SVB đã sụp đổ sau khi gặp phải tình trạng rút tiền hàng loạt, và trở thành vụ ngân hàng phá sản lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.
Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) hôm 10/3 cho hay họ sẽ tiếp quản ngân hàng này thông qua một thực thể mới mà họ thành lập có tên Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara. Tất cả tiền gửi của SVB sẽ được chuyển sang ngân hàng mới.
Những khách hàng gửi tiền được bảo đảm sẽ có quyền tiếp cận tài khoản của họ vào sáng thứ Hai tuần sau, theo FDIC. Những khách hàng có số tiền gửi vượt quá trần bảo hiểm sẽ nhận được chứng chỉ tiền gửi đối với khoản tiền gửi không được bảo đảm của họ, có nghĩa rằng những doanh nghiệp có khoản tiền gửi lớn bị mắc kẹt trong ngân hàng này có khả năng sẽ sớm lấy lại được tiền của họ.
SVB là ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ, với tài sản khoảng 209 tỉ USD tính tại ngày 31/12, theo Fed. Đến nay, nó là ngân hàng lớn nhất phá sản kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, và đứng thứ hai chỉ sau vụ phá sản của Washington Mutual Inc.
Công ty mẹ của SVB, SVB Financial Group, đang chạy đua để tìm người mua sau khi huỷ một kế hoạch bán cổ phiếu trị giá 2,25 tỉ USD để huy động vốn trong tháng thứ Sáu. Nhưng các cơ quan điều hành không muốn chờ đợi. Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California đã đóng cửa ngân hàng này chỉ trong vài giờ đồng hồ trong hôm 10/3 và đặt nó dưới quyền kiểm soát của FDIC.
Khách hàng đã cố gắng rút 42 tỉ USD – khoảng ¼ tổng lượng tiền gửi tại ngân hàng này – chỉ tính riêng trong ngày 9/3. Tình trạng rút tiền đồng loạt này đã huỷ hoại sức khoẻ tài chính của ngân hàng, và đến cuối phiên giao dịch hôm thứ Năm, SVB có số dư tiền mặt âm gần 1 tỉ USD, không thể xử lý các khoản thanh toán tại Fed.
Tính đến ngày 8/3, SVB vẫn trong tình trạng tài chính tốt. Nhưng chỉ một ngày sau, họ đã không đủ khả năng trả nợ.
Sự sụp đổ của SVB cũng gây ra tác động lớn tới phần còn lại của ngành ngân hàng. Các nhà đầu tư đã bán tháo ra cổ phiếu của các ngân hàng lớn và nhỏ trong hôm 9/3, làm “bay hơi” 52 tỉ USD giá trị của 4 ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Các ngân hàng lớn đã phục hồi trong hôm 10/3, nhưng nhiều ngân hàng nhỏ hơn tiếp tục chịu ảnh hưởng.
Giới đầu tư hiện tỏ rõ sự lo ngại về các ngân hàng tương tự như SVB. Giá cổ phiếu của Fist Republic Bank có trụ sở tại San Francisco đã giảm khoảng 30% trong hôm thứ Tư. Giá cổ phiếu của PacWest Bancorp đã giảm 54% trong 2 ngày vừa qua. Hơn 2/3 danh mục cho vay của họ gắn liền với bất động sản, với một phần khá lớn dành cho các công ty đầu tư mạo hiểm.
Giám đốc điều hành SVB Greg Becker cố gắng trấn an khách hàng nhưng bất thành (Ảnh: WSJ) |
Đằng sau sự sụp đổ của SVB
SVB chủ yếu phục vụ cho hệ sinh thái startup và những nhà đầu tư rót vốn cho các startup này. Lượng tiền gửi của ngân hàng này bùng nổ cùng với ngành công nghệ, tăng tới 86% trong năm 2021 lên 189 tỉ USD và đạt đỉnh ở mức 198 tỉ USD chỉ một quý sau đó. Ngân hàng này đổ phần lớn lượng tiền gửi này để mua trái phiếu kho bạc Mỹ và các loại chứng khoán nợ của chính phủ.
Ngành công nghệ bắt đầu suy yếu sau khi Fed nâng lãi suất trong năm ngoái để kiềm chế lạm phát. Điều này khiến các doanh nghiệp startup “thiêu đốt” khoản tiền gửi của họ ở SVB nhanh hơn so với ngân hàng này dự đoán. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư mới bị trì hoãn, có nghĩa rằng tiền mới không thể đổ về ngân hàng này.
Lãi suất tăng cao cũng làm giảm giá trị của danh mục đầu tư trái phiếu khổng lồ của SVB. Ngân hàng này bởi vậy cần có nguồn vốn tươi mới.
SVB đã thuê Goldman Sachs Group Inc vào đầu tuần này để thực hiện một vụ bán cổ phiếu theo hình thức “private sale”, với kế hoạch sẽ công bố thương vụ sau khi hoàn thành để tránh kinh động tới các nhà đầu tư. Sau đó, Moody’s thông báo với SVB rằng họ có kế hoạch hạ xếp hạng tín dụng của ngân hàng này.
Giới lãnh đạo SVB lo ngại rằng việc bị đánh tụt xếp hạng tín dụng sẽ gây tổn hại nhiều hơn so với một vụ bán cổ phiếu. Bởi vậy họ cố gắng neo thoả thuận với công ty General Atlantic với khoản tiền cam kết 500 triệu USD và công bố về thương vụ bán cổ phiếu sau khi thị trường đóng cửa hôm thứ Tư. Chiều cùng ngày, Moody’s đánh tụt xếp hạng tín dụng của SVB.
Giá cổ phiếu của SVB giảm mạnh sau khi thị trường mở cửa trở lại trong hôm thứ Năm. Diễn biến này khiến khách hàng của SVB hết sức lo ngại, họ bắt đầu đi rút tiền đồng loạt khỏi ngân hàng để tránh bị mắc kẹt tiền trong trường hợp phá sản.
Giám đốc điều hành Greg Becker cố gắng trấn an khách hàng trong hôm thứ Năm, nói với họ rằng ngân hàng đang trong tình trạng tài chính vững chắc dù chịu một số tổn thất. Nhưng lời kêu gọi này không có tác dụng. Các nhà đầu tư vốn mạo hiểm khuyên các startup rút hết tiền khỏi SVB để tránh mất lượng tiền gửi vượt quá hạn mức bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD. Ngân hàng này có hơn 151 tỉ USD lượng tiền gửi vượt quá hạn mức bảo hiểm của FDIC tính vào thời điểm cuối năm 2022.
Các ngân hàng đối thủ của SVB nhận được vô số những cuộc gọi của khách hàng tiềm năng đang tìm cách chuyển tiền của họ.
Alison Greenberg, đồng sáng lập của một startup có tên Ruth Health, đang trong một cuộc họp thì nhận được một bức email kịch tính do một nhà đầu tư gửi đến.
“Bức thư nói đơn giản rằng “mọi thứ đang bung bét ở SVB, hãy nhanh chóng rút tiền ra””, bà Greenberg nói.
Audrey Wu, một đồng sáng lập khác của Ruth Health, sau đó chuyển tiền khỏi tài khoản của công ty một cách thận trọng, hy vọng sẽ không kích hoạt các hệ thống tự động có thể làm trì hoãn các giao dịch.
Ngay khi Wu chuẩn bị thực hiện giao dịch cuối cùng khỏi tài khoản công ty, website của SVB bị sập khiến cô không thể đăng nhập trở lại.
Một nhóm khách hàng đứng trước trụ sở của SVB trong sáng 10/3 (Ảnh: NDTV) |
Doanh nghiệp, khách hàng lãnh đủ
Giá cổ phiếu của SVB giảm hơn 60% xuống còn 106,04 USD trong hôm 9/3.
Các nhân viên của Goldman Sachs đã dàn xếp để bán cổ phiếu của SVB với giá 95 USD/cổ phiếu trong chiều ngày 9/3. Nhưng khi giá cổ phiếu liên tục giảm và có thêm nhiều khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng này, thoả thuận đó bị huỷ.
Một số người cố gắng kêu gọi sự ủng hộ đối với SVB. Hãng tư vấn tài chính/công nghệ Restive Ventures viết trong một bức email đầu giờ sáng thứ Sáu rằng họ vẫn đang duy trì tiền gửi của mình tại SVB và khuyến khích các công ty khác làm điều tương tự. “Di chuyển tiền của doanh nghiệp dưới sức ép thời gian, trên internet, là công thức của thảm hoạ,” bức email có đoạn.
Thương vụ bán cổ phiếu bị huỷ chỉ vài giờ sau đó. SVB yêu cầu các nhân viên của họ “làm việc tại nhà trong ngày hôm nay, cho đến khi có thông báo mới,” theo bản sao một bức email mà Wall Street Journal thu được.
Trước 9h00 sáng, các cơ quan chính phủ đã kiểm soát ngân hàng này.
Hơn một chục người, một số tự nhận mình là khách hàng, đã đổ tới trụ sở của SVB ở Santa Clara trong sáng thứ Sáu. “Giờ chúng tôi đang gặp rất nhiều vấn đề,” một trong số những khách hàng này nói. “Đáng lẽ ra chúng tôi không nên đặt hết trứng vào trong cùng một giỏ.”
Jack Singh, cố vấn làm việc tại Avahi Inc., một startup là đối tác của Amazon Web Services, nói rằng công ty ông đã cố gắng chuyển tiền gửi từ SVB sang một tài khoản ở JPMorgan Chase & Co. trong hôm thứ Năm. Đến sáng thứ Sáu, một số khoản được chuyển không được thông qua. Ông buộc phải tìm đến trụ sở của SVB để xem có thể rút dù chỉ 40.000 hay 50.000 USD hay không.
Ông Singh cho hay ông có nhiều thứ phải chi trả. “Có nhiều người sống dựa vào số tiền đang được gửi tại ngân hàng đó,” ông nói, thêm rằng “Đến hôm thứ Sáu và mọi thứ bị ngừng lại. Chúng tôi bắt đầu nhận được rất nhiều cú điện thoại từ nhân viên.”
Đứa con trai 6 tuổi của ông Singh nghe lén được câu chuyện ông thảo luận với một nhân viên kế toán về sự việc. Cậu bé rút ví của mình và đưa cho cha của cậu một vài đồng USD.
Sam Bankman-Fried 'ra mặt', phủ nhận lừa dối khách hàng khiến FTX phá sản
BlockFi: Từ "kỳ lân" của ngành công nghiệp tiền mã hóa tới bờ vực phá sản
BlockFi: Công ty cho vay tiền mã hóa từng được định giá 5 tỉ USD đệ đơn phá sản
Theo Wall Street Journal