Lực lượng CSTO do Nga dẫn đầu sẽ rút khỏi Kazakhstan trong vòng 2 ngày tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khối quân sự do Nga dẫn đầu sẽ rút binh sĩ khỏi Kazakhstan trong vòng 2 ngày sau khi hoàn thành nhiệm vụ chính ở quốc gia Trung Á này.
Một binh sĩ thuộc lực lượng CSTO tại Almaty, Kazakhstan (Ảnh: BQP Nga)
Một binh sĩ thuộc lực lượng CSTO tại Almaty, Kazakhstan (Ảnh: BQP Nga)

Tuyên bố trên được Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đưa ra trong hôm 11/1. Ông nói trước Quốc hội rằng ông sẽ chỉ định ông Alikhan Smailov làm Thủ tướng, đồng thời bàn về một số sáng kiến để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tăng thuế đối với khu vực khai khoáng và xóa bỏ những lỗ hổng trong vấn đề mua sắm của quốc gia.

Ông Tokaev, 68 tuổi, trong tuần trước đã đề nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu triển khai binh sĩ tới nước họ, ngay giữa lúc đỉnh điểm căng thẳng của vụ việc mà ông cho là “âm mưu đảo chính”, đẩy một nửa đất nước giàu dầu mỏ này vào tình trạng bạo lực.

Trước đó một ngày, ông Tokaev nói rằng nhiệm vụ lần này của CSTO bao gồm 2.030 binh sĩ và 250 trang thiết bị quân sự.

“Nhiệm vụ chính của lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO đã thành công tốt đẹp” – ông Tokaev nói trước Quốc hội – “Trong vòng 2 ngày, kế hoạch rút quân theo giai đoạn của CSTO sẽ bắt đầu. Tiến trình rút quân sẽ diễn ra không quá 10 ngày.”

Trong hôm đầu tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc triển khai quân vừa qua đóng vai trò chủ chốt, tuyên bố chiến thắng trong việc bảo vệ Kazakhstan khỏi thứ mà ông mô tả là một cuộc nổi dậy được thế lực nước ngoài hậu thuẫn.

Chính quyền Kazakhstan cho hay trật tự phần lớn đã được vãn hồi ở đất nước 19 triệu dân, và rằng có gần 10.000 người đã bị bắt giữ sau cuộc bạo loạn, trong khi nhiều người khác đang bị truy nã. Các cuộc tuần hành hòa bình ban đầu nhằm phản đối giá nhiên liệu tăng đã bị một số nhóm lợi dụng với mục đích lật đổ chính phủ. Một số nhà phân tích khu vực Trung Á cho rằng, vấn đề đấu đá nội bộ trong tầng lớp ưu tú giàu có của Kazakhstan có thể đã đóng vai trò lớn trong cuộc bạo loạn vừa qua.

Binh sĩ Kazakhstan đứng bên cạnh một chiếc xe bị thiêu rụi ở Almaty (Ảnh: Reuters)

Binh sĩ Kazakhstan đứng bên cạnh một chiếc xe bị thiêu rụi ở Almaty (Ảnh: Reuters)

Binh sĩ của CSTO ban đầu được triển khai tới thủ đô Nur-Sultan, làm dấy lên ngờ vực rằng nhiệm vụ của họ là bảo vệ chính phủ và ông Tokaev, giữa lúc mà ông không thể hoàn toàn tin tưởng lực lượng an ninh trong nước nữa. Ông Tokaev đã sa thải Karim Masimov, cựu Chủ tịch của Ủy ban An ninh Quốc gia (NSC), vào ngày 5/1; ông Masimov sau đó bị bắt giữ vì tội danh phản quốc.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 11/1, ông Tokaev nói rằng NSC không chỉ không phát hiện được mối đe dọa lớn, mà còn thất bại trong việc hành động đúng cách trong lúc bạo loạn bùng phát.

“Ở một số thành phố, những người đứng đầu các cơ quan của NSC mặc dù có đủ nguồn lực chiến đấu nhưng lại từ bỏ vị trí của họ và bỏ lại súng đạn cùng nhiều tài liệu mật” – ông Tokaev nói.

Tổng thống Tokaev không chỉ đích danh bất kỳ nghi phạm nào gây ra bạo loạn, nhưng nói rằng gốc rễ của các cuộc biểu tình chính là do chính quyền thất bại trong công tác chống nghèo đói và phân phối tài sản một cách công bằng.

Ông tuyên bố rằng, ông muốn những người giàu có từng thuộc chính quyền cũ chia sẻ tài sản của họ với người dân bằng cách quyên góp cho một tổ chức từ thiện mới. “Nhờ vào Tổng thống đầu tiên…một nhóm những công ty có lợi nhuận cực lớn đã xuất hiện ở đất nước này, và cả một nhóm những người giàu, kể cả khi xét theo tiêu chuẩn quốc tế. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc họ đóng góp cho người dân Kazakhstan, giúp đỡ người dân một cách có hệ thống và cơ sở”, ông Tokaev nói.