Trang tin Sina Trung Quốc ngày 6/2 có bài viết cho rằng vai trò của không quân hiện đại trong chiến tranh ngày càng lớn, nhưng độ khó duy trì cũng ngày càng lớn, không quân Việt Nam hiểu rõ vấn đề này.
Vào thập niên 1970, không quân Việt Nam đã tịch thu được rất nhiều máy bay chiến đấu Mỹ, chủ yếu là F5, đáng tiếc là chỉ sử dụng được vài năm đã phải cho chúng nghỉ hưu, nguyên nhân chính là không thể bảo trì được. Cuối cùng Việt Nam phải chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu của Nga, do có nguồn cung ứng linh kiện và có chuyên gia kỹ thuật hỗ trợ, cũng có thể gửi máy bay chiến đấu ra nước ngoài đại tu.
Hiện nay, không quân Việt Nam đã thay thế không ít máy bay chiến đấu mới, mạnh hàng đầu Đông Nam Á. Nguyên nhân chính được Sina cho là "Trung Quốc mua cái gì thì Việt Nam mua cái đó”.
Chẳng hạn, máy bay chiến đấu tiên tiến nhất Su-30MK2 của Việt Nam được đặt mua sau khi quân đội Trung Quốc đặt mua loại máy bay chiến đấu này. Việt Nam mua tổng cộng 32 chiếc.
Su-30MKK là máy bay chiến đấu đa dụng, được phát triển trên nền tảng máy bay chiến đấu Su-27UB, đã cải tiến lớn về kết cấu thân máy bay, đã duy trì được các đặc điểm như hành trình lớn, tải đạn lớn. Su-30 ít cải tiến các thiết bị trên máy bay, không có động cơ véc-tơ, không được như máy bay chiến đấu Su-30MKI của Ấn Độ, nhưng độ tin cậy và hoàn thiện tốt hơn.
Su-30MK2 thuộc phiên bản hải quân chuyên dụng, thiết bị điện tử hàng không tiếp tục được nâng cấp, đã tăng lượng vũ khí mang theo, đặc biệt là tên lửa chống hạm.
Tính năng của loại máy bay chiến đấu này không tồi. Quân đội Trung Quốc luôn sử dụng nó như một loại máy bay chiến đấu chủ lực. Việt Nam cũng rất thích loại máy bay này, nhưng công tác bảo trì vẫn gây đau đầu cho Việt Nam, do công nghiệp hàng không của Việt Nam còn hạn chế, nhiều vấn đề khó có thể giải quyết. Khí hậu nhiệt đới, gió mùa, độ ẩm cao cũng ảnh hưởng xấu đến việc bảo trì máy bay chiến đấu.
Để giải quyết vấn đề, không quân Việt Nam đã bỏ ra không ít công sức, xây dựng nhà chứa chuyên dụng cho máy bay, đồng thời cố gắng nâng cao khả năng bảo trì tại chỗ. Để thực hiện đa dạng hóa nguồn cung bảo đảm, ngoài tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nga, Việt Nam cũng dựa vào các nước khác, chủ yếu là Ukraine.
Mặc dù Ukraine không chế tạo được máy bay chiến đấu, nhưng có lực lượng bảo trì máy bay chiến đấu, có thể trợ giúp Việt Nam sửa chữa các loại máy bay chiến đấu do Nga sản xuất, thậm chí có thể đại tu động cơ AL-31.
Theo báo Trung Quốc, Không quân Việt Nam có tham vọng không nhỏ. Việt Nam còn đề nghị Ấn Độ hỗ trợ bảo trì máy bay chiến đấu Su-30, để Ấn Độ cung cấp các dịch vụ như đào tạo phi công cho máy bay chiến đấu Su-30.
Báo Trung Quốc chủ quan cho rằng những năm gần đây, Việt Nam còn tích cực tìm cách mua sắm máy bay chiến đấu của phương Tây, chẳng hạn máy bay chiến đấu cũ F-16 (?). Nhưng muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga là không dễ.
Các nước khác có thể cung cấp tư vấn về kỹ thuật và dịch vụ đào tạo, nhưng không thể cung ứng linh kiện. Máy bay chiến đấu hiện đại cần rất nhiều loại linh kiện, việc thay thế cũng tương đối nhanh. Ngoài Nga, các nước khác căn bản không thể bảo đảm được vấn đề này.
Bất kể là huấn luyện trong thời bình hay hành động trong thời chiến, khả năng tự bảo đảm máy bay chiến đấu rất quan trọng, không chỉ là để tiết kiệm tiền bạc. Đây lại là một thách thức đối với Việt Nam. Muốn làm được, cần phải có một nền tảng công nghiệp hàng không phát triển và không phải nước nào trên thế giới cũng có được khả năng này.