Theo đó, ông Hussein cho rằng, cuộc xung đột ở Biển Đông có thể trở thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất mà thế giới từng biết đến trong thời đại của chúng ta.
Phát biểu tại cuộc Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Hishammuddin đã thẳng thắn cho rằng, những thách thức toàn cầu mới đang nổi lên từ những cuộc xung đột kéo dài dai dẳng. Ông này lên tiếng kêu gọi các nước hãy tuân thủ nghiêm túc luật pháp ở những khu vực tranh chấp.
"Nếu chúng ta không hành xử một cách thận trọng thì cuộc xung đột ở Biển Đông có thể sẽ leo thang thành một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thời đại của chúng ta, nếu không nói là trong lịch sử của chúng ta”, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cảnh báo. Ông này còn nói thêm rằng, “không phải chỉ vì khu vực này đang hòa bình và thịnh vượng thì điều đó có nghĩa là viễn cảnh xung đột sẽ không xảy ra”.
Các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông không chỉ chứng kiến những cuộc đối đầu căng thẳng giữa các nước có tranh chấp trực tiếp trong khu vực mà còn cả những cuộc “so găng” quyết liệt giữa những cường quốc hàng đầu thế giới. Mỹ và Trung Quốc đang công khai chỉ trích, khẩu chiến với nhau gay gắt về quan điểm, lập trường trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. Washington miêu tả những hành động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây và cả khả năng triển khai vũ khí đến những đảo nhân tạo của Trung Quốc là hành động chưa có trong tiền lệ, cực kỳ gây quan ngại và gây bất ổn.
Bắc Kinh thì cứ khăng khăng cho mình là “đúng và đã hành xử với sự kiềm chế” đồng thời đổ lỗi cho Mỹ về việc gây ra sự chia rẽ, bất ổn trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin cho rằng, tất cả các bên cần phải có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông. "Những phát biểu gay gắt, tức giận cùng với tình trạng cáo buộc lẫn nhau sẽ không có lợi cho bất kỳ nước nào. Có lẽ là quá lạc quan khi tin rằng chúng ta có thể ngăn chặn cuộc xung đột và sự leo thang mọi lúc"
Ông Hishammuddin còn nói thêm rằng, các nước có thể hành động theo cách họ thấy thích hợp trong vùng chủ quyền của mình nhưng nên nhận thức rõ hậu quả của những quyết định của họ. “Thế giới này sẽ không thể chịu được một cuộc xung đột toàn cầu nữa. Thế giới này không thể chịu đựng được sự bất ổn, cái chết và sự phá hủy thêm nữa”.
Một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả sẽ là công cụ then chốt để bảo đảm việc quản lý tốt các tuyến đường biển chiến lược ở Biển Đông, Bộ trưởng Hishammuddin cho hay. Theo vị quan chức Malaysia, biện pháp ngoại giao nên là hướng đi ưu tiên trong việc tiếp cận giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông và rằng “bất kỳ giải pháp hòa bình nào đều phải được chấp nhận bởi tất cả các bên có liên quan”.
Bộ trưởng Hishammuddin kêu gọi ASEAN vẫn nên là “diễn đàn chính nhưng không phải là duy nhất” để các quốc gia Đông Nam Á theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nóng bỏng ở Biển Đông.
Cuộc Đối thoại Shangri-La năm nay diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông leo thang nhanh chóng vì việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động cải tạo, bồi đắp và xây dựng trái phép ở Biển Đông. Trước những bước đi quyết liệt chưa từng có của Bắc Kinh trong việc tiến tới thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Mỹ đã công khai ra mặt đối phó với Trung Quốc.
Từ đầu năm nay, Mỹ bắt đầu đưa máy bay tuần tra săn ngầm tối tân nhất - P-8A Poseidon ra Biển Đông để giám sát nhất cử nhất động của Trung Quốc ở khu vực. Washington còn đang cân nhắc khả năng đưa tàu chiến và máy bay do thám vào khu vực nằm trong phạm vi 12 hải lý so với các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đang xây dựng phi pháp ở Biển Đông.
Trong diễn đàn an ninh ở Singapore hồi cuối tuần, Mỹ đã công khai lên tiếng đòi Trung Quốc phải ngừng ngay lập tức và mãi mãi các hoạt động xây dựng, bồi đắp và cải tạo trái phép ở Biển Đông.
Mỹ không có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nhưng nước này liên tục khẳng định việc bảo đảm tự do hàng hải và tự do trên bầu trời ở khu vực nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ.
Biển Đông đang là nơi chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải gay gắt giữa Trung Quốc với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia, và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Biển Đông là một trong những vùng biển quan trọng nhất thế giới bởi nó chứa các tuyến đường hàng hải sống còn và được cho là còn chứa đựng một trữ lượng tài nguyên thiên nhiên hấp dẫn, đặc biệt là dầu mỏ. Chính vì thế, Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trong những năm gần đây, Trung Quốc có nhiều hành động quyết liệt và hung hăng nhằm thực hiện giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông. Đặc biệt, gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo và xây dựng trên 6 bãi san hô mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Theo: VnMedia