Bê bối chấn động xứ Hàn nêu bật nạn “con ông cháu cha“

VietTimes -- Việc ứng viên cho chức Bộ trưởng Nội vụ được đích thân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chỉ định sắp chính thức nhậm chức bỗng nhiên gây ra làn sóng phản ứng đầy giận dữ, đặc biệt là từ giới trẻ, những người cho rằng đây là một vụ bê bối cho thấy rõ vấn nạn đặc quyền đặc lợi và "con ông cháu cha" trong bộ máy nhà nước.
Ông Cho Kuk, ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc, trong phiên điều trần hôm 6/9 (Ảnh: Reuters)
Ông Cho Kuk, ứng viên cho chức vụ Bộ trưởng Nội vụ Hàn Quốc, trong phiên điều trần hôm 6/9 (Ảnh: Reuters)

Ông Cho Kuk thời gian gần đây bị xã hội Hàn Quốc lên án là đạo đức giả khi có thông tin ông đã dùng các mối quan hệ quen biết của mình để gửi con gái vào Trường Đại học Hàn Quốc, một trong những trường tư hàng đầu ở nước này, dù thực tế là cô không đủ lực học để vào nổi.

Vụ bê bối đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng người dân xứ Hàn, nơi mà những người trẻ tuổi phải trải qua trong một môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt mới có thể được vào các trường học có tiếng hay được tuyển vào các vị trí làm việc. Vụ bê bối xảy ra đã nêu bật vấn nạn "con ông cháu cha" và càng khiến cộng đồng trẻ tuổi Hàn Quốc nhận thấy rõ họ đang sống trong một môi trường không công bằng một cách có hệ thống.

Vụ bê bối liên quan tới ông Cho, người phải đối mặt với phiên điều trần trước Quốc hội trong ngày hôm nay, đã làm dấy lên làn sóng phản đối kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in đề cử ông chức Bộ trưởng Nội vụ vào hồi đầu tháng 8.

Hôm đầu tuần này, trong một cuộc họp báo marathon kéo dài tới hơn 11 giờ đồng hồ, ông Cho Kuk đã thừa nhận đã sử dụng mối quan hệ của mình để giúp con gái nhập học vào trường nổi tiếng cùng lúc thể hiện sự hối tiếc của mình vì "đã gây thất vọng và tổn thương cho thế hệ trẻ" nước nhà. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng bản thân không vi phạm luật pháp, và hứa hẹn sẽ bù đắp cho những người trẻ tuổi không có được cơ hội như con gái ông.

Giới truyền thông Hàn Quốc, trong khi đó, đã xác nhận danh tính cô con gái 28 tuổi của ông Cho, và đến giờ cô gái này vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ bê bối.

Sinh viên tại các trường ĐH hàng đầu của Hàn Quốc - trong đó có trường ĐH Quốc gia Seoul (SNU), nơi mà Giáo sư luật Cho Kuk giảng dạy - thậm chí còn biểu tình bằng cách đốt nến để kêu gọi ông từ bỏ tư cách ứng viên Bộ trưởng Nội vụ. Sự việc này khiến người ta nhớ lại làn sóng biểu tình từng giúp ông Moon lên nắm quyền trong năm 2017.

"Cô ta (con gái ông Cho) có được cơ hội mà một sinh viên điển hình tại các trường trung học, đại học sẽ không bao giờ có được, chỉ bởi cô ta là con gái của tầng lớp quan chức" - Do Jung-geun, Chủ tịch hội sinh viên của SNU, nói.

Một trong những cáo buộc nhằm vào con gái của ông Cho khiến dư luận phẫn nộ nhất chính là việc cô được vinh danh là tác giả hàng đầu của tờ tạp chí dược phẩm có tiếng của Hàn Quốc vào năm 2009, khi chỉ mới đang ở độ tuổi học sinh trung học và vừa mới hoàn thành khóa thực tập kéo dài 2 tuần lễ ở Viện Khoa học dược phẩm trực thuộc ĐH Dakook.

Con gái của ông Cho đã 2 lần trượt kỳ thi vào khoa dược của trường ĐH Quốc gia Pusan, thế nhưng lại không bị đuổi học mà còn nhận được nhiều học bổng khác nhau với tổng giá trị lên tới 12 triệu Won (9.900 USD) trong suốt 6 học kỳ trong khoảng 2016-2018.

Hiện Văn phòng Công tố Trung ương Seoul đã mở một cuộc điều tra nhằm vào các cáo buộc chưa được làm rõ nhằm vào gia đình ông Cho và đã thực hiện hàng loạt cuộc kiểm tra tại văn phòng làm việc của ông hồi tháng trước.

Nếu chính thức trở thành Bộ trưởng Nội vụ, ông Cho sẽ nắm quyền kiểm soát Văn phòng Công tố, tuy nhiên ông từng tuyên bố là không nhận được bất kỳ báo cáo nào liên quan tới cuộc điều tra nhằm vào gia đình ông.

Nhiều người dân biểu tình phản đối việc chỉ định ông Cho (Ảnh: Getty)
Nhiều người dân biểu tình phản đối việc chỉ định ông Cho (Ảnh: Getty)

Nỗi thất vọng của cử tri xứ Hàn

Vụ bê bối bị phanh phui đặc biệt gây ra nỗi thất vọng lớn cho thế hệ trẻ Hàn Quốc, những người ủng hộ ông Moon và đảng của ông khi ông trở thành Tổng thống. Ông Moon nhậm chức vào năm 2017 sau tiến trình luận tội người tiền nhiệm của ông là bà Park Geun-hye liên quan tới cáo buộc tham nhũng. Thời điểm bấy giờ, ông Moon tuyên bố sẽ mang tới sự thay đổi.

"Mọi người sẽ có cơ hội như nhau, cá quy trình sẽ công bằng, và kết quả chính đáng" - ông Moon từng tuyên bố.

Cũng vào thời điểm đó, ông Cho Kuk được xem là một biểu tượng của sự cấp tiến khi công khai chỉ trích chủ nghĩa ưu tú.

"Ông Cho nên lắng nghe tiếng nói của những người đã bị làm cho thất vọng bởi sự gải tạo của ông" - Shin Seong-min, Chủ tịch hội sinh viên khoa sư phạm thuộc SNU, nói.

Tỷ lệ tín nhiệm của ông Moon đang trượt dốc, khi mà vụ bê bối liên quan tới ông Cho làm suy giảm sự ủng hộ của người dân đối với lãnh đạo Hàn Quốc.

Trong kết quả thăm dò ý kiến của 1.004 người được hãng Gallup Korea thực hiện hồi cuối tháng 8, 15% nói rằng việc ông Moon chỉ định ông Cho là lý do mà họ không ủng hộ ông nữa, trong khi con số này trước đó chỉ là 9%. Việc chỉ định ông Cho là nguyên nhân thứ 3 khiến cử tri quay lưng với ông Moon, đứng sau nền kinh tế đang trì trệ (25%) và các vấn đề ngoại giao (16%).

Hơn 70% học sinh tốt nghiệp trung học ở Hàn Quốc được nhập học cấp đại học - theo dữ liệu mới nhất của chính phủ - nhưng 1/10 người dân Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 vẫn thất nghiệp, theo dữ liệu công bố trong tháng 7, đây là tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ cao nhất trong vòng 20 năm qua.

"Đối với người dân Hàn Quốc, sự công bằng có nghĩa là công bằng về cơ hội" - Jeong Han-wool, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Hankook, nhận định - "Những người trong độ tuổi 20 đều cảm thấy mệt mỏi vì phải sống trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, và họ phẫn nộ bởi vụ việc vừa qua như một điển hình về điều mà họ đã ngờ vực bấy lâu - rằng họ đang sống trong một xã hội nơi mà những cơ hội trong cuộc sống không được phân chia công bằng, mà phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ".

Theo Reuters