thích ứng với logic phát triển kinh tế của môi trường truyền thông kỹ thuật số.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão, các sản phẩm báo chí truyền thông gia tăng không giới hạn, thu hút sự chú ý của công chúng ngày càng trở nên khó khăn, thì việc cung cấp nhiều nội dung hơn sẽ không giúp các cơ quan báo chí truyền thông đạt được lợi thế cạnh tranh, mà quan trọng hơn, là sự chăm sóc và thấu hiểu khách hàng.

Sự hiểu biết cụ thể, kỹ lưỡng về thói quen và nhu cầu của công chúng truyền thông cũng như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với độc giả/ khán giả/ thính giả là chiến lược trọng tâm trong hoạt động chuyển đổi số của các cơ quan báo chí truyền thông để phát triển các mô hình kinh doanh mới.

Ngày 14/6, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6”- lần thứ ba (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đồng chủ trì.

Hội thảo được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận.