Thị trường truyền thông số Việt Nam: Cơ hội và những mô hình sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong lĩnh vực truyền thông, truyền thông số phát triển song hành với quá trình chuyển đổi số tạo ra nhiều xu hướng mới, đa dạng nhưng cũng nhiều thách thức.

Các nền tảng truyền thông số phổ biến

Hạ tầng công nghệ tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Với sự phát triển của mạng 4G và triển khai mạng 5G, tốc độ và khả năng kết nối Internet đã được cải thiện đáng kể. Sự ra đời và phổ cập của mạng 4G đã đem lại nhiều lợi ích về mặt tốc độ và khả năng truy cập Internet cho người dùng.

Đặc biệt, việc triển khai mạng 5G, mặc dù đang trong giai đoạn đầu nhưng cũng đã tạo ra các đột phá vượt bậc về tốc độ kết nối, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng loạt thiết bị thông minh. Điều này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho các ứng dụng công nghệ cao như Internet of Things (IoT), thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR).

kinh-te-bao-chi-1-3444.jpg
Với sự phát triển của hạ tầng công nghệ và mạng Internet, các dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đã có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Với sự phát triển của hạ tầng công nghệ và mạng Internet, các dịch vụ truyền thông số tại Việt Nam đã có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Từ các nền tảng mạng xã hội, dịch vụ phát video trực tuyến, đến các ứng dụng di động. Sự phát triển này chắn chắn sẽ tạo ra lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng cường kết nối xã hội và thúc đẩy sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mỗi nền tảng truyền thông có một ưu thế riêng và đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng cụ thể. Trong đó, giới trẻ đang là đối tượng tham gia tương tác nhiều nhất trên các kênh truyền thông số, đặc biệt là mạng xã hội. Mạng xã hội gần như là kênh chính để học sinh, sinh viên cập nhật các thông tin.

Cũng theo số liệu thống kê trong báo cáo thường niên về các xu hướng truyền thông xã hội do Meltwater và We Are Social công bố, tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, có đến 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội. Các nền tảng truyền truyền thông xã hội như Facebook, Youtube, Zalo và Tiktok dẫn đầu về mức độ phổ biến. Trong đó, nền tảng Facebook có khoảng 72,70 triệu người dùng tại Việt Nam vào đầu năm 2024.

Con số này là 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên với nền tảng Tiktok, 63 triệu người với nền tảng Youtube và 10,9 triệu người dùng với nền tảng Instagram.

Nội dung số và xu hướng tiêu thụ

Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng công nghệ và Internet cũng kéo theo sự phát triển phổ biến của nội dung số. Theo thị hiếu, người dùng cũng ưa chuộng những nội dung phong phú, đa dạng loại hình hơn; từ tin tức, giải trí đến giáo dục và thương hiệu.

Nhu cầu cập nhật thông tin nhanh chóng và liên tục đã khiến các nền tảng tin tức số trở nên phổ biến hơn.

Nội dung số đang chiếm ưu thế với nhiều hình thức phong phú như phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử và các chương trình truyền hình trực tuyến. Không chỉ vậy, nội dung giáo dục số cũng cần phải nhắc đến. Các khóa học trực tuyến, video hướng dẫn và tài liệu học tập số trên nhiều nền tảng đã mở ra nhiều cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi. Nội dung học tập đa dạng, chất lượng và dễ tiếp cận cũng giúp người xem tiết kiệm thời gian, chi phí và linh hoạt trong việc tiếp thu kiến thức mới.

Phủ khắp các nền tảng truyền thông là video ngắn. Sự gia tăng của các video ngắn và phát trực tiếp đã tạo ra xu hướng tiêu thụ mới. Người dùng có thể dễ dàng tạo và chia sẻ video ngắn trên các nền tảng như TikTok, Instagram Reels và YouTube Shorts. Đồng thời, các sự kiện phát trực tiếp như livestream bán hàng, sự kiện âm nhạc trực tuyến và các buổi trò chuyện trực tiếp đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống số của người Việt.

Cơ hội phát triển thị trường truyền thông số

Sự phát triển của công nghệ mới: Các công nghệ mới như AI, Blockchain, AI và thực tế ảo (VR) đang được ứng dụng rộng rãi lĩnh vực truyền thông số và vẫn sẽ phát triển, mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Chúng có thể tạo ra những trải nghiệm người dùng mới mẻ và độc đáo, thu hút sự quan tâm của đối tượng mục tiêu.

Thị trường đang tăng trưởng: Với dân số trẻ và mức độ thâm nhập Internet cao, thị trường truyền thông số tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Các doanh nghiệp có thể khai thác thị trường này bằng cách tạo ra các sản phẩm và dịch vụ số phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Sự hỗ trợ từ chính phủ: Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp truyền thông số hoạt động và phát triển.

Tháng 9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư. Ngày 3/6/2020, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” hướng đến mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đặc biệt, Đại hội 13 của Đảng nhấn mạnh: “Phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm việc, cách sống, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành giai đoạn 2021 - 2025 gồm 5 danh mục dự án: Hạ tầng số, nền tảng số, phát triển dữ liệu, ứng dụng - dịch vụ và an toàn thông tin. Kế hoạch này được triển khai cũng là điều kiện thuận lợi, hỗ trợ quá trình phát triển truyền thông số.

2.jpg
Tại Việt Nam, tính đến đầu năm 2024, có đến 73,3% dân số sử dụng mạng xã hội. Ảnh minh họa

Các mô hình sáng tạo trong truyền thông số

Tận dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy:

Cá nhân hóa nội dung: Sử dụng AI để phân tích dữ liệu người dùng và cung cấp các nội dung phù hợp với sở thích cá nhân. Điều này giúp tăng cường trải nghiệm người dùng và tăng tương tác.

Tự động hóa trong sản xuất nội dung: AI có thể hỗ trợ tạo nội dung, từ viết bài báo, biên tập video đến thiết kế đồ họa. Các công cụ AI như GPT-4 có thể tự động tạo ra nội dung chất lượng cao với ít sự can thiệp từ con người.

Thực tế Ảo (VR) và Thực tế Tăng cường (AR):

Trải nghiệm thực tế ảo trong tin tức và giải trí: Sử dụng VR để tạo ra các trải nghiệm tin tức và giải trí sống động, cho phép người dùng cảm nhận như đang ở hiện trường.

Quảng cáo AR: Tích hợp AR trong các chiến dịch quảng cáo để tạo ra các trải nghiệm tương tác hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quảng cáo.

Phát triển nội dung video ngắn và phát trực tiếp đa nền tảng:

Ứng dụng video ngắn: Phát triển các nền tảng tương tự TikTok, tập trung vào nội dung giáo dục, tin tức và giải trí. Nội dung video ngắn dễ tiếp cận và thu hút sự chú ý của giới trẻ.

Phát trực tiếp đa nền tảng: Tích hợp tính năng phát trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội, cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận thông tin và tương tác trực tiếp với các sự kiện, chương trình.

Ứng dụng Blockchain trong truyền thông:

Bảo vệ bản quyền: Sử dụng blockchain để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền nội dung số, đảm bảo sự minh bạch và công bằng cho các nhà sáng tạo.

Giao dịch minh bạch: Ứng dụng blockchain trong quảng cáo và tiếp thị để tạo ra các giao dịch minh bạch và đáng tin cậy, từ đó xây dựng lòng tin với người tiêu dùng.

Phát triển nền tảng truyền thông tích hợp:

Siêu ứng dụng truyền thông: Phát triển một siêu ứng dụng tích hợp nhiều tính năng như tin tức, giải trí, mua sắm và mạng xã hội, giúp người dùng dễ dàng truy cập và sử dụng nhiều dịch vụ từ một nền tảng duy nhất.

Hệ sinh thái số: Xây dựng một hệ sinh thái số kết nối các doanh nghiệp, nhà sáng tạo nội dung và người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác và phát triển.

Truyền thông số tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để tận dụng tối đa tiềm năng của truyền thông số, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp cần nắm bắt xu hướng mới, đầu tư vào công nghệ, và chú trọng đến vấn đề an ninh mạng.

Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ chính phủ, doanh nghiệp đến người tiêu dùng, để xây dựng một môi trường truyền thông số lành mạnh và bền vững. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, những nhà quản trị truyền thông nghiên cứu phát triển, tạo ra những giải pháp tăng cường hiệu quả và đáp ứng tốt nhất với nhu cầu thị trường.

Theo TS Nguyễn Thị Thu Hường/Vietnamnet

Lab Báo chí và Truyền thông số - Học viện Bưu chính viễn thông