Chuyên gia Mỹ về Trung Quốc: Hai tháng tới sẽ là thời kỳ nguy cơ cao trong quan hệ Mỹ - Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc bầu cử ở Mỹ vẫn chưa có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Mặc dù có vẻ ông Joe Biden sắp vào Nhà Trắng, nhưng ông Donald Trump đã tuyên bố sẽ đưa vấn đề phiếu bầu qua đường bưu điện ra trước tòa án.

Theo chuyên gia Ezra F. Vogel, hai tháng tới sẽ là thời kỳ nguy cơ cao trong quan hệ Mỹ - Trung nếu ông Trump thất cử (Ảnh: Dwnews).
Theo chuyên gia Ezra F. Vogel, hai tháng tới sẽ là thời kỳ nguy cơ cao trong quan hệ Mỹ - Trung nếu ông Trump thất cử (Ảnh: Dwnews).

Trước tình hình hỗn loạn chính trị hậu bầu cử, ông Ezra F. Vogel, một chuyên gia nghiên cứu lão luyện về quan hệ Trung - Mỹ cảnh báo, nếu ông Trump thất cử, không thể biết sẽ có những hành động gì và từ nay đến ngày 20/1 năm sau là giai đoạn nguy cơ cao đối với quan hệ Trung - Mỹ.

Theo Nhật báo Kinh tế Hồng Kông ngày 5/11, cuộc đấu bầu cử ở Mỹ luôn khó phân giải và các quan chức nước ngoài đang theo dõi sát sao sau khi ông Trump hay Biden vào Nhà Trắng, những thay đổi mới nào sẽ diễn ra trong quan hệ Trung-Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến độc quyền dành cho Tạp chí Viễn kiến của Đài Loan, chuyên gia Ezra F. Vogel nói rằng cả hai ứng cử viên tổng thống đều rất cứng rắn với Trung Quốc, nhưng sự khác biệt nằm ở sự hỗn loạn trong chính sách của họ.

Chuyên gia Ezra F. Vogel: Đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan sau cuộc bầu cử, bà Thái Anh Văn “phải rất cẩn thận với Trung Quốc đại lục” (Ảnh: en.apu.ac.jp).

Chuyên gia Ezra F. Vogel: Đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan sau cuộc bầu cử, bà Thái Anh Văn “phải rất cẩn thận với Trung Quốc đại lục” (Ảnh:

en.apu.ac.jp).

Chuyên gia Ezra F. Vogel: ông Trump "cứng rắn và hỗn loạn" đối với Trung Quốc

Ông mô tả, "Nếu Donald Trump đắc cử, ông ấy sẽ tiếp tục cứng rắn chống lại Trung Quốc, ‘vừa cứng rắn vừa hỗn loạn’; nhưng tin rằng nếu Joe Biden vào Nhà Trắng, ông ấy sẽ có trí tuệ để sửa chữa quan hệ Trung-Mỹ, sẽ ‘cứng rắn nhưng không hỗn loạn’, sẽ có tác dụng ổn định tình hình thế giới”.

Về xu hướng ngắn hạn của quan hệ Trung-Mỹ sau cuộc tổng tuyển cử, chuyên gia Ezra F. Vogel đặc biệt nhắc nhở rằng,do thành tích trước đó của Trump quá kém, nếu ông ấy thua cuộc trong bầu cử, sẽ không biết ông ấy sẽ hành động ra sao. Ông cũng nhấn mạnh rằng thế giới phải thận trọng trong khoảng thời gian từ ngày 3/11 đến ngày 20/1/2021. Đây sẽ là thời điểm rất nguy hiểm trong thời kỳ chuyển giao quyền lực của tổng thống Mỹ.

Đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan sau cuộc bầu cử, chuyên gia Ezra F. Vogel nhắc nhở bà Thái Anh Văn “phải rất cẩn thận với Trung Quốc đại lục”.

Ông nhấn mạnh rằng, mặc dù chính quyền Donald Trump thường xuyên thể hiện thiện chí đối với Đài Loan, nhưng sau cuộc bầu cử, bất kỳ ai trở thành tổng thống Mỹ cũng vẫn sẽ điều chỉnh lại quan hệ Mỹ - Đài Loan trên cơ sở lợi ích của đất nước mình, tức là lợi ích của Mỹ.

Ezra F. Vogel nhắc bà Thái Anh Văn, đừng chỉ lắng nghe tiếng nói của Mỹ

Chuyên gia Ezra F. Vogel nhấn mạnh, bà Thái Anh Văn không chỉ nên lắng nghe tiếng nói đơn phương của Mỹ mà phải đồng thời lắng nghe tất cả các thông tin do đại lục đưa ra đồng thời diễn giải kỹ lưỡng các hàm ý và dẫn dắt Đài Loan đi theo hướng đúng.

Quan hệ Mỹ - Đài Loan trong thời gian qua ngày càng gắn bó, Ảnh: bà Thái Anh Văn và Giám đốc Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT). (Ảnh: CNA).

Quan hệ Mỹ - Đài Loan trong thời gian qua ngày càng gắn bó, Ảnh: bà Thái Anh Văn và Giám đốc Hiệp hội Mỹ tại Đài Loan (AIT). (Ảnh: CNA).

Ezra F. Vogel cũng so sánh vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với vấn đề Đài Loan. Ông nghiên cứu và phán đoán, các nhà lãnh đạo Trung Quốc mặc dù lo ngại về vấn đề quần đảo Điếu Ngư nhưng họ lại có thái độ mềm dẻo hơn và có xu hướng giao nó cho “thế hệ sau và các thế hệ sau” giải quyết, trong vòng 50 năm nữa sẽ không ngã ngũ.

Tuy nhiên, đối với chủ quyền của Đài Loan, lập trường của các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn kiên định và ông không thấy sự kiên nhẫn. Đó không phải là logic trì hoãn cho "thế hệ sau, thế hệ sau nữa". Vì vậy, Đài Loan cần phải phản ứng một cách thận trọng.

Ông Ezra F. Vogel, 90 tuổi, là một chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc ở phương Tây, Giáo sư danh dự về Khoa học Xã hội tại viện Henry Ford II Đại học Harvard và từng là Giám đốc Trung tâm Fairbank về nghiên cứu Đông Á. Ông đã xuất bản cuốn sách "Thời đại Đặng Tiểu Bình". Ezra F. Vogel cũng từng là quan chức tình báo quốc gia trong chính quyền Clinton, chịu trách nhiệm về các vấn đề Đông Á.

Ông Ezra F. Vogel cũng bày tỏ quan ngại của mình về vấn đề eo biển Đài Loan khi được phóng viên Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc phỏng vấn trực tuyến. Ông nói: "Thật không may, hiện có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Mỹ ... Xung đột do vấn đề Đài Loan gây nên có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh lớn dẫn tới những đòn thảm họa cho toàn nhân loại. Để tránh một mối nguy hiểm lớn như vậy, chúng ta cần phải tăng cường sự hiểu biết giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc”.

Những người ủng hộ Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Dwnews).

Những người ủng hộ Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: Dwnews).

Mỹ bất ngờ loại Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan khỏi danh sách tổ chức khủng bố

Trong khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn đang bế tắc, chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 5/11 bất ngờ tuyên bố không còn coi "Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan" là tổ chức khủng bố nữa.

Theo trang tin Đa Chiều (Dwnews) ngày 6/11, thông báo do Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra trong Federal Register (Thông cáo Liên bang) ngày 5/11 đã đưa ra quyết định trên.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu trong thông báo rằng căn cứ điều khoản 212 (a) (B) (II) "Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch" (INA) sửa đổi, nay hủy bỏ việc coi Eastern Turkistan Islamic Movement (Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan) là "tổ chức khủng bố" .

Trước đó, cố vấn chính sách và kế hoạch về Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo, ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 2/11 rằng chính phủ Mỹ sẽ “rất nhanh chóng” quyết định chính thức xem có nên mô tả chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là "diệt chủng" hay không.

Ngoài ra, Dư Mậu Xuân cũng đề cập rằng mặc dù tách rời Trung-Mỹ chưa bao giờ là một chính sách được tuyên bố của Mỹ, "nhưng việc tách rời đang diễn ra".

Thông tin công khai của Trung Quốc cho biết, "Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan" (gọi tắt là Đông Đột trong tiếng Trung Quốc), còn được gọi là "Đảng Islam Hezbollah Đông Turkistan" hay "Đảng Islam Đông Turkistan", là một tổ chức khủng bố được thành lập ở Bắc Waziristan, Pakistan vào năm 1993. Hiện nay, mục tiêu của họ là thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập với sự thống nhất về tôn giáo và chính trị trên toàn lãnh thổ Turkistan (bao gồm cả Tân Cương của Trung Quốc và các nước Trung Á). Vào tháng 9 năm 2002, nó bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn kết tội Phong trào Hồi giáo Đông Tukistan đã tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Tân Cương, Bắc Kinh , Côn Minh. Trong ảnh: vụ đánh bom ở Urumqi ngày 22/5/2014 làm 39 người bị chết, 94 người bị thương (Ảnh: Tân Hoa xã)

Nhiều năm qua, Trung Quốc luôn kết tội Phong trào Hồi giáo Đông Tukistan đã tiến hành nhiều vụ khủng bố ở Tân Cương, Bắc Kinh , Côn Minh. Trong ảnh: vụ đánh bom ở Urumqi ngày 22/5/2014 làm 39 người bị chết, 94 người bị thương (Ảnh: Tân Hoa xã)

Ngày 15/12/2003, Bộ Công an Trung Quốc công bố đợt đầu tiên danh sách các tổ chức khủng bố "Đông Turkistan", trong đó có "Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan", cùng với “Tổ chức Giải phóng Đông Turkistan”, “Đại hội Thanh niên Uyghur Thế giới” và “Trung tâm Thông tin Tin tức Đông Turkistan”.

Mỹ cũng đã coi "Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan" là một tổ chức khủng bố sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Năm 2017, đến lượt chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông báo đưa tổ chức này vào danh sách tổ chức khủng bố.

Đây là một động thái mới của chính quyền Donald Trump đối với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương. Các nhà quan sát cho rằng tới đây, ông Trump có thể sẽ có những hành động quyết liệt hơn với Trung Quốc.