Ông Biden sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn gần đây của Washington đối với Trung Quốc, nhưng sẽ dựa nhiều hơn vào sức ép từ các đồng minh của Mỹ, các lệnh trừng phạt và các công cụ khác để tác động tới Bắc Kinh.
The Wall Street Journal ngày 11/11 đăng bài phân tích cho biết, ông Biden đã tuyên bố sẽ gia tăng sức ép đối với vấn đề nhân quyền, gác lại hiệp nghị thương mại "giai đoạn một" mà đương kim Tổng thống Donald Trump đã ký và sẽ tìm cách sử dụng ảnh hưởng của các đối tác của Mỹ (có thể bao gồm cả Đài Loan) để hạn chế các hành động của Bắc Kinh ở châu Á và sự ủng hộ của nhà nước đối với các ngành công nghệ cao.
Ông Daniel Russel, một nhà ngoại giao từng phụ trách các vấn đề châu Á trong chính quyền Obama - Biden trước đây và hiện đang làm việc tại tổ chức tư vấn Asia Society Policy Institute (Viện Chính sách Xã hội Châu Á), cho biết: “Joe Biden và các đồng sự của ông ấy đang thảo luận về hai điều. Thứ nhất là thể hiện thái độ tốt đẹp với các đồng minh, đối tác và các quốc gia có cùng chí hướng. Thứ hai là đảm bảo rằng các chính sách và chiến lược của chúng ta bắt nguồn từ các giá trị chung, bao gồm nhân quyền, các nguyên tắc dân chủ và nền kinh tế thị trường”.
Cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel: hai nước Mỹ - Trung sẽ phải thảo luận lại không chỉ vấn đề thương mại mà cả các vấn đề khác (Ảnh: AS). |
Ông Trump đã hợp tác đơn phương và trực tiếp với nhà lãnh đạo Trung Quốc và các quan chức cấp cao của Trung Quốc để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại lớn đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Các nhà phân tích cho rằng, cách làm của ông Biden cũng sẽ không kém phần cứng rắn, nhưng sẽ có các bên khác tham gia và nó có thể dễ đoán hơn.
Chris Krueger, một nhà phân tích của Cowen & Co. tại Washington cho rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ tiếp tục xấu đi. Tuy nhiên, ông nói rằng sự thay đổi này sẽ trở nên tuyến tính hơn sau khi ông Biden nhậm chức.
Ông Ngô Tâm Bá (Wu Xinbo), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phục Đán, Trung Quốc nói, từ quan điểm chiến thuật, hợp tác với Joe Biden sẽ dễ dàng hơn, nhưng từ quan điểm chiến lược, thì không có sự khác biệt lớn.
Ông Trump đều đã sử dụng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong cả hai chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 và 2020. Tuy nhiên, ông đã ra sức thể hiện tình bạn cá nhân của mình với ông Tập Cận Bình trong hầu hết thời gian cầm quyền của mình; hy vọng rằng thông qua mối quan hệ này và việc đánh thuế rộng đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, ông sẽ giải quyết được những vấn đề Mỹ nói là các hoạt động công nghiệp không công bằng của Trung Quốc khiến công nhân Mỹ chịu ảnh hưởng xấu.
Ông Joe Biden sẽ chống Trung Quốc theo một cách khác với ông Donald Trump (Ảnh: BBC). |
Vào tháng 1 năm nay, ông Trump đã tuyên bố một thỏa thuận "giai đoạn Một" có giới hạn, chứ không phải là một thỏa thuận lớn. Hiệp nghị này bao gồm một số tiến triển về quyền sở hữu trí tuệ, cũng như thỏa thuận giảm một số thuế quan bằng cách Trung Quốc mua các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng của Mỹ để đổi lấy hai bên cùng giảm một bộ phận thuế quan. Hai bên vẫn chưa đạt được tiến triển cho kế hoạch "giai đoạn hai", thì ông Trump bắt đầu cáo buộc Trung Quốc không kiềm chế được dịch bệnh COVID-19.
Đồng thời, tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực ngoại giao và khoa học công nghệ ngày càng lớn. Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Mỹ đang tìm cách hạn chế người khổng lồ Huawei Technologies Co. về thiết bị truyền thông và các công ty Mỹ khác.
Các biện pháp này tuân theo Chiến lược Quốc phòng của Mỹ năm 2018, trong đó đặt ra một đường lối cứng rắn hơn và coi Nga và Trung Quốc là những đối thủ chính của Mỹ.
Học giả Ngô Tâm Bá ở Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nói rằng các chính sách của ông Trump đã gióng lên "hồi chuông cảnh tỉnh" cho giới lãnh đạo Trung Quốc và mong ước trở lại mối quan hệ dưới thời chính quyền Obama là không thể.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra bình luận gì về ông Biden thắng cử. Các phương tiện truyền thông chính thức đưa tin về ông Biden tuyên bố chiến thắng và ông Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử.
Chính phủ và truyền thông Trung Quốc hiện rất thận trọng trước kết quả cuộc bầu cử ở Mỹ. Trong ảnh, ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden tại Bắc Kinh khi ông thăm Trung Quốc tháng 9 năm 2015 (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Hôm thứ Hai (9/11), tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dự đoán rằng về trong vấn đề nhân quyền, không loại trừ việc chính quyền đảng Dân chủ sẽ có hoạt động gay gắt hơn; tóm lại, áp lực của Mỹ đối với phương hướng chính của quan hệ Mỹ-Trung sẽ không giảm bớt. Thời báo Hoàn cầu chỉ ra rằng một số vấn đề nguồn gốc gây ra căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây, đặc biệt là việc ông Trump “giá họa” cho Trung Quốc vì thất bại của Mỹ trong việc chống lại dịch bệnh COVID-19, có thể được giải quyết thông qua đối thoại và mục đích của đối thoại là để Trung Quốc và Mỹ chuyển từ đối đầu khốc liệt về đại dịch COVID-19 sang triển khai sự hợp tác thực tế.
Có hai cơ hội như vậy. Ông Trump đã hành động để rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thứ Tư tuần trước (4/11), Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Cùng ngày, ông Biden bày tỏ trên Twitter: "Sau 77 ngày, chính phủ Joe Biden sẽ tham gia trở lại”.
Về mặt kinh tế, câu trả lời về việc Trung Quốc có thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại "giai đoạn Một" hay không sẽ trở nên rõ ràng khi ông Biden nhậm chức vào tháng Một năm sau. Liên quan đến các mặt hàng thuộc giai đoạn đầu của hiệp định thương mại, trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã mua lượng hàng hóa Mỹ trị giá 58,8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 108 tỷ USD mục tiêu của cả năm 2020.
Ông Daniel Russel nói: "Bất kể như thế nào, Washington và Bắc Kinh đều phải bắt đầu thảo luận lại các vấn đề thương mại, và không chỉ là vấn đề thương mại”.
Quan hệ Mỹ - Trung sẽ đi về đâu nếu ông Joe Biden lên nắm quyền vẫn còn là dấu hỏi lớn (Ảnh: Reuters). |
Đội ngũ vận động tranh cử của ông Biden tuyên bố, sau khi Joe Biden nhậm chức, ông sẽ đánh giá lại các mức thuế nhập khẩu hiện vẫn còn hiệu lực đối với hàng hóa Trung Quốc. Phó Tổng thống sơ cử Kamala Harris (tên tiếng Trung Quốc là He Jinli – Hà Cẩm Lệ) hồi tháng 10 năm nay đã chỉ trích "cái gọi là chiến tranh thương mại với Trung Quốc" của ông Trump vì đã bóp nghẹt cơ hội việc làm của ngành sản xuất Mỹ liên quan đến nhập khẩu.
Khác với thỏa thuận với Trung Quốc của ôngTrump, chính quyền Biden đã ám chỉ rằng họ sẽ tìm cách gây áp lực với Bắc Kinh để đạt được một thỏa thuận đa phương về các vấn đề cốt lõi.
Các trợ lý của ông Biden đã thờ ơ với ý tưởng đảo ngược việc ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia, hiệp định này gạt Trung Quốc ra ngoài. Nhưng Mỹ có thể tìm kiếm các thỏa thuận thương mại và chiến lược khác để gây áp lực với Bắc Kinh.
Ví dụ, dưới sự lãnh đạo của ông Trump, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ yêu cầu các quốc gia thực hiện cam kết Clean Network (mạng sạch) để hạn chế vai trò của các công ty viễn thông do Trung Quốc hoặc các nước khác chủ đạo trong mạng di động thế hệ thứ năm.
Các nước phương Tây khác và các đối tác trong khu vực cũng có thể nhận được sự quan tâm trở lại. Cho đến nay, chính quyền Donald Trump vẫn cảnh giác trước những lời kêu gọi của Đài Loan về đàm phán một hiệp định thương mại toàn diện. Ở một mức độ nhất định, Mỹ lo ngại rằng các cuộc đàm phán như vậy có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" đã đạt được với Trung Quốc.
Trợ lý chính sách đối ngoại của Joe Biden, ông Antony Blinken gần đây đã viết tweet: “Tăng cường quan hệ kinh tế với Đài Loan cũng ủng hộ các giá trị chung của chúng ta và cam kết chung của chúng ta đối với hòa bình và ổn định khu vực”. Về mặt quan hệ Trung-Mỹ, không gì khiến chính phủ Trung Quốc nổi giận hơn việc Mỹ ủng hộ Đài Loan, và hành động của Biden trên hòn đảo này sẽ có tác động lớn đến quan hệ Mỹ - Trung.
Về vấn đề nhân quyền, các nhà ngoại giao dự đoán ông Biden có cách tiếp cận trực tiếp hơn.
Ông Chris Krueger cho rằng ông Joe Biden sẽ dựa nhiều hơn vào đạo luật Global Magnitsky Act để đối phó với Trung Quốc (Ảnh: Cowen). |
Ông Chris Krueger nói rằng một trong những công cụ ông Biden sử dụng sẽ là Global Magnitsky Act (Đạo luật Magnitsky Toàn cầu), một đạo luật trừng phạt rộng rãi, được đặt theo tên một luật sư đã chết trong nhà tù ở Nga. Chính quyền Donald Trump từng sử dụng luật này, nhưng nếu ông Biden muốn trừng phạt Trung Quốc và các nơi khác, ông có thể dựa nhiều hơn vào Global Magnitsky.
Trước khi ông Biden nhậm chức, chính quyền Donald Trump vẫn có quyền hạn chính sách đối ngoại rộng rãi trong 11 tuần tới, ngay cả khi hành động của Quốc hội có thể chậm lại.
Ông Evan Medeiros, một chuyên gia về Trung Quốc trong chính quyền ông Obama trước đây và hiện đang giữ chức tại Đại học Georgetown, nói: “Với việc chính quyền Trump sắp từ chức, đây có thể là một cách để củng cố các chính sách liên quan đến Trung Quốc của họ”. Ông nói: “Họ có thể sẽ hành động để cố gắng trói buộc tay chân của chính phủ tiếp theo”.
Các hành động có thể xảy ra của đội ngũ ông Trump vào phút cuối có thể có nghĩa là ông Biden cần đưa ra các quyết định chính sách quan trọng hơn về Trung Quốc. Các quan chức chính quyền Donald Trump đã cân nhắc việc cấm các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Mỹ và cấm một ngân hàng lớn của Trung Quốc sử dụng hệ thống ngân hàng của Mỹ.