Trong biên đội này có tàu ngầm hạt nhân tấn công số hiệu 409, tàu hộ vệ tên lửa Vận Thành và tàu cứu hộ biển xa mang tên Vĩnh Hưng Đảo.
Ở đây, “Vĩnh Hưng Đảo” thực ra là tên gọi mà Bắc Kinh dùng để định danh phi pháp đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền của Việt Nam.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia, thượng tá Edi Sucipto dự đoán đây có thể là một phần của biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc.
Ông nói: "Một số tàu chiến và tàu tuần tra của Hải quân Indonesia ngày 24/6 đã nhìn thấy biên đội tàu chiến Hải quân Trung Quốc đi qua vùng biển Banda Aceh. Chỉ cần Hải quân Trung Quốc tiến hành đi qua vô hại thì đương nhiên không có vấn đề".
Truyền thông Indonesia cho biết, điều này có thể là phản ứng mới nhất của Trung Quốc đối với việc xảy ra xung đột với Indonesia ở vùng biển quần đảo Natuna.
Thượng tá Edi Sucipto cho biết Hải quân Trung Quốc hoàn toàn không tiếp cận quần đảo Natuna. "Không có gì đặc biệt, giống như tàu chiến các nước khác, không vi phạm quy định thì không cần tiến hành điều tra".
Ông cho biết thêm: "Chỉ cần không vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, tàu chiến của bất cứ nước nào cũng đều có quyền đi qua vô hại ở vùng biển quần đảo Natuna".