Bị Mỹ “nẫng tay trên”, ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một quan chức chính phủ Seoul cho rằng, Hàn Quốc đang chuẩn bị đón những thách thức lớn hơn từ Mỹ và các quốc gia, khu vực khác, "cảm giác khủng hoảng" đang bao trùm ngành công nghiệp bán dẫn nước này.
Do sự cạnh tranh của Mỹ, vị trí nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Hàn Quốc đang bị đe dọa (Ảnh: SSK).
Do sự cạnh tranh của Mỹ, vị trí nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới của Hàn Quốc đang bị đe dọa (Ảnh: SSK).

Theo Financial Times ngày 27/9, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc Lee Jong-ho nói trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho báo này rằng: Các quan chức chính phủ và các nhà điều hành ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc ngày càng lo ngại rằng các nhà sản xuất chip trong nước sẽ bị thu hút bởi các khoản trợ cấp và ưu đãi thuế để đặt nhà máy ở Mỹ, khiến các cơ sở sản xuất trong nước ở Hàn Quốc bỏ đất nước tới Mỹ.

Từ tháng trước, "National Advanced Strategic Industries Act" (Đạo luật về các biện pháp đặc biệt nhằm tăng cường và bảo vệ khả năng cạnh tranh của các ngành chiến lược mũi nhọn của quốc gia, còn được gọi là "Đạo luật đặc biệt về chất bán dẫn") của Hàn Quốc, đã chính thức được thực thi. Luật này sẽ tăng cường đáng kể hỗ trợ đầu tư cho các công ty trong các ngành chiến lược như chất bán dẫn bằng cách chỉ định các khu vực đặc trưng, hỗ trợ ​​cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định cốt lõi.

Bài phỏng vấn ông Lee Yong-ho trên Financial Times.

Bài phỏng vấn ông Lee Yong-ho trên Financial Times.

Bộ trưởng Lee Jong-ho cho biết luật này đặt nền tảng pháp lý cho "ngành công nghiệp bán dẫn đối phó với sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và những nơi khác, đồng thời nhằm mục đích nâng cao khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng và vấn đề an ninh."

Tuy nhiên, ông Lee thẳng thắn thừa nhận rằng ngoài việc thiếu nhân tài, các công ty Hàn Quốc hiện còn nhận được tương đối ít ưu đãi thuế từ chính phủ, vì vậy cần phải có luật pháp để giải quyết các vấn đề tương ứng.

Theo tin của giới truyền thông, Mỹ sẽ sử dụng 52 tỉ USD được phân bổ theo "Đạo luật về chip và khoa học" (còn gọi là “Luật Chip”) để thu hút các nhà sản xuất chip toàn cầu tới mở rộng nghiệp vụ sản xuất tại Mỹ.

Mặc dù Hàn Quốc hiện vẫn là quốc gia sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, hai hãng Samsung và SK Hynix cùng nhau chiếm 70% tổng doanh số Dram và hơn 50% thị trường bộ nhớ flash Nand toàn cầu. Tuy nhiên, ưu thế công nghệ của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc so với đối thủ Micron của Mỹ trong mảng kinh doanh Dram dường như đang bị thu hẹp, trong khi các nhà sản xuất chip Trung Quốc như Yangtze Memory đang không ngừng giành giật thị phần trên thị trường bộ nhớ flash Nand.

Ông Lee Yong-ho, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (Ảnh: Guancha).

Ông Lee Yong-ho, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ, Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc (Ảnh: Guancha).

Một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc cũng cho biết: “Khi nhìn vào khả năng cạnh tranh trong ngành của Hàn Quốc, cảm giác khủng hoảng và lo lắng hiện lớn hơn bao giờ hết”.

Điều đáng nói là, thời gian gần đây, Hàn Quốc liên tục bị Mỹ “nẫng tay trên”.

Tờ Wall Street Journal từng đăng một bài báo tiết lộ rằng, vào tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Raimondo đã ngăn chặn thành công một dự án đầu tư trị giá 5 tỉ USD ở Hàn Quốc rồi đem nó sang Mỹ chỉ bằng một cuộc điện thoại.

Công ty chip Global Wafer có trụ sở tại Đài Loan, nhà sản xuất tấm wafer silicon (vật liệu lõi mạch tích hợp chip) lớn thứ ba thế giới, hồi tháng 2 năm nay, đã bắt đầu tìm kiếm địa điểm thích hợp khác để đầu tư 5 tỉ USD xây dựng nhà máy sau khi họ từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy ở Đức.

Ban đầu Global Wafer lựa chọn Hàn Quốc, nơi có chi phí xây dựng thấp chỉ bằng 1/3 so với Mỹ, nhưng sau hơn một giờ điện đàm thuyết phục của bà Raimondo, cuối cùng lãnh đạo công ty này đã chọn bang Texas của Mỹ làm địa điểm đầu tư thay vì chọn Hàn Quốc. Kế hoạch này dự kiến ​​sẽ tạo ra 1.500 việc làm cho người Mỹ.

Mỹ đã "nẫng tay trên" Nhà máy trị giá 5 tỉ USD của Global Wafer từ tay Hàn Quốc (Ảnh: FT).

Mỹ đã "nẫng tay trên" Nhà máy trị giá 5 tỉ USD của Global Wafer từ tay Hàn Quốc (Ảnh: FT).

Ngoài ra, nhằm hiện thực việc bản địa hóa chuỗi công nghiệp xe điện, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/8 đã ký “Inflation Reduction Act of 2022” (Đạo luật Giảm lạm phát 2022). Theo luật này, Mỹ sẽ miễn khoản tiền thuế 4.000 USD cho những người tiêu dùng trong nước mua xe điện đã qua sử dụng và miễn mức thuế 7.500 USD cho những người tiêu dùng mua xe điện mới.

Tuy nhiên, tiền đề của việc được hưởng hai khoản trợ cấp này là chiếc ô tô điện mà họ mua "phải được lắp ráp tại Mỹ và có nguồn nguyên liệu hoặc linh kiện và pin mua từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Mỹ nhiều hơn một tỷ lệ nhất định". Quy định này sẽ khiến các công ty sản xuất xe điện Hàn Quốc gặp bất lợi vì các thương hiệu ô tô lớn của Hàn Quốc như Hyundai hiện đều không có nhà máy sản xuất xe điện đặt tại Mỹ.