Bằng đạo luật "lịch sử", Mỹ quyết cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực chip bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng thống Mỹ Biden đã ký ban hành Luật Khoa học và Chip, phân bổ hàng chục tỉ USD cho sản xuất và nghiên cứu khoa học chất bán dẫn trong nước, được cho là thúc đẩy khả năng cạnh tranh với Trung Quốc.
Tổng thóng Mỹ Joe Biden ký duyệt đạo luật được cho là mang tính lịch sử (Ảnh: Getty)
Tổng thóng Mỹ Joe Biden ký duyệt đạo luật được cho là mang tính lịch sử (Ảnh: Getty)

"Mỹ cần phải dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất những con chip tiên tiến then chốt này. Đó là điều mà ‘CHIPS and Science Act’ này sẽ thực hiện", ông Biden phát biểu tại lễ ký hôm Thứ Ba (9/8).

Ông Biden gọi dự luật được cả lưỡng đảng ủng hộ này là "khoản đầu tư chỉ có một lần trong cả thế hệ" ở Mỹ và nói nó sẽ tạo ra nhiều việc làm tốt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Biden cho rằng việc rót vốn từ Đạo luật Chip sẽ giúp Hoa Kỳ "chiến thắng trong cuộc đua kinh tế trong thế kỷ 21".

Ông Biden đề cập đến sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc trong ngành chip và nói: “Không có gì là lạ khi Trung Quốc đã tích cực vận động cộng đồng công thương Mỹ phản đối dự luật này.”

Nhà Trắng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng dự luật này là rất quan trọng để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và đảm bảo để Hoa Kỳ luôn dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh. Họ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dự luật đối với an ninh quốc gia đối với các nhà lập pháp trong một số cuộc họp.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer gọi dự luật là "khoản đầu tư lớn nhất vào khoa học sản xuất và đổi mới trong nhiều thập kỷ" và cảm ơn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Todd Young vì sự hợp tác của ông trong việc đề ra đạo luật liên quan đến chất bán dẫn trong hơn ba năm. Dự luật này ban đầu được gọi là “Endless Frontier Act” (Đạo luật Biên giới Vô tận).

Ông Biden: "Đạo luật Chip sẽ giúp Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc đua kinh tế trong thế kỷ 21" (Ảnh: UPI).

Ông Biden: "Đạo luật Chip sẽ giúp Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc đua kinh tế trong thế kỷ 21" (Ảnh: UPI).

Dự luật được đề xuất đã trải qua nhiều phiên bản khác nhau, cuối cùng trở thành “CHIPS and Science Act” (Đạo luật Khoa học và Chip) trị giá 280 tỉ USD, được cả lưỡng viện của Quốc hội thông qua vào tháng 7. Số phiếu tại Hạ viện là 243 phiếu tán thành/187 phiếu chống, và tại Thượng viện là 64/33.

Năm ngoái, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đã ảnh hưởng đến nguồn cung ô tô, thiết bị gia dụng và các sản phẩm khác, khiến lạm phát toàn cầu gia tăng và làm giảm tỉ lệ ủng hộ ông Biden trong các cử tri Hoa Kỳ.

Dự luật này nhằm tăng cường sản xuất công nghệ cao ở Hoa Kỳ, giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở nước ngoài đối với các sản phẩm chủ lực và cạnh tranh tốt hơn với Trung Quốc. Tờ Washington Post bình luận về điều này, nói rằng việc ông Biden ký luật chip "mở ra một kỷ nguyên mới của chính sách công nghiệp".

Mỹ quyết bắt kịp cuộc đua về chip

Theo tin của ReutersWashington Post ngày 9/8, Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố cho biết dự luật trị giá 280 tỉ USD này sẽ dành 52,7 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn của Mỹ, sản xuất và phát triển lực lượng lao động. Trong đó, 39 tỉ USD sẽ dành cho các ưu đãi sản xuất chất bán dẫn và 2 tỉ USD cho chip truyền thống được sử dụng trong ô tô và hệ thống phòng thủ. Ngoài ra, các công ty xây dựng nhà máy sản xuất chip tại Hoa Kỳ sẽ được giảm 25% thuế.

Những người ủng hộ dự luật nói rằng nó sẽ cho phép nước Mỹ bắt kịp cuộc đua sản xuất chất bán dẫn toàn cầu. Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc hiện đang thống trị ngành sản xuất chất bán dẫn trên thế giới.

Sau khi dự luật được thông qua, Nhà Trắng đề cập việc Micron, một nhà sản xuất chip lớn của Mỹ, sẽ công bố kế hoạch 40 tỉ USD để tăng sản lượng chip trong nước, trong khi Qualcomm và Global Foundries sẽ công bố kế hoạch 4,2 tỉ USD mở rộng nhà máy sản xuất chip ở New York.

Tờ Washington Post cho rằng việc ông Biden kí Luật Chip đã mở ra kỉ nguyên mới cho Chính sách công nghiệp của Mỹ.

Tờ Washington Post cho rằng việc ông Biden kí Luật Chip đã mở ra kỉ nguyên mới cho Chính sách công nghiệp của Mỹ.

Theo một báo cáo của Semiconductor Industry Association (Hiệp hội chất bán dẫn Hoa Kỳ) về tình trạng của ngành công nghiệp bán dẫn, tỷ trọng năng lực sản xuất chất bán dẫn toàn cầu của Mỹ đã giảm từ 37% vào năm 1990 xuống chỉ còn 12% hiện nay, chủ yếu do các chính phủ khác cung cấp hỗ trợ khuyến khích sản xuất và đầu tư nghiên cứu để tăng cường năng lực sản xuất chip.

Báo cáo cho biết Trung Quốc hiện chiếm 24% sản lượng chất bán dẫn toàn cầu, tiếp theo là Đài Loan với 21%, Hàn Quốc chiếm 19% và Nhật Bản là 13%.

Luật chip cũng bao gồm dành 4,2 tỉ USD để tài trợ cho Sáng kiến ​​Hành động Quốc phòng và thị trường băng thông rộng của Mỹ, bao gồm các nỗ lực cụ thể nhằm thúc đẩy sản xuất thiết bị 5G phi “Made in China”.

Nhìn chung, dự luật đưa ra một chiến lược để Washington tận dụng các đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, và đồng thời loại bỏ sự phụ thuộc chính trị vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu khi Mỹ nỗ lực thống trị về công nghệ và kinh tế, giành quyền tự chủ trong lĩnh vực sản xuất.

Chiến lược này khiến Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc. Trung Quốc cũng nuôi giấc mơ trở thành nước đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Năm 2015, Bắc Kinh ra mắt chương trình "Made in China 2025", nhằm tăng năng lực sản xuất chip từ dưới 10% nhu cầu toàn cầu vào thời điểm đó lên 40% vào năm 2020 và 70% vào năm 2025.

Tờ Washington Post dẫn lời Dani Rodrik, Giáo sư kinh tế chính trị quốc tế, Đại học Harvard, hôm 9/8 nói rằng luật này có tính lịch sử, "nó cho thấy rằng chúng ta đã vượt xa chủ nghĩa cơ bản thị trường, vì nó cho thấy rằng hiện nay có sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với chính sách công nghiệp."

Kennedy, một chuyên gia về cạnh tranh Mỹ-Trung tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói: “Việc thông qua Đạo luật chip và khoa học là một bước ngoặt trong chính sách kinh tế của Hoa Kỳ. Có cảm giác ... như thể một kỷ nguyên mới đang bắt đầu, nơi sự hỗ trợ của chính phủ để tăng cường năng lực cạnh tranh công nghiệp cho doanh nghiệp, an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và các lý do môi trường sẽ được coi là cần thiết và bình thường hơn so với trước đây."

Luật Khoa học và Chip của Mỹ sẽ bắt đầu thời kì cạnh tranh mới về công nghệ Mỹ - Trung (Ảnh: Nikkei).

Luật Khoa học và Chip của Mỹ sẽ bắt đầu thời kì cạnh tranh mới về công nghệ Mỹ - Trung (Ảnh: Nikkei).

Nhân tố Đài Loan

Đài Loan là nhà sản xuất chủ yếu các chip công nghệ cao tiên tiến nhất thế giới. Bắc Kinh coi hòn đảo tự trị Đài Loan là một tỉnh cần được thống nhất. Đài Loan là trung tâm của cuộc đua bán dẫn, trở thành chiến trường mới nhất trong cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đài Loan, chiếm tới 92% sản lượng chip bán dẫn 10 nanomet nhỏ nhất thế giới, trên thực tế hình thành một cách hiệu quả điều một số nhà quan sát mô tả là một "lá chắn silicon", đảm bảo rằng Mỹ hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị Trung Quốc tấn công và có tác dụng răn đe Trung Quốc.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đến Đài Loan trong tháng này đã khiến Bắc Kinh tức giận. Trong chuyến thăm Đài Loan, bà Pelosi đã gặp ông Lưu Đức Âm (Mark Liu), chủ tịch của Tập đoàn TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co.), nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Khi Hạ viện bỏ phiếu về luật chip, bà Pelosi đã thu hút được gần như tất cả các đảng viên Dân chủ bỏ phiếu, chỉ để mất một phiếu. Bà nói trong phát biểu hôm thứ Ba (9/8): "Thưa Tổng thống, với chữ ký của ngài, Hoa Kỳ đã tuyên bố nền kinh tế độc lập của chúng ta. Chúng ta tăng cường an ninh quốc gia, chúng ta cũng tăng cường tương lai tài chính của gia đình mình."

Sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, Trung Quốc đã cắt đứt các kênh liên lạc quan trọng với Mỹ và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật, phóng tên lửa đạn đạo Dongfeng vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Đông, Nam và Bắc của Đài Loan.

Tuy hầu hết các chuyên gia không tin rằng một cuộc chiến tranh giành Đài Loan sẽ sớm nổ ra, nhưng nhiều người lo ngại rằng nếu xung đột xảy ra, việc sản xuất chất bán dẫn sẽ bị gián đoạn, gây ra hậu quả có tính thảm họa cho ngành sản xuất toàn cầu.