Việt Nam dự mua máy bay Su-35 Nga, báo Trung Quốc "bàn hươu tán vượn"

VietTimes -- Báo Trung Quốc bàn tán về thực lực của không quân Việt Nam, nhất là việc Việt Nam quan tâm mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao.

Trang bị máy bay đều do Nga chế tạo

Trang tin Eastday Trung Quốc ngày 18/11 cho rằng Việt Nam sẽ mua sắm máy bay chiến đấu Su-35 để thay thế cho máy bay chiến đấu MiG-21 đã nghỉ hưu. Nga và Việt Nam đang tiến hành đàm phán một loạt giao dịch vũ khí, trong đó có máy bay chiến đấu Su-35 và tên lửa phòng không S-400.

Su-35 là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất hiện có của Nga, có tính năng rất tiên tiến, radar của nó có thể dò tìm và theo dõi 30 mục tiêu trên không, đồng thời phát động tấn công đối với 8 mục tiêu trong số đó, khoảng cách dò tìm đối với mục tiêu có tiết diện phản xạ radar 3 m2 là 400 km.

Hành trình của máy bay chiến đấu Su-35 lên tới 3.600 km, bán kính tác chiến đạt 1.600 km. Hỏa lực cũng rất mạnh, hai cánh đều được bổ sung một điểm treo ngoài, tổng cộng có 12 điểm treo ngoài; sử dụng giá treo đa dụng thì có thể có 14 điểm treo ngoài. Lượng vũ khí mang theo tăng lên 8.000 kg, khi không chiến bình thường là 1.400 kg.

Hiện nay, Trung Quốc đã mua 24 máy bay chiến đấu Su-35, đồng thời sẽ bàn giao theo quy định của hợp đồng. Được biết, Algeria cũng đã mua sắm một lượng máy bay chiến đấu Su-35 nhất định. Triển vọng thị trường của Su-35 rộng lớn, trong đó có không ít quốc gia ở "thế giới thứ ba".

Mấy năm gần đây, Việt Nam đã gia tăng cường độ mua sắm vũ khí. Căn cứ vào số liệu tin cậy, báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết, lượng nhập khẩu vũ khí hàng năm của Việt Nam đã vượt Hàn Quốc và Singapore, năm 2014 đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ tám thế giới.

Máy bay chiến đấu Su-30 của không quân Việt Nam. Ảnh: Huanqiu
Máy bay chiến đấu Su-30 của không quân Việt Nam. Ảnh: Huanqiu

Ngân sách quốc phòng do Việt Nam công bố từ 1,3 tỷ USD năm 2006 tăng lên 4,6 tỷ USD năm 2015, đã tăng 258%. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết năm 2015 chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đứng thứ tư trong các nước Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. Những nước đứng trước Việt Nam này đều giàu hơn và hoặc có quy mô kinh tế lớn hơn so với Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên chi tiêu quốc phòng của Việt Nam vượt qua Malaysia. Có điều, con số này rõ ràng đã bị đánh giá quá thấp và chưa bao gồm ngân sách nghiên cứu phát triển.

Mấy năm gần đây, Việt Nam đã đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo có thể bắn tên lửa hành trình, 36 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 6 tàu hộ vệ tàng hình và 6 tàu tấn công nhanh của Nga cùng với hệ thống phòng không mới nhất của Israel.

Không quân Việt Nam hoàn toàn có thể dùng toàn bộ vũ khí kiểu Nga, không có bất cứ "tạp chất" nào. Căn cứ vào tư liệu, thực lực tác chiến của không quân Việt Nam như sau:

Không quân Việt Nam trang bị khoảng 480 máy bay các loại, trong đó có 240 máy bay tác chiến. Máy bay thực hiện nhiệm vụ không chiến bao gồm 124 máy bay MiG-21, 40 máy bay MiG-23M, 12 máy bay Su-27, 24 máy bay Su-30MK2 (ngoài ra còn 12 chiếc đặt mua còn chờ bàn giao); máy bay thực hiện nhiệm vụ tấn công đối đất gồm có 53 máy bay Su-22.

Các máy bay trực thăng vũ trang, máy bay vận tải, thậm chí tên lửa của không quân Việt Nam đều do Liên Xô trước đây hoặc Nga ngày nay cung cấp. Trên thế giới không có bất cứ một nước nào trang bị vũ khí đạn dược mà hoàn toàn lệ thuộc vào hệ thống công nghiệp quân sự của một nước như vậy - báo Trung Quốc bình luận.

Máy bay chiến đấu Su-30 của không quân Việt Nam. Ảnh: Huanqiu
Máy bay chiến đấu Su-30 của không quân Việt Nam. Ảnh: Huanqiu

Báo Trung Quốc dị nghị

Trang tin Sohu Trung Quốc tháng 3/2017 rất quan tâm đến máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Đồng thời bài báo dị nghị cho rằng Trung Quốc mua sắm loại vũ khí trang bị gì thì Việt Nam cũng mua loại đó của Nga.

Bài viết đã kể lại quá trình mua sắm máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 của Trung Quốc và Việt Nam. Ngoài ra, bài báo nhấn mạnh, ngoài việc mua sắm máy bay của Nga, Trung Quốc đã có ưu thế hơn nhiều nhờ vào sao chép, tự chế được các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba như J-10, J-11, điều này tạo ra sức ép rất lớn cho láng giềng.

Bài báo cho biết chỉ riêng lực lượng đường không hải quân thuộc Chiến khu miền Nam, quân đội Trung Quốc đã trang bị 3 trung đoàn máy bay chiến đấu với 72 máy bay chiến đấu dòng J-11, trong khi đó thực lực của lực lượng không quân Chiến khu miền Nam lớn hơn gấp đôi. Điều đáng chú ý là, các máy bay chiến đấu J-10B/C và Su-35 mới nhất cũng đã phục vụ ở Chiến khu miền Nam.

Liên quan đến vấn đề này, báo chí Mỹ và Đài Loan trong năm qua cho biết máy bay chiến đấu Su-35 Trung Quốc mua của Nga đã được triển khai ở Chiến khu miền Nam, cụ thể là triển khai ở căn cứ không quân Toại Khê, Trạm Giang, Quảng Đông, Trung Quốc. Như vậy, máy bay chiến đấu Su-35 Trung Quốc có thể tác chiến ở khu vực Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc. Ảnh: Sohu.
Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Sohu cho rằng Việt Nam quan tâm mua sắm Su-35 của Nga là do bị “kích thích rất lớn” và muốn đạt được sự “thăng bằng” về tâm lý. Theo Sohu đánh giá, hệ thống trang bị của quân đội Trung Quốc tương đối đầy đủ, có thể thực hiện nhiệm vụ đa dạng.