“Át chủ bài” trị Triều Tiên của Trung Quốc

Viettimes - Trung Quốc đang sở hữu con át chủ bài có thể gây sức ép mạnh mẽ với Triều Tiên. Đó không phải là lệnh chế tài, mà là một chiêu bài hoàn toàn khác. 
Quân đội Hàn Quốc tăng cường tuần tra ở khu vực giới tuyến. Ảnh: AP
Quân đội Hàn Quốc tăng cường tuần tra ở khu vực giới tuyến. Ảnh: AP

Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì Triều Tiên đã tiến hành thử hạt nhân. Sở dĩ như vậy vì Trung Quốc đang sở hữu con át chủ bài có thể gây sức ép mạnh mẽ cho Triều Tiên nhưng lại không tích cực tham gia, khiến hiệu quả của việc chế tài Triều Tiên không đạt được như mong muốn. Mới đây, có nhà phân tích chỉ ra rằng, thực tế cho thấy, Triều Tiên sợ nhất một chiêu bài của Trung Quốc. 

Con át chủ bài của Trung Quốc

Ngày 12/1, Tờ Nhật báo trung ương (JoongAng Ilbo) của Hàn Quốc đưa tin, trên thực tế, có đúng là Trung Quốc đang sở hữu quân át chủ bài có thể gây sức ép mạnh mẽ cho Triều tiên hay không? Con át chủ bài được nhắc đến nhiều nhất là Trung Quốc cắt đứt nguồn dầu mỏ cung cấp cho Triều Tiên, tuy nhiên hiệu quả không mạnh như kỳ vọng.

Người phụ trách Bộ kinh tế đối ngoại của Triều Tiên cho biết: “Thời gian vừa qua, trong bối cảnh không nhận được tiền mặt, Trung Quốc không cung cấp dầu thô cho Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã dần dần thích nghi với hoàn cảnh nguồn cung dầu thô bị cắt đứt”.

 Hiện tại, trên 90% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Triều Tiên phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới, tuy nhiên từ năm 1974, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên. Năm 1972, Trung Quốc mời tổng thống Mỹ Richard Nixon sang thăm, Triều Tiên rất không hài lòng vì điều này, hành động xuất khẩu dầu mỏ là động thái Trung Quốc “an ủi” anh bạn láng giềng Triều Tiên.

Trung Quốc còn e dè trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên sau vụ nước này thử bom H - Ảnh minh họa: Reuters

Năm 1974, hai nước Trung – Triều ký kết Hiệp định cung cấp dầu thô Trung Quốc – Triều Tiên, đến năm 1992 – khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, mỗi năm, Trung Quốc cung cấp cho Triều Diên khoảng 1 triệu tấn dầu mỏ với giá thấp hơn 50% giá dầu thô của thế giới. Liên Xô xuất khẩu dầu sang Triều Tiên với giá 11 USD/thùng, nhưng mức giá dầu thô mà Trung Quốc bán cho Triều Tiên chỉ có 4,3 USD/thùng.

Phương thức thanh toán là hàng đổi hàng, Triều Tiên cung cấp cho Trung Quốc than không khói và xi măng để đổi lấy dầu thô. Thập kỷ 80, 90 thế kỷ XX, khi kim ngạch xuất khẩu than không khói và xi măng không bù được khoản nợ kim ngạch dầu thô, Trung Quốc đã nhiều lần ngừng cung cấp dầu thô cho Triều Tiên. Thế kỷ XXI, khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Trung Quốc cũng đã từng cắt giảm hoặc ngừng xuất khẩu dầu thô sang quốc gia này.

Không cần chế tài, Bắc Kinh vẫn có thể dằn mặt Bình Nhưỡng

Tháng 1/1992, hai nước Trung Quốc và Triều Tiên ký kết Hiệp định thương mại Trung – Triều mới, từ đó Triều Tiên phải đối mặt với khó khăn mới. Trung Quốc yêu cầu thay đổi hình thức thanh toán từ hàng đổi hàng sang thanh toán bằng tiền mặt, đồng thời giá dầu được tham khảo theo giá dầu thô quốc tế. Lúc đầu Triều Tiên từ chối ký kết hiệp định, nhưng đã ký với Nga hiệp định theo hình thức thanh toán đó, gắng gượng chịu đựng một thời gian, cuối cùng đành phải chấp nhận ký hiệp định với Trung Quốc.

Người phụ trách Bộ kinh tế đối ngoại Triều Tiên cho biết: “Sau khi hiệp định mới được ký kết, giá nhập khẩu dầu thô tăng gấp đôi ngày trước, Triều Tiên đành phải cắt giảm lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Quốc xuống còn một nửa”. Năm 2015, Triều Tiên nhập khẩu khoảng 500.000 tấn dầu thô từ Trung Quốc.

Bài báo còn cho biết, số dầu thô Trung Quốc tặng không để “an ủi Triều Tiên” cũng chiếm không nhiều. Năm 1994, khi cựu chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành qua đời, Trung Quốc đã cung cấp 1,45 triệu tấn dầu thô cho Triều Tiên, trong đó 50% là viện trợ không hoàn lại, số còn lại được tính mức giá bằng 50% giá dầu quốc tế. Ngoài ra, trước khi cựu chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và một số nhà lãnh đạo sang thăm Triều Tiên, cũng viện trợ không hoàn lại 20.000 tấn dầu thô cho quốc gia này.

Tuy nhiên, từ năm 2000 trở lại đây, khoản viện trợ không hoàn lại này không xuất hiện nhiều. Người phụ trách Bộ kinh tế đối ngoại Triều Tiên cho biết: “Nếu Trung Quốc cắt đứt nguồn cung dầu mỏ, Triều Tiên sẽ công bố lệnh sử dụng tiết kiệm dầu thô, cả nước bước vào trạng thái “thắt lưng buộc bụng”.

Máy bay B-52 của Mỹ bay trên bán đảo Triều Tiên

Còn có người kiến nghị Trung Quốc coi hoạt động chế tài trong lĩnh vực tiền tệ là con át chủ bài để Bắc Kinh “trị” Bình Nhưỡng. Năm 2014, sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba, các ngân hàng lớn của Trung Quốc như Ngân hàng công thương, Ngân hàng xây dựng đã cắt đứt quan hệ thương mại với Triều Tiên. Lúc đó, chỉ có Ngân hàng Trung Quốc mới có thể giao dịch với các doanh nghiệp Triều Tiên không bị liệt vào danh sách đối tượng bị chế tài.

Do đó, hầu hết các doanh nhân hai nước đều sử dụng đồng NDT hoặc USD giao dịch bằng tiền mặt. Tổng giám đốc công ty thương mại Đông Hân Lý Hữu Thuận ở thành phố Đan Đông cho biết: “Sau khi Trung Quốc chế tài về tiền tệ với Triều Tiên, lúc đầu giao dịch có phần bất tiện, nhưng hiện tại đã quen dần”.

Do đó, kể cả Trung Quốc tuân thủ yêu cầu của cộng đồng quốc tế, cắt đứt nguồn cung dầu mỏ và chế tài tiền tệ đối với Triều Tiên, hiệu quả có thể cũng chỉ mang tính tạm thời hoặc không đem lại kết quả gì lớn. Tổng giám đốc Lý Hữu Thuận cho biết: “Khác với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc chủ trương thông qua đối thoại giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, có thể họ sẽ chế tài mang tính tượng trưng theo yêu cầu của Mỹ và các quốc gia khác, nhưng chắc chắn sẽ không đạt được đến mức như cộng đồng quốc tế mong đợi”.

Cuối cùng, bài viết chỉ ra rằng, vậy con át chủ bài đích thực trong tay Trung Quốc là gì? Đó là phong tỏa biên giới quốc gia, nghiêm cấm tàu thuyền Triều Tiên đi vào các bến cảng trên lãnh thổ Trung Quốc. Nếu Trung Quốc nghiêm cấm du lịch, thương mại và trao đổi nguồn nhân lực, Triều Tiên sẽ ngày càng khó khăn hơn. Tổng giám đốc công ty thương mại ở thành phố Đan Đông cho biết: “Chỉ cần nghiêm cấm tàu thuyền Triều Tiên vào cảng Đại Liên, hiệu quả sẽ rõ ngay lập tức, sau đó tiếp tục phong tỏa cảng Đan Đông và Ái Huy, là có thể chế tài một cách hiệu quả”.

Tuy nhiên gần như Trung Quốc không thể đưa ra lựa chọn này. Giáo sư Kim Cảnh Nhất – Trường đại học Bắc Kinh nhấn mạnh: “Sau khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã từng có ý định chuyển mối quan hệ đặc biệt “đảng với đảng” thành mối quan hệ “quốc gia với quốc gia”, nhưng quán tính đã hình thành mấy chục năm không dễ dàng thay đổi”.

Ngày 11/1, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi trả lời phỏng vấn báo chí trong cuộc họp báo định kỳ nhấn mạnh: Về vấn đề Mỹ đưa máy bay B-52 vào bán đảo Triều Tiên, duy trì nền hòa bình và sự ổn định của khu vực Đông Bắc Á phù hợp với lợi ích của các bên. Trung Quốc mong muốn các bên có liên quan bình tĩnh, hành xử thận trọng, tránh để cục diện leo thang. Có nhà phân tích chỉ ra rằng, Trung Quốc có con át chủ bài có thể kiểm soát Triều Tiên, đến thời điểm then chốt, Trung Quốc sẽ nắm bắt tình hình để giơ thẻ nếu cần. 

Còn án phạt nào cho Triều Tiên?

Theo trang Nhật báo Tân Á của Hàn Quốc, hiện tại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc có hai hình thức thương mại chủ yếu, một là giao dịch thương mại thông thường, phù hợp với nguyên tắc xuất nhập khẩu, hai là hình thức buôn lậu trái phép. Hiện tại, Trung Quốc đang nghiên cứu biện phát quản lý ngặt nghèo đối với hình thức thứ hai.

Nguồn tin tiết lộ từ phía Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc sẽ truy quét hoạt động buôn lậu trái phép của Triều Tiên. Đối với quốc gia Đông Bắc Á, đây là kênh giao thương quan trọng để có nguồn thu ngoại tệ, chắc chắn đây sẽ là một cú đáp trả nặng nề.

Nguồn tin còn nhấn mạnh, hiện tại Trung Quốc đang nghiên cứu biện pháp chế tài tiền tệ đối với ngân hàng Yalu River bank và Tumen River bank – đây vốn là hai kênh quan trọng để Triều Tiên tiến hành các hoạt động thương mại đối ngoại. Ngoài ra, Trung Quốc còn nghiên cứu phương án cắt giảm số lao động Triều Tiên trong lãnh thổ Trung Quốc, đóng cửa một số nhà hàng của Triều Tiên tại quốc gia này.

Tóm lại, cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên đã khiến 3 tỉnh Đông Bắc của Trung Quốc bị ô nhiễm môi trường nặng nề, Bắc Kinh sẽ bắt Bình Nhưỡng phải trả cái giá tương ứng.

Nguồn tin cho biết, đối với yêu cầu Trung Quốc cắt nguồn cung dầu mỏ đối với Triều Tiên mà cộng đồng quốc tế đưa ra, Trung Quốc sẽ không áp dụng. Bởi chỉ cần nguồn cung cắt đứt, chính quyền Triều Tiên sẽ phải đối mặt với mối đe dọa tan rã, dòng người tị nạn sẽ ồ ạt tràn sang vùng Đông Bắc của Trung Quốc.

Theo tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore, có thể Trung Quốc sẽ nâng cao mức chế tài đối với Triều Tiên, nhưng họ sẽ không hoàn toàn bỏ rơi Bình Nhưỡng, càng không để chính quyền Triều Tiên sụp đổ.

Theo một chuyên gia Viện nghiên cứu kinh tế năng lượng Hàn Quốc, nguồn nhập khẩu dầu mỏ của Triều Tiên phụ thuộc 100% vào Trung Quốc, chỉ cần Trung Quốc cắt nguồn cung 1 tuần, xã hội Triều Tiên sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn nghiêm trọng. Có thể Trung Quốc sẽ cắt giảm nguồn cung, nhưng trừ phi Trung Quốc muốn Triều Tiên mất đảng mất nước, nếu không chắc chắn Bắc Kinh sẽ không đưa ra quyết định cắt cứt nguồn cung dầu mỏ một cách toàn diện.

Hơn nữa, dầu thô của Trung Quốc có hàm lượng parafin lớn, nếu để tồn đọng trong đường ống dẫn dầu nhiều ngày, dầu trong đường ống sẽ đông lại, khi muốn cung cấp dầu trở lại, sẽ phải tốn rất nhiều thời gian và kinh phí làm tan. Xét tới điều này, Trung Quốc cũng sẽ không cắt đứt nguồn cung dầu mỏ toàn diện đối với Triều Tiên.

H.L