Nhà Trắng đã cấm các hãng ARM và Nvidia bán chip hiệu suất cao nhằm đánh vào công nghệ AI của Trung Quốc (Ảnh: ATVnews). |
Ngoài ra, chính quyền của ông Biden cũng có kế hoạch ban hành quy định mới vào tháng 10 tới mở rộng hạn chế đối với việc bán cho Trung Quốc chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Vậy, tại sao AI lại trở thành tâm điểm của cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung? Trung Quốc dựa vào điều gì để đạt được tiến bộ nhanh chóng trong AI? Lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến ngành chip Trung Quốc?
Trí tuệ nhân tạo trở thành mặt trận cạnh tranh Mỹ - Trung
Ngày 31/8/2022, hai gã khổng lồ chip của Mỹ là Nvidia và AMD đã nhận được lệnh cấm của chính phủ cắt đứt nguồn cung cấp chip GPU (bộ xử lý đồ họa) hiệu suất cao cho khách hàng Trung Quốc. Kết quả là thị trường đã phản ứng rất nhanh chóng, ngày hôm sau, sau khi thị trường chứng khoán New York mở cửa, cổ phiếu của hai công ty này đã giảm mạnh lần lượt khoảng 11% và 7%.
Nvidia cho biết hai con chip mà họ được thông báo ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc là A100, H100 và hệ thống DGX, đây là những bộ gia tốc trí tuệ nhân tạo tiên tiến phát triển các siêu máy tính mũi nhọn. Một công ty khác là AMD cho biết, con chip mà họ bị yêu cầu ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc là vi mạch tích hợp MI250, đây cũng là bộ gia tốc trí tuệ nhân tạo, ngoài ra còn có một số GPU cao cấp.
Về lệnh cấm lần này, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố để bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đồng thời ngăn chặn bất kỳ công nghệ mũi nhọn nào của Mỹ được sử dụng trong các ứng dụng quân sự của Trung Quốc.
Lệnh cấm chip sẽ ảnh hưởng đến công nghệ AI của Trung Quốc (Ảnh: GVM). |
Tất nhiên, công ty nhận lệnh cấm sẽ bị thiệt hại đáng kể nếu để mất khách hàng tại Trung Quốc, Nvidia cho rằng các quy định mới có thể khiến doanh thu của công ty giảm 400 triệu USD, thậm chí phải rút một số nghiệp vụ kinh doanh khỏi Trung Quốc. Đối với Nvidia, công ty thiết kế chip lớn nhất tại Mỹ, Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng. Hơn 1/4 trong doanh thu 26,9 tỷ USD của họ trong năm tài chính 2022 là từ Trung Quốc và Hồng Kông.
Các công ty nổi tiếng của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Baidu và Lenovo Group đều là những người sử dụng chip Nvidia A100. Không chỉ vậy, Reuters còn đưa tin một số cơ quan nghiên cứu có ý nghĩa chiến lược nhất của Trung Quốc cũng có nhu cầu cao đối với chip A100 của Nvidia.
Ví dụ, Đại học Thanh Hoa tháng 10/2021 đã chi hơn 400.000 USD để mua hai siêu máy tính Nvidia AI, mỗi chiếc được trang bị 4 chip A100. Cũng trong tháng đó, Viện Công nghệ Máy tính, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), đã chi khoảng 250.000 USD cho chip A100. Vào tháng 7 năm nay, Học viện Trí tuệ Nhân tạo thuộc Đại học Khoa học Trung Quốc cũng đã chi khoảng 200.000 USD cho các thiết bị công nghệ cao, bao gồm một số máy chủ chạy chip A100.
Ngoài ra, Đại học Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng Trung Quốc (NUDT) cũng là một trong những đơn vị mua chip A100. Một cuộc đấu thầu hồi tháng 5 cho thấy viện nghiên cứu của NUDT có kế hoạch mua 24 thiết bị xử lý đồ họa Nvidia có ứng dụng AI. NUDT cũng là nơi sản xuất Thiên Hà-2, một trong những siêu máy tính mạnh nhất thế giới.
Cuộc chiến Mỹ - Trung về chip đang diễn ra ngày càng gay gắt (Ảnh: UDN). |
Các chuyên gia cho rằng những con chip này của Mỹ rất quan trọng trong các siêu máy tính hoặc AI hiệu suất cao. Nếu không có những con chip này, Trung Quốc sẽ không thể thực hiện một cách kinh tế và hiệu quả các máy tính tiên tiến cho nhiều tác vụ như nhận dạng hình ảnh và giọng nói. Điều quan trọng hơn là ở Trung Quốc không có sản phẩm thay thế cho những con chip này.
Do đó, động thái mới nhất của Mỹ đánh dấu sự leo thang rất lớn trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung. Nhà Trắng đã từng chặn một số công ty Mỹ cung cấp sản phẩm cho các công ty Trung Quốc như Huawei, nhưng giờ đây đang chuyển sang lệnh cấm hoàn toàn việc xuất khẩu một số sản phẩm sang Trung Quốc.
Hơn nữa, điều này vẫn chưa kết thúc Theo báo chí Mỹ ngày 11/9, chính quyền Biden cũng có kế hoạch ban hành các quy định mới vào tháng 10 tới để mở rộng các hạn chế bán cho Trung Quốc chất bán dẫn và thiết bị sản xuất chất bán dẫn cho AI, liên quan đến các công ty KLA, Lam Research, Applied Materials, Nvidia, AMD, Intel, v.v.
Rõ ràng, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một mặt trận cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Vậy tại sao trí tuệ nhân tạo (AI) lại trở thành trọng tâm chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung?
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc dựa vào điều gì?
Trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong số ba công nghệ mũi nhọn của thế kỷ 21 và nó cũng được coi là công nghệ chiến lược dẫn đầu một vòng cách mạng công nghệ và chuyển đổi công nghiệp mới.
Năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ mới”, với mục tiêu “phấn đấu xây dựng Trung Quốc trở thành trung tâm đổi mới trí tuệ nhân tạo lớn của thế giới vào năm 2030”.
Đương nhiên, cũng giống như "Made in China 2025", kế hoạch "Trí tuệ nhân tạo 2030" này cũng đã khơi dậy tinh thần cảnh giác của Mỹ. Ví dụ: vào tháng 10/2019, chính phủ Mỹ thông báo cấm 8 công ty công nghệ thông tin hàng đầu của Trung Quốc mua các bộ phận và linh kiện từ các công ty Mỹ trừ khi nhận được sự chấp thuận đặc biệt của Nhà Trắng. Các công ty này bao gồm 6 công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo như SenseTime và iFLYTEK.
Huawei là doanh nghiệp Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung (Ảnh: Zhihu). |
Nhưng liệu một lệnh cấm như vậy có thể kiềm chế tham vọng của Trung Quốc không? Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ đã cảnh báo trong một báo cáo về AI được công bố vào mùa xuân năm 2021 rằng Mỹ đã không được bảo vệ tốt trong kỷ nguyên AI và Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghiệp AI vào cuối năm 2030. Tiếp theo, nhiều khuyến nghị của báo cáo này đã được thông qua bằng ban hành Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, Đạo luật Ủy quyền Tình báo (IAA) và Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới (USICA).
Vào tháng 12/2021, Đại học Harvard cũng đã công bố một báo cáo với tiêu đề "Cuộc cạnh tranh lớn về công nghệ: cuộc đọ sức giữa Trung Quốc và Mỹ trong thế kỷ 21", đề cập rằng trong nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng và không thể thiếu trong tương lai, bao gồm AI, giao thức truyền thông 5G, công nghệ sinh học, năng lượng xanh, công nghệ lượng tử và các dự án khác, Trung Quốc có tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo thế giới và đã chiếm vị trí số 1 trong một số lĩnh vực.
Trên thực tế, không thể phủ nhận, như báo cáo này chỉ ra, Trung Quốc hiện rõ ràng đang đi trước Mỹ trong các ứng dụng AI thực tế, bao gồm nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói và fintech (khoa học tài chính).
Không chỉ vậy, Trung Quốc đang xây dựng một "vương quốc AI". Hiện tại, trên thế giới có hơn 1 tỷ camera giám sát được lắp đặt và hơn một nửa trong số đó là ở Trung Quốc.
Theo một phân tích nghiên cứu được công ty nghiên cứu thông tin Comparitech công bố ngày 11/7 năm nay, Trung Quốc đã triển khai từ 540 triệu đến 626 triệu camera giám sát, với trung bình 372,8 đến 432,2 camera giám sát trên 1.000 dân, cao gấp hàng trăm lần so với 100 thành phố đông dân nhất trên thế giới ở các nước khác. Ví dụ, Tokyo, thành phố lớn nhất thế giới, có trung bình 1,06 camera giám sát trên 1.000 dân; New York, thành phố lớn nhất của Mỹ, có trung bình 6,87 camera giám sát trên 1.000 dân.
Tại sao công nghệ AI của Trung Quốc lại phát triển như vũ bão? Nhân tài là một trong những yếu tố quan trọng. Nghiên cứu cho thấy nguồn nhân tài AI toàn cầu lớn nhất là Trung Quốc.
Một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Mỹ Marco Polo cho thấy 59% các nhà nghiên cứu AI hàng đầu thế giới hiện làm việc tại Mỹ, nhưng chỉ 20% trong số họ là người Mỹ. Trong số các nhà nghiên cứu AI hàng đầu đang làm việc tại Mỹ, 53% là người nước ngoài và 37% trong số họ đến từ Trung Quốc.
Một bài báo trên tờ New York Times tháng 6/2020 viết 54% trong số 129 nhà nghiên cứu AI có bằng đại học ở Trung Quốc đã nộp luận văn tại hội nghị chuyên đề về AI thế giới vào năm 2019 đã lấy bằng thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ, họ đều ở lại Mỹ để làm việc.
Trung Quốc cũng rất giỏi trong việc săn lùng, giành giật nhân tài. Ngô Nhân Đạt (Andrew Ng), nhà khoa học trưởng của Baidu, từng là trưởng bộ phận nghiên cứu AI tại Google, đã thành lập dự án AI "Google Brain" năm 2011. Sau khi gia nhập Baidu vào năm 2014, ông phụ trách một dự án AI mang tên "Baidu Brain".
Andrew Ng, nhà khoa học về AI đã bỏ Google về Trung Quốc làm việc cho Baidu (Ảnh: Baidu). |
Ngoài ra, trường Duke University nổi tiếng của Mỹ từng phát triển camera có độ phân giải 1 tỷ pixel dưới sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng sau đó Lầu Năm Góc đã ngừng tài trợ. David Brady, trưởng nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ này đã di cư Trung Quốc vào năm 2016. Với sự đối xử hào phóng và nguồn quỹ dồi dào, Brady hai năm sau đã phát triển thành công một siêu camera, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của các dự án giám sát như dự án "Thiên Võng" (Skynet) của Trung Quốc.
Tất nhiên, chính phủ Mỹ cũng nhận thức được mối đe dọa này. Trong những năm gần đây, Nhà Trắng đã nhiều lần nhắc nhở cộng đồng AI Mỹ cảnh giác trước hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ của các công ty công nghệ và cơ sở học thuật Trung Quốc, đồng thời cảnh báo các tổ chức như Viện Công nghệ Massachusetts không hợp tác với các trường đại học Trung Quốc và các tổ chức khác trong lĩnh vực AI. Kể từ năm 2018, Mỹ bắt đầu hạn chế việc xin thị thực đối với sinh viên Trung Quốc trong một số chuyên ngành kỹ thuật nhạy cảm.
Một mặt, chính phủ Mỹ bịt các lỗ hổng về dòng chảy nhân tài; mặt khác ra lệnh cấm xuất khẩu chip, vì nghiên cứu và phát triển chip của Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn thứ hai. Lệnh cấm xuất khẩu chip hiện tại của Mỹ giống như rút lửa đáy nồi đối với một số dự án công nghệ của Trung Quốc.
Do đó, chính phủ Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với lệnh cấm xuất khẩu chip của Mỹ. Tại một cuộc họp báo thường kỳ được tổ chức vào ngày 1/9, ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích lệnh cấm của Mỹ là “chủ nghĩa bá quyền công nghệ điển hình”.
Tình hình hiện tại là, bất kể như thế nào sự tách rời về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể đảo ngược, bởi vì Trung Quốc đã bị Mỹ coi là mối đe dọa địa chính trị quan trọng nhất phải đối mặt trong thế kỷ 21. Mặc dù lệnh cấm chip hiện tại mà Mỹ công bố có thể không ảnh hưởng đáng kể đến công nghệ của Trung Quốc trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó nhất định sẽ thúc đẩy các dây chuyền sản xuất của các ngành công nghệ cao như chip nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc.