Báo Mỹ: Tổng thống Donald Trump xem xét áp dụng hành động mới chống Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sắp kết thúc nhiệm kỳ trong hai tháng nữa, nhưng các quan chức cấp cao của chính quyền Trump cho biết họ đang thúc đẩy các biện pháp cứng rắn mới chống lại Trung Quốc.

Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống Trung Quốc trong thời gian còn ở lại Nhà Trắng (Ảnh: Getty).
Tổng thống Trump sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống Trung Quốc trong thời gian còn ở lại Nhà Trắng (Ảnh: Getty).

Theo trang The Wall Street Journal ngày 24/11, quan chức chính phủ Mỹ cho rằng, đây là hành động lớn nhất sẽ thiết lập một liên minh không chính thức của các nước phương Tây để cùng có các biện pháp đối phó khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh thương mại của mình để hiếp đáp các nước khác. Họ cho rằng sau khi Australia kêu gọi điều tra nguồn gốc của dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc đã gây áp lực kinh tế lên Australia, điều này đã thúc đẩy chính phủ Mỹ khai sinh ra kế hoạch này.

Một quan chức cấp cao cho biết: "Trung Quốc có ý đồ sử dụng sức ép kinh tế đáng kinh ngạc để áp chế các nước khác", "Phương Tây cần thiết lập một hệ thống để cùng nhau tiếp nhận các trừng phạt kinh tế do chính sách ngoại giao cưỡng bức của Trung Quốc và bù đắp các chi phí phát sinh”.

Theo kế hoạch đối phó chung này, khi Trung Quốc có hành động tẩy chay nhập khẩu, các đồng minh sẽ đồng ý mua lại số hàng hóa bị tẩy chay hoặc bù đắp thiệt hại cho nhau; hoặc, các đồng minh có thể liên kết và áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc để bù đắp thiệt hại.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang xem xét mở rộng lệnh cấm nhập khẩu đối với khu vực Tân Cương của Trung Quốc do sử dụng lao động cưỡng bức và đưa thêm nhiều công ty vào danh sách đen của Bộ Thương mại Hoa Kỳ; trong đó bao gồm cả nhà sản xuất chip Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC). Hiện tại, SMIC đang phải đối mặt với các yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt khi mua hàng từ các công ty Mỹ.

Chính phủ Australia kêu gọi điều tra sai lầm của Trung Quốc gây nên đại dịch COVID-19 lây lan khiến Trung Quốc tức giận (Ảnh: AFP).

Chính phủ Australia kêu gọi điều tra sai lầm của Trung Quốc gây nên đại dịch COVID-19 lây lan khiến Trung Quốc tức giận (Ảnh: AFP).

Người phát ngôn của SMIC đề nghị tham khảo một tuyên bố của công ty vào tháng 9; nói SMIC tiếp tục liên hệ với Bộ Thương mại Mỹ và tuyên bố họ không liên quan gì đến quân đội Trung Quốc và không sản xuất các sản phẩm cho mục đích quân sự. .

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Các quan chức cấp cao nói trên thừa nhận các biện pháp mới này đang bị cản trở bởi ảnh hưởng ngày càng giảm của chính quyền Trump. Sự thành công của các biện pháp này cần sự chấp thuận của chính phủ Joe Biden sắp tới để tiếp tục tiến hành.

Hơn nữa, vẫn chưa thể chắc chắn liệu các quốc gia khác dựa vào thương mại với Trung Quốc có sẵn sàng tham gia vào một nhóm có mục đích kiềm chế Trung Quốc, hay một nhóm có thể dựa vào cây gậy thuế quan hay không vì e thuế quan sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người tiêu dùng trong nước. Quan chức này cho biết họ đang tiếp xúc với các quốc gia dân chủ phương Tây, nhưng không tiết lộ là những quốc gia nào.

Chuyên gia an ninh quốc gia Eugene Gholz của Đại học Notre Dame du Lac cho biết: “Đây sẽ là một kiểu phân chia toàn cầu kiểu chiến tranh lạnh”. Gholz nói: “Tôi nghĩ (Trung Quốc) sẽ không chấp nhận quy tắc, vì vậy sẽ chuẩn bị việc phòng ngự”.

Bản thân ông Trump đã tập trung vào việc thách thức kết quả của cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, trong đó ông đã bị thất bại trước ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Người phát ngôn của ông Biden từ chối bình luận về các biện pháp mới tiềm năng chống lại Trung Quốc.

Ông Joe Biden nếu lên nắm quyền sẽ phải đối mặt với áp lực từ chính sách Trung Quốc của người tiền nhiệm (Ảnh: AP).

Ông Joe Biden nếu lên nắm quyền sẽ phải đối mặt với áp lực từ chính sách Trung Quốc của người tiền nhiệm (Ảnh: AP).

Áp lực của Trung Quốc đối với Australia trong năm nay đã kích thích các hành động của chính quyền ông Trump. Australia đang tìm kiếm sự hỗ trợ để điều tra sai lầm của Trung Quốc dẫn đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Dịch bệnh COVID-19 đã bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Trung Quốc đã thực hiện hạn chế nhập khẩu thịt bò, lúa mạch và rượu vang của Australia. Nhiều nghị sĩ và nhà kinh tế cho rằng đây là biện pháp đáp trả nỗ lực của Australia điều tra nguồn gốc của virus gây ra đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục 41,7% trong tháng 9, giúp giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Australia. Nền kinh tế Australia đang trải qua cuộc suy thoái đầu tiên sau 29 năm.

Sự phụ thuộc ngày càng tăng của Australia vào thị trường Trung Quốc là do nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt của Australia; Trung Quốc cần quặng sắt để đáp ứng sự phục hồi kinh tế do hạ tầng cơ sở thúc đẩy.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra trong tháng này đã gửi một danh sách tới các cơ quan truyền thông Australia, trong đó có tờ Sydney Morning Herald, liệt kê 14 hành động của chính phủ Australia đã khiến Trung Quốc bất bình, khiến không khí căng thẳng gia tăng.

Hôm 18/11, Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia đã gửi "Danh sách 14 điều bất bình" tới các cơ quan truyền thông Australia gây tác động tiêu cực (Ảnh: WSJ).

Hôm 18/11, Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia đã gửi "Danh sách 14 điều bất bình" tới các cơ quan truyền thông Australia gây tác động tiêu cực (Ảnh: WSJ).

Những hành động khiến Trung Quốc bất bình này bao gồm: kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19, chính phủ Australia tài trợ cho các nghiên cứu "chống Trung Quốc", truy xét các nhà báo Trung Quốc, bình luận của các nghị sĩ Australia về Trung Quốc, lập pháp xem xét các vụ mua lại do Trung Quốc tài trợ và "can thiệp liên tục và bừa bãi" vào việc chính phủ Trung Quốc xử lý vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, quan hệ với Đài Loan...Chính phủ Australia đã bác bỏ các luận điểm của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh thảo luận về các khiếu nại được nêu ra.

Phát ngôn viên của Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm Chủ nhật 22/11 cho biết quyết định mua hàng của các công ty hoặc chính phủ Mỹ rất quan trọng đối với họ, nhưng Australia hoan nghênh bất kỳ quốc gia đối tác nào quan tâm đến hàng hóa và dịch vụ của họ.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sky News của Australia, Birmingham cho biết ông quan ngại sâu sắc về các hành động của Trung Quốc nhằm phá hoại sự hợp tác giữa hai nước, nhưng ông cũng nói rằng Australia vẫn sẵn sàng đối thoại với Bắc Kinh.

Birmingham nói: "Chính phủ Trung Quốc phải làm rõ vấn đề: tại sao họ dường như đang cố tình nhắm vào Australia".

Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc ký Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu tại Nhà Trắng (Ảnh: Deutsche Welle).

Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc ký Hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu tại Nhà Trắng (Ảnh: Deutsche Welle).

Bắc Kinh đổ lỗi cho Canberra khiến quan hệ hai nước ngày càng xấu đi, và chính phủ Australia bác bỏ điều này. Trước và sau khi tiết lộ danh sách những bất mãn nói trên của Trung Quốc đối với chính phủ Australia, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng phía Australia “nên đối mặt thẳng thắn và nghiêm túc suy ngẫm về vấn đề này, thay vì đổ lỗi cho Trung Quốc”.

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Australia đã thu hút sự chú ý của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ((U.S.National Security Council), cơ quan này đã đăng trên Twitter một đường liên kết đến một bài báo trên tờ Sydney Morning Herald ngày 18/11 để bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các hành động của Australia. Hội đồng này bày tỏ: “Ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ Australia”.

Kể từ đó, Nhà Trắng đã sử dụng “14 điều bất bình” này để giành lấy sự ủng hộ từ các đồng minh. Quan chức cấp cao nói trên cho biết: "Chúng tôi sử dụng danh sách bất bình này như một danh sách tích cực về những gì các nước khác nên làm đối với các chính sách đối với Trung Quốc của họ".

Một số chuyên gia an ninh quốc gia của đảng Dân chủ từng tham gia xây dựng chính sách Trung Quốc của ông Biden cũng tin rằng động thái này là một thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.

Trong quá khứ, Bắc Kinh thỉnh thoảng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để trừng phạt các nước phương Tây, chẳng hạn như sau khi nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình năm 2010, Trung Quốc đã chấm dứt nhập khẩu cá hồi của Nauy.

Nhưng tác động của việc làm đó rất hạn chế và Bắc Kinh thường phủ nhận việc tham gia tẩy chay. Theo Rush Doshi, một học giả về Trung Quốc tại Viện Brookings, những hành động chống lại Australia nêu trên có tác động sâu rộng và công khai hơn. Ông nói: "Trung Quốc rõ ràng muốn ngầm cho các đồng minh của Mỹ biết ranh giới đỏ của họ ở đâu".

Liệu hành động chung có vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay không là một trong những vấn đề mà nhóm an ninh quốc gia của Trump cần giải quyết. Họ nói rằng việc nhờ đến WTO là không thực tế vì sẽ mất vài năm để giải quyết.

Stephen Kirchner, giám đốc các dự án thương mại và đầu tư tại United States Study Centre (Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ) thuộc Đại học Sydney, cho biết Mỹ và các đồng minh rất khó mua những hàng hóa ban đầu dự kiến ​​chuyển đến Trung Quốc.

Ông nói: "Tôi không cho rằng Mỹ và các đồng minh khác sẽ thực sự để chính phủ trực tiếp chỉ thị khu vực tư nhân mua hàng; do đó, chỉ có thể áp đặt thuế quan, điều này lại có thể phản tác dụng, vì thuế quan sẽ làm tăng chi phí của các đồng minh".

Các quan chức chính quyền Trump cho biết họ cũng đang tìm kiếm các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc.

Vào tháng 9 năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu quần áo sợi bông, linh kiện máy tính và các sản phẩm khác từ một số công ty Tân Cương bị cáo buộc dựa vào các lao động cưỡng bức và tù nhân.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã ký Hiệp định thương mại giai đoạn một, nhưng Mỹ vẫn áp thuế đối với 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mỗi năm (Ảnh: WSJ)

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã ký Hiệp định thương mại giai đoạn một, nhưng Mỹ vẫn áp thuế đối với 370 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mỗi năm (Ảnh: WSJ)

Tuy nhiên, một lệnh cấm rộng hơn đã bị chặn lai vì Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cảnh báo rằng điều đó có thể gây tổn hại đến lợi ích của các nhà sản xuất hàng may mặc Mỹ và các nhà nhập khẩu khác.

Các quan chức An ninh Quốc gia Mỹ một lần nữa đấu tranh cho một lệnh cấm rộng rãi hơn. Vào tháng 9 năm nay, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu với đa số áp đảo 406/3 thông qua đạo luật yêu cầu các nhà nhập khẩu cung cấp "bằng chứng rõ ràng và thuyết phục" chứng minh hàng hóa không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức. Thượng viện Mỹ cũng đang xem xét một dự luật tương tự.

Quan chức cấp cao nói trên của chính quyền ông Trump cho biết họ đang tìm kiếm một chính sách tương tự như các biện pháp này.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016 ông Trump cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc và cuối cùng đã phát động một cuộc chiến thương mại với mục đích giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các công ty Mỹ tại thị trường Trung Quốc.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được cái gọi là hiệp định thương mại giai đoạn một vào đầu năm 2020, nhưng Mỹ vẫn tiếp tục áp thuế đối với khoảng 370 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm.