Chuyện gì đã xảy ra?
Tối ngày 22/8, Hàn Quốc bất ngờ tuyên bố, họ sẽ không tiếp tục ký gia hạn GSOMIA thêm nữa sau khi hết hiệu lực vào ngày 24/8. Ông Kim You Geun, phó giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) đã thông báo như trên sau một cuộc tranh luận kéo dài nhiều giờ trong NSC.
Theo hiệp định được ký năm 2016, hai đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc trực tiếp chia sẻ các bí mật quân sự, đặc biệt là về khả năng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Giờ đây, Seoul nói rằng, vì mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản hiện đã xấu đi nghiêm trọng, việc tiếp tục chia sẻ thông tin bí mật không còn phù hợp với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, chính phủ Nhật đã “phản đối mạnh mẽ” động thái này của Hàn Quốc và kêu gọi Hàn Quốc hãy xem xét lại.
Ông Kim You Geun, phó giám đốc của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC)tuyên bố Hàn Quốc không tiếp tục gia hạn thêm GSOMIA nữa. Ảnh: RTI
|
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono hôm nay (23/8) nói, Tokyo phản đối mạnh mẽ quyết định của Hàn Quốc. Ông Kono nói trong một tuyên bố: “Tôi phải nói rằng quyết định của chính phủ Hàn Quốc chấm dứt thỏa thuận này là một sự đánh giá sai lầm về môi trường an ninh hiện tại trong khu vực. Thật đáng tiếc”.
Ông Kono nói: “Chúng tôi không thể chấp nhận thông báo của Hàn Quốc. Chúng tôi phải phản kháng mạnh mẽ tới chính phủ Hàn Quốc”. Ông nói, Tokyo đã triệu tập đại sứ Hàn Quốc tới để bày tỏ phản đối.
Seoul trước đó tuyên bố rằng duy trì thỏa thuận về trao đổi các tin tình báo quân sự nhạy cảm không phù hợp với lợi ích quốc gia của Hàn Quốc.
Hiệp định GSOMIA được hai nước ký kết vào tháng 11/2016 với sự ủng hộ của Mỹ nhằm đáp trả việc Triều Tiên phóng tên lửa và tiến hành các vụ thử hạt nhân, đồng thời phối hợp tốt hơn các tình báo về Triều Tiên do cả hai bên thu thập.
Thỏa thuận này có lợi cho sự hợp tác tình báo giữa ba quốc gia Mỹ, Nhật và Hàn Quốc, trừ khi bị bất kỳ bên nào phản đối, GSOMIA sẽ được tự động gia hạn vào ngày 24 tháng 8.
Vì sao GSOMIA quan trọng?
Cục trưởng Phòng vệ (Bộ trưởng Quốc phòng) Nhật Bản Takeshi Iwaya nói, GSOMIA rất quan trọng đối với an ninh khu vực, đặc biệt là đối với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Ngày 23/8, ông Iwata nói với các nhà báo: “Trong thời gian Triều Tiên phóng thử một loạt tên lửa, hai bên (Nhật Bản và Hàn Quốc) đã trao đổi thông tin kỹ lưỡng và thận trọng”. Ông nói, việc bãi bỏ GSOMIA sẽ chỉ khiến việc hợp tác quốc phòng song phương trở nên khó khăn hơn.
Tobias Harris, một nhà phân tích của Công ty tư vấn tình báo Teneo, nói: nếu không có hiệp định GSOMIA, các lực lượng Hàn Quốc và Nhật Bản có thể rất khó theo dõi các vụ phóng tên lửa của chính quyền Bình Nhưỡng. Trước khi Seoul quyết định bãi bỏ thỏa thuận này, “Triều Tiên vừa đẩy mạnh thử nghiệm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn”.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà phân tích đã giảm bớt tác động của hành động này của Hàn Quốc. Họ nói rằng Mỹ trước đây đã đứng giữa phối hợp trao đổi các thông tin nhạy cảm giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, bây giờ Mỹ có thể khôi phục cách làm đó.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kon: quyết định của chính phủ Hàn Quốc chấm dứt thỏa thuận này là một sự đánh giá sai lầm về môi trường an ninh hiện tại trong khu vực. Ảnh: RTI |
Tác động đến khu vực và toàn cầu ra sao?
Tờ báo theo xu hướng cánh tả Asahi Shimbun của Nhật Bản chỉ ra rằng, quyết định của Hàn Quốc cho thấy rằng sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai quốc gia đã tan vỡ, sẽ chỉ có lợi cho kẻ thù của Washington trong khu vực. Theo Asahi Shimbun, “Trung Quốc, Nga và Triều Tiên có thể rất vui khi thấy Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc không hòa thuận”, “Họ có thể nắm bắt cơ hội này để tiếp tục ly gián thêm (ba nước đồng minh)”.
Ông Tobias Harris còn cho rằng, quyết định của Hàn Quốc về việc chấm dứt GSOMIA “cũng sẽ giáng đòn vào Mỹ”. Hiện tại, Mỹ đang trông cậy vào các đồng minh để giúp củng cố vị thế của mình ở châu Á đang có những thay đổi nhanh chóng.
Harris nói: “Nếu trình tự ngoại giao thất bại, việc mở rộng tranh chấp sẽ không chỉ khiến cho việc đáp trả Triều Tiên trở nên phức tạp hơn... mà còn cản trở sự phối hợp mạnh mẽ của Mỹ với các chính thể dân chủ khu vực khác trong tương lai”.
Ông Harris nói thêm, việc Hàn Quốc không tiếp tục gia hạn GSOMIA “là một bước đi quan trọng trong việc làm xấu đi mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản”, cho thấy hai nước đã xuất hiện “sự thay đổi lớn” trong việc nhận định vai trò khu vực của họ như thế nào.
Vì sao đến nỗi này?
Lịch sử bi thảm Nhật Bản áp đặt chế độ thực dân tàn bạo lên bán đảo Triều Tiên thời kỳ từ năm 1910 đến năm 1945 tiếp tục ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phía Nhật Bản cho rằng hiệp ước về bình thường hóa quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được ký năm 1965 đã giải quyết hiệu quả tất cả các vấn đề bồi thường. Hiệp ước này bao gồm những khoản bù đắp tài chính lớn.
Trong mấy tháng qua, tòa án Hàn Quốc đã đưa ra một loạt các phán quyết yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những người lao động Hàn Quốc đã bị họ cưỡng ép bóc lột trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Hai; việc này đã khiến Nhật Bản tức giận.
Hồi tháng 7, chính phủ Tokyo đã cáo buộc Seoul không xử lý xác đáng các nguyên liệu nhập khẩu nhạy cảm, loại bỏ Hàn Quốc ra khỏi danh sách quốc gia được miễn trừ biện pháp kiểm soát xuất khẩu, quan hệ song phương càng trở nên tồi tệ. Hàn Quốc cũng tức giận đáp trả Nhật Bản theo cách tương tự và gần đây đã tuyên bố rằng họ sẽ không gia hạn GSOMIA nữa.
Người dân Hàn Quốc biểu tình đòi chấm dứt Hiệp định GSOMIA. Ảnh: RTI
|
Khả năng phát triển tới đây là gì?
Tobias Harris cho rằng, mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc khó có thể thoát khỏi tình trạng băng giá trong tương lai gần. Tương lai trước mắt sẽ là “giảm thiểu quan hệ thương mại, đầu tư, trao đổi du lịch và tiếp tục thiếu niềm tin lẫn nhau trong an ninh quốc gia và các vấn đề lãnh thổ do vấn đề lịch sử”.
Giờ đây, khi tình cảm chống Nhật ở trong nước Hàn Quốc đang tiếp tục phát triển, các cuộc biểu tình và tẩy chay hàng hóa Nhật Bản liên tiếp xảy ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể phải tiến hành trả đũa trước áp lực trong nước.
Ông Choi Kang, Phó viện trưởng nghiên cứu chính sách mang tên Asan Institute for Policy Studies - một tổ chức chuyên gia tư vấn ở Seoul, đã chỉ rõ: Mỹ dường như rất ngạc nhiên trước tình hình hiện tại và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã sử dụng từ “Thất vọng” khác thường để nói về việc này.
Choi Kang nói: “Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không làm đủ để giúp hai bên tìm được điểm cân bằng”. “Mỹ có thể đề xuất một cuộc đối thoại ba bên để cố gắng tìm cách thỏa hiệp; nhưng việc này sẽ mất rất nhiều thời gian”.
(Theo RTI, 23/8)