Bất ổn ở Kazakhstan: Đảo chính hay khủng bố tấn công?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Rốt cục tình hình bất ổn ở Kazakhstan vừa qua là một vụ đảo chính cướp chính quyền hay cuộc tấn công của bọn khủng bố? Đây là điều khiến truyền thông quốc tế quan tâm…
Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO vào Kazakhstan giúp ổn định tình hình (Ảnh: AP).
Lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO vào Kazakhstan giúp ổn định tình hình (Ảnh: AP).

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev hôm 10/1 cho biết Kazakhstan đã trải qua một "âm mưu đảo chính không thành". Ông nói: "Dưới chiêu bài biểu tình tự phát, một làn sóng bạo loạn đã nổ ra. Rõ ràng, mục đích chính là phá vỡ trật tự hiến pháp và giành chính quyền. Đây là một cuộc đảo chính không thành."

Còn theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, Tổng thống Tokayev ngày 10/1 nói: Lực lượng gìn giữ hòa bình của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) sẽ đóng quân tại Kazakhstan cho đến khi tình hình Kazakhstan hoàn toàn ổn định. Ông hoàn toàn tin rằng tình hình bất ổn ở Kazakhstan là một "cuộc tấn công khủng bố".

Trong cùng một ngày, Tổng thống Tokayev đã đưa ra hai giả thuyết âm mưu đảo chính và tấn công khủng bố về tình hình ở trong nước Kazakhstan vừa qua. Có ý kiến cho rằng đây là hai nhận định mâu thuẫn nhau. Nếu đó là một cuộc đảo chính không thành, vậy ai là người cầm đầu cuộc đảo chính và người đó đã cướp chính quyền như thế nào? Nếu đó là một cuộc tấn công khủng bố và một cuộc cách mạng màu được hỗ trợ bởi các thế lực bên ngoài, thì những thế lực bên ngoài nào đã tham gia? Tình hình ở Kazakhstan, vẫn còn nhiều điều cần được làm sáng tỏ.

Trụ sở chính quyền thành phố Almaty bị các phần tử bạo loạn đốt phá (Ảnh: AP).

Trụ sở chính quyền thành phố Almaty bị các phần tử bạo loạn đốt phá (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những giả thuyết về một cuộc tấn công khủng bố và âm mưu đảo chính không hề mâu thuẫn với nhau. Nói về bản chất, có một cuộc đấu tranh giành quyền lực trong nội bộ ở Kazakhstan, là một cuộc đảo chính có chủ đích; còn cuộc tấn công khủng bố là một sách lược hành động được thực hiện bởi bên định tranh giành quyền lực.

Làn sóng biểu tình lần này ở Kazakhstan bắt đầu vào ngày 2/1 dẫn đến các cuộc bạo động nghiêm trọng ở thành phố lớn nhất nước và là thủ đô cũ Almaty ngày 5/1. Sáng ngày 6/1, Tổng thống đương nhiệm của Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hỗ trợ để đối phó với "mối đe dọa khủng bố". Là một quốc gia lớn ở Trung Á, liệu Kazakhstan có cần phải yêu cầu nước ngoài giúp đỡ để duy trì trật tự trong nước?

Với việc Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev kế nhiệm cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev làm người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia, hai Phó chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia đã bị cách chức và cựu Thủ tướng Karim Massimov, một đồng minh thân cận của vị cựu tổng thống, đã bị cáo buộc tội phạm phản quốc, bị cách chức Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và bị bắt, tình hình đã trở nên rõ ràng. Rõ ràng, lý do tại sao tổng thống hiện tại yêu cầu CSTO ra tay hành động là bởi lực lượng an ninh không phải lúc nào cũng tuân lệnh Tổng thống; Tổng thống hiện tại không thể công khai nói rằng ông không nắm được toàn bộ quyền lực hợp pháp, vì vậy ông đã yêu cầu CSTO giúp ông duy trì tình hình.

Những người biểu tình được phân phát vũ khí trên đường phố (Ảnh: Sina).

Những người biểu tình được phân phát vũ khí trên đường phố (Ảnh: Sina).

Yêu cầu Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể giúp đỡ là một bước then chốt để tân tổng thống loại bỏ ảnh hưởng của vị cựu tổng thống, giúp ông giành chiến thắng trong cuộc đảo chính bạo loạn và thực sự trở thành cốt lõi quyền lực. CSTO được thành lập vào năm 2002, khi đó tổng thống của Kazakhstan là Nazarbayev, ông ta là người đã ký tên xác nhận gia nhập hiệp ước. Hoạt động gìn giữ hòa bình tập thể đầu tiên của CSTO trong mấy chục năm kể từ khi thành lập hóa ra là đưa quân đến Kazakhstan, điều mà tất cả các bên có thể không ngờ tới.

Có lẽ bên khởi xướng cuộc đảo chính đã không nghĩ rằng đương kim Tổng thống Tokayev lại có một lực lượng quân sự hùng mạnh là liên quân CSTO mà ông có thể dựa vào, do đó đã đánh giá sai tình hình.

Nga cũng không thể nói rõ với các nước rằng đang có một cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Kazakhstan và Nga sẽ dẫn dắt CSTO giúp tổng thống đương nhiệm trấn áp hành động cướp đoạt quyền lực. Ngay cả khi các nước thành viên khác đều biết rằng một cuộc đảo chính đã xảy ra ở Kazakhstan, thì hoạt động gìn giữ hòa bình chống khủng bố vẫn là một biện pháp chính thức cần thiết. Nga cần có lý do để không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Những năm gần đây, Nga đã sáp nhập Crimea và đưa quân đến Syria, dần chiếm thế thượng phong trong cuộc đấu với Mỹ. Giấc mơ khôi phục ảnh hưởng của Liên Xô trước đây của Tổng thống Nga Putin vẫn luôn tồn tại. Tỏ rõ uy thế của CSTO và đoàn kết các nước SNG là cách để Nga bảo vệ lợi ích địa chính trị của mình trước sự bành trướng về phía đông của NATO. Việc đưa quân tới Kazakhstan là để các nước thấy được sự quyết đoán, quyết tâm và sức mạnh của Nga. Nga đã nhanh nhạy nắm bắt cơ hội hiếm có này. Chống chủ nghĩa khủng bố và chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào các cuộc cách mạng màu là một danh nghĩa không thể hoàn hảo hơn cho một cuộc xuất quân.

Quân đội triển khai kiểm soát tình hình ở Almaty (Ảnh: AP).

Quân đội triển khai kiểm soát tình hình ở Almaty (Ảnh: AP).

Vì vậy, trong giả thuyết về một vụ tấn công khủng bố các nhà chức trách Nga và Kazakhstan đã có lợi ích chung. Sau khi tình hình đại cục đã ổn định, nếu dừng ở lập luận chống khủng bố, thì tình hình đã yên, việc chống khủng bố đã kết thúc. Ông Tokayev hiện nói rằng tính chất vụ việc là một cuộc đảo chính không thành, có ý đe dọa một cuộc thanh lọc sau đó.

Cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev được mệnh danh là vị anh hùng dân tộc đã tạo dựng nền độc lập của đất nước Kazakhstan. Sau khi Liên Xô giải thể, ông bắt đầu đảm nhiệm cương vị Tổng thống Kazakhstan. Sự nghiệp chính trị hơn 30 năm của ông không chỉ hội tụ quyền lực mà còn có sức ảnh hưởng vô song. Ông Tokayev lên nắm quyền vào năm 2019 và bị xem là một tổng thống hình bóng, và Nazarbayev, người là Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia cho đến trước khi xảy ra tình hình bất ổn, vẫn là người lãnh đạo thực tế.

Năm 2019, ông Nazarbayev (phải)bàn giao chức Tổng thống cho ông Tokayev (Ảnh: Astanatimes).

Năm 2019, ông Nazarbayev (phải)bàn giao chức Tổng thống cho ông Tokayev (Ảnh: Astanatimes).

Mặc dù ông Nazarbayev liên tục bác bỏ quan hệ của mình với tình hình hỗn loạn vừa qua, nhưng bất cứ ai ở Kazakhstan muốn tiến hành một cuộc đảo chính đều không thể tách khỏi ông ta. Vẫn còn phải chờ xem liệu tổng thống hiện tại và cựu tổng thống có đạt được sự thỏa thuận nào? Liệu cựu tổng thống có đành phải cắt đuôi để bảo vệ chính mình hay không và liệu Nga có cho phép tổng thống đương nhiệm tính sổ dứt điểm, tiếp tục gây ra tình hình bất ổn hay không thì còn cần đợi để xem. Giả thuyết về cuộc đảo chính có thể kéo dài bao lâu hiện vẫn chưa thể biết được.