Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị di sản mỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Qua chặng đường hơn nửa thế kỷ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã vượt qua khó khăn để xây dựng và phát triển với sứ mệnh gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản mỹ thuật Việt Nam.
Tập thể cán bộ viên chức và người lao động Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Tập thể cán bộ viên chức và người lao động Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Ngày 24/6/1966, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan. Đây là một mốc son quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành di sản văn hóa và mỹ thuật Việt Nam. Trong suốt hành trình phát triển, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm tốt công tác sưu tầm, kiểm kê, Bảo quản, tu sửa, trưng bày, giáo dục, thư viện, truyền thông, đối ngoại và nghiên cứu khoa học.

Công tác Sưu tầm

55 năm qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ được gần 20.000 tài liệu, hiện vật và tác phẩm mỹ thuật. Bộ sưu tập của Bảo tàng phản ánh cơ bản sự phát triển của lịch sử Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tác phẩm là niềm tự hào, sự thành công trong cuộc đời nghệ thuật của các thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc như: sưu tập tác phẩm của các tác giả được đào tạo tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, của tác giả đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, sưu tập tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, những sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội... Trong tổng số 164 hiện vật và nhóm hiện vật Bảo vật Quốc gia của cả nước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đóng góp 9, trong đó có 3 tác phẩm mỹ thuật cổ và 6 tác phẩm mỹ thuật hiện đại.

Công tác Kiểm kê, Bảo quản

Bảo tàng luôn quan tâm đầu tư nâng cấp trang thiết bị chuyên dụng nhằm tạo ra môi trường lý tưởng cho công tác bảo quản hiện vật. Cách phân loại, sắp xếp, bảo quản phòng ngừa đối với hiện vật gần đây có nhiều thay đổi, ngày càng tiệm cận với yêu cầu, tiêu chuẩn chung trên thế giới. Hiện vật và hồ sơ từng bước được chuẩn hóa. Tính riêng từ 2005 đến tháng 6 năm 2020, gần chục lần hiện vật và hồ sơ được kiểm kê, đánh giá.

Bắt đầu từ 2008, trung bình mỗi năm có 200 hồ sơ được bổ sung thông tin. Gần 1.000 hồ sơ hiện vật được chỉnh lý từ 2014 đến 2016. Đó chính là những bước đi chuẩn bị cho việc triển khai công tác số hóa hiện vật của Bảo tàng hiện nay.

Công tác Tu sửa, Bảo quản

Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng được tái lập năm 2006 sau khi. Xưởng phục chế giải thể năm 1980. Trong 15 năm, Trung tâm đã tu sửa, bảo quản được 2.208 hiện vật, trực tiếp góp phần gìn giữ, tăng tuổi thọ của hiện vật và tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Trung tâm đã mở rộng quan hệ hợp tác với một số đơn vị như: Khoa Phục chế trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Cộng hòa Liên Bang Đức), nhóm chuyên gia Australia, Nhật Bản, Trung tâm Bảo tồn di sản Singapore v.v… Ngoài nhiệm vụ thường xuyên ở Bảo tàng, Trung tâm còn đóng vai trò chuyên gia trong các dự án tu sửa tại các bảo tàng của trung ương và ở các địa phương cũng như một số bảo tàng của CHDCND Lào.

Lễ ký kết hợp tác giữa các bảo tàng mỹ thuật trong nước lần thứ nhất (Hà Nội, 2018)

Lễ ký kết hợp tác giữa các bảo tàng mỹ thuật trong nước lần thứ nhất

(Hà Nội, 2018)

Công tác Trưng bày, Giáo dục

Mở rộng, nâng cao chất lượng trưng bày là nhiệm vụ Bảo tàng đặc biệt coi trọng. Từ diện tích 1.000m2, đến nay, hệ thống trưng bày thường xuyên đã tăng gấp 3 lần. Ngoài hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng còn tổ chức các triển lãm chuyên đề và trưng bày lưu động. Đồng thời, nhiều triển lãm của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện tại Bảo tàng, góp phần tạo ra sự sôi động trong hoạt động nghệ thuật giai đoạn hiện nay. Mỗi năm Bảo tàng đón tiếp trên 60.000 lượt khách tham quan và hàng ngàn lượt học sinh tới trải nghiệm. Hoạt động giáo dục được liên kết với các cơ sở đạo tạo từ bậc Tiểu học, Trung học cơ sở đến Cao đẳng, Đại học. Không gian sáng tạo cho trẻ em mở cửa từ 2011. Đây cũng là việc làm mà Bảo tàng xác định rõ trách nhiệm với công tác đào tạo, giáo dục thẩm mỹ và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Gần đây, Bảo tàng đã cho ra mắt Ứng dụng thuyết minh đa phương tiện. Sản phẩm có tên gọi “iMuseumVFA”. Ứng dụng là cầu nối giữa Bảo tàng với công chúng, góp phần cải thiện chất lượng tham quan, giúp các công ty lữ hành tiết kiệm thời gian tour, bớt phụ thuộc vào hướng dẫn viên, đem đến sự thuận lợi, trải nghiệm mới cho người dùng.

Công tác Tư liệu - Thư viện

Thư viện khoa học của Bảo tàng hiện đang lưu giữ các tư liệu nghiên cứu về mỹ thuật, trên 3.000 đầu sách về lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đặc biệt, nơi đây còn có trên 10.000 ảnh tư liệu các tác phẩm mỹ thuật. Nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản, chia sẻ thông tin và nâng cao dịch vụ trải nghiệm cho người dùng, Bảo tàng đã triển khai dự án “Xây dựng thư viện điện tử”. Công trình sẽ ra mắt vào tháng 11 năm 2021. Hy vọng nguồn tư liệu số của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và những tính năng tiện ích của thư viện điện tử sẽ giúp người dùng tra cứu được những thông tin cần thiết một cách nhanh chóng.

Công tác Truyền thông, Đối ngoại và Hợp tác quốc tế

Hoạt động truyền thông của Bảo tàng chính thức có bộ phận chuyên trách từ năm 2015. Trong một thời gian ngắn, đội ngũ này đã góp phần thay đổi mối quan hệ giữa Bảo tàng với công chúng: tỷ lệ lượt truy cập website của Bảo tàng tăng đều đặn 25%/tháng, khách tham quan nội địa chiếm 17% ở năm 2016 trở thành 30% của năm 2019. Đặc biệt, đối tượng học sinh, sinh viên đến Bảo tàng học tập, trải nghiệm nhiều hơn giai đoạn trước. Về lĩnh vực đối ngoại và hợp tác quốc tế: Bảo tàng luôn tích cực mở rộng giao lưu, hợp tác với các cơ quan trong và ngoài nước. Số liệu của 15 năm qua cho thấy: Bảo tàng đã hợp tác với 22 nước trên thế giới, từ châu Á, châu Âu đến châu Mỹ la tinh. Nội dung hợp tác rất đa dạng: trưng bày triển lãm, tu sửa, phục chế, quản lý sưu tập, giáo dục nghệ thuật, truyền thông, marketing và hội thảo, tọa đàm về các lĩnh vực chuyên môn. Những năm gần đây, Bảo tàng nhận được tài trợ của một số cá nhân trong nước cho việc: thiết kế hệ thống biển chỉ dẫn, pano, etiket hiện vật; thay thế khung/bục của 9 Bảo vật quốc gia; in 2 cuốn sách: “1986- 2011” và Guide book.

Hoạt động Nghiên cứu khoa học

Bảo tàng đã xuất bản 6 đầu sách, 11 cuốn kỷ yếu, thực hiện 3 Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 12 đề tài cấp cơ sở. Bảo tàng cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, tập huấn. Nhiều bài viết đăng trên tạp chí và những trang ghi chép trong quá trình khảo sát, điền dã tại di tích, di chỉ văn hóa của các thế hệ nghiên cứu viên Bảo tàng là nguồn tư liệu tham khảo quý cho các luận văn, luận án hoặc các công trình nghiên cứu khoa học.

Khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Những định hướng tương lai

Trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phấn đấu trở thành: điểm tham quan giúp công chúng có cái nhìn đa chiều về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; là địa điểm hấp dẫn của các Công ty lữ hành và khách du lịch, góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước; là địa chỉ tin cậy cho giới nghiên cứu mỹ thuật, học sinh, sinh viên đến khai thác, học tập; là nơi tiếp sức và tạo động lực cho các nghệ sĩ tạo hình sáng tạo, nuôi dưỡng lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Để mục tiêu trở thành hiện thực, một số nhiệm vụ, định hướng trọng tâm được Bảo tàng xác định như sau:

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng; ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày, giáo dục, quản lý sưu tập hiện vật và phát huy các giá trị của các tư liệu, hiện vật. Mở rộng diện tích trưng bày; Đổi mới, nâng cấp, chỉnh lý nội dung trưng bày; Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, các chương trình nghiên cứu chuyên sâu dành cho công chúng và hướng dẫn viên tương lai. Tiếp tục hợp tác với Vụ Lữ hành, các Công ty Du lịch trong việc đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào điểm đến của các tour; Tiếp tục phát triển kế hoạch liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng nhằm tăng lượng khách trong nước tới Bảo tàng; Hình thành và phát triển đối tượng khách tham quan tiềm năng yêu thích Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Tiếp tục hợp tác với ba bảo tàng mỹ thuật trong nước nhằm tạo thêm một mối liên kết, phối hợp hoạt động cho riêng khối bảo tàng mỹ thuật, góp phần đẩy mạnh các hoạt động nhóm nhằm tăng sức hấp dẫn, thu hút khách tham quan cho từng bảo tàng. Mở rộng diện tích kho bảo quản hiện vật; Kiện toàn và đổi mới công tác quản lý hiện vật bảo tàng. Nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm mỹ thuật, trở thành đơn vị hoạt động độc lập, tự chủ về kinh phí, hiện đại, khoa học về chuyên môn và cơ sở vật chất. Hình thành Trung tâm mỹ thuật Đương đại hoặc Bảo tàng Mỹ thuật Đương đại thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Kết nối với các bảo tàng nghệ thuật quốc tế, giới thiệu mỹ thuật Việt Nam và ngược lại. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; đào tạo đội ngũ cán bộ Bảo tàng trở thành những chuyên gia trong các lĩnh vực: tu sửa, bảo quản, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật và bảo tàng học; tham gia vào hoạt động giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và trung tâm giáo dục, dạy nghề.

55 năm xây dựng, phát triển, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ đi trước, với sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ viên chức, người lao động hôm nay, những trang mới đầy màu sắc rực rỡ sẽ được viết tiếp trong cuốn sử của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.