Mạo danh bệnh viện để trục lợi: Kịch bản lừa đảo “đội lốt” áo blouse trắng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hàng loạt fanpage giả mạo các Bệnh viện (BV): Bạch Mai, 108, Phụ sản Trung ương, Da Liễu Trung ương, Bắc Ninh… để kêu gọi từ thiện, bán thuốc giả, làm giả giấy tờ y tế… Đây là hành vi nhẫn tâm, đánh vào lòng tin và sức khỏe cộng đồng.

“Cháu bé đang nguy kịch, cần mổ gấp”, “BV kêu gọi quyên góp”, “bác sĩ nổi tiếng trực tiếp chữa trị” – những lời kêu gọi đầy cảm xúc ấy được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, kèm theo hình ảnh bệnh nhân, logo BV, ảnh bác sĩ… Nhưng tất cả là giả mạo.

Trong những tháng gần đây, hàng loạt các BV như: Bạch Mai, Trung ương Quân đội 108, Phụ sản Trung ương, Da Liễu Trung ương, BV Đại học Y Hà Nội và Bắc Ninh số 2 ... đã lên tiếng cảnh báo người dân vì bị kẻ xấu mượn danh để trục lợi một cách trắng trợn và có hệ thống.

BM.png
BV Bạch Mai thông báo fanpage giả mạo BV để lừa người dân

Đủ "kịch bản" lừa đảo

Kẻ gian đã giả mạo tên tuổi BV Bạch Mai để đăng bài kêu gọi từ thiện. Chúng dựng nên câu chuyện về một cháu bé mắc bệnh hiểm nghèo đang cấp cứu tại khoa Nhi, cần phẫu thuật gấp, không có tiền, gia đình kiệt quệ. Các bài viết được lan truyền từ fanpage tự xưng “BV Bạch Mai” có hàng chục nghìn lượt tương tác. Người nhẹ dạ đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà kẻ lừa đảo đưa ra.

Nhưng, lãnh đạo BV khẳng định: “Chúng tôi không có bất cứ chiến dịch kêu gọi quyên góp nào dưới hình thức này. Tất cả các hoạt động từ thiện đều do bệnh viện phối hợp chặt chẽ cùng các tổ chức có pháp nhân rõ ràng”.

BV DL.jpg
Hành vi mạo danh BV Da liễu Trung ương để bán thuốc giả.

Một số đối tượng khác lập fanpage giả mạo BV Da liễu Trung ương để bán sản phẩm làm mờ sẹo, trị mụn không rõ nguồn gốc. Fanpage dùng tên “Viện Da liễu Trung ương”, địa chỉ thật và hình ảnh, bài viết từ website chính thống để tạo niềm tin. Nhưng BV này khẳng định không sản xuất hay bán các sản phẩm này như fanpage quảng cáo, lưu ý người dân cần xác minh các thông tin liên quan đến các hoạt động khám chữa bệnh, cấp phát thuốc của BV Da liễu Trung ương, hãy liên hệ đến Hotline 19006951.

Mới đây, BV Phụ sản Trung ương cũng lên tiếng trước tài khoản giả mạo “BV Phụ sản Trung ương: Tuyển dụng & Đào tạo”, dùng logo cũ và sao chép nội dung từ trang chính thức để lừa đảo, dụ người dùng đóng tiền học trái phép. BV khẳng định đây là trang mạo danh và khuyến cáo người dân không chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân qua fanpage giả này. Các nghi vấn đề nghị báo qua số 19001029 hoặc fanpage chính thức của BV.

BV PS TW.jpg
BV Phụ sản Trung ương cảnh báo trước sự mạo danh BV

BV Trung ương Quân đội 108 cũng bị kẻ lừa đảo tạo fanpage giả mạo, sử dụng logo chính thức, tên gọi gần giống, thậm chí còn mua tích xanh Facebook khiến nhiều người nhầm tưởng đây là trang chính thức.

Fanpage giả này đăng các bài viết “tư vấn sức khỏe”, “bán thuốc điều trị đau xương khớp – phác đồ độc quyền của bệnh viện 108”, kèm hotline đặt hàng, chuyển khoản. BV đã phải ra thông báo khẩn, kêu gọi người dân “tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không mua thuốc online từ những trang không xác thực”.

BV cho biết đã gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng để xử lý, nhưng các trang giả mạo sau khi bị khóa lại lập trang mới, thay đổi tên gọi để tiếp tục lừa đảo.

108.jpg
Fanpage mạo danh BV Trung ương Quân đội 108

Mới đây, BV Đa khoa Bắc Ninh số 2 còn bị bọn xấu làm giả giấy ra viện, giả chữ ký bác sĩ và đóng dấu giả để hợp thức hóa việc… nghỉ việc hưởng bảo hiểm.

Trong một trường hợp, người dân phát hiện giấy tờ y tế mang con dấu “BV Bắc Ninh số 2” nhưng là giả, được gắn với địa chỉ, số điện thoại và hình ảnh của BV Bắc Ninh tuyến tỉnh để bán các gói “dịch vụ y tế trọn gói” trá hình trên mạng xã hội.

Lãnh đạo BV Bắc Ninh khẳng định đây là hành vi làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức, cần được điều tra và xử lý theo pháp luật.

Lòng tin bị lợi dụng, đạo đức bị chà đạp

Không giống các chiêu trò lừa đảo tài chính thuần túy, việc giả danh BV để trục lợi đánh thẳng vào lòng tin, nhân ái và sự yếu thế của người bệnh. Họ không chỉ mất tiền, mà còn chịu tổn thương về tinh thần khi biết rằng tình cảm mình trao đi là cho một cú lừa được dàn dựng bài bản.

Từ những trang fanpage “nhái”, giấy tờ y tế giả, cho đến việc bán thuốc giả, kêu gọi từ thiện, tất cả tạo nên một mạng lưới lừa đảo nhắm đúng vào nhóm người có lòng tin, vào ngành y.

Đã đến lúc không thể xem đây là chuyện riêng của từng BV. Đây là một vấn đề an ninh mạng, an toàn xã hội, cần sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan chức năng với việc xác minh, truy quét và xử lý nghiêm những trường hợp giả mạo BV để trục lợi; phối hợp với Facebook, TikTok, Zalo… để triệt tiêu tận gốc các fanpage giả ngay khi bị phát hiện.

Trong khi chờ đợi các biện pháp xử lý đồng bộ, người dân cần tỉnh táo và cảnh giác bằng việc luôn kiểm tra địa chỉ website chính thức của BV (thường có đuôi “.gov.vn” hoặc công khai rõ ràng). Không chuyển tiền cho bất kỳ số tài khoản nào từ các bài đăng không có xác minh. Khi nghi ngờ, hãy gọi điện trực tiếp đến số tổng đài bệnh viện chính thức để xác minh thông tin.

Nhân danh BV để lừa tiền không chỉ là vi phạm pháp luật – đó là sự lạm dụng nhân đạo để kiếm lời trên nỗi đau của người khác. Đó là hành vi tàn nhẫn, phi đạo đức và không thể biện hộ.