Được phát triển bởi hãng General Dynamics, mẫu xe thiết giáp chiến đấu Ajax từng gây ấn tượng tốt với cựu Thủ tướng David Cameron đến nỗi ông đã đặt hàng 589 chiếc vào năm 2014. Ngày bàn giao sau đó không được đáp ứng, và quân đội Anh hiện giờ vẫn đang ngồi chờ mẫu xe này ra mắt.
Tuy nhiên, theo một báo cáo của tờ Times, nhiều chuyên gia kỹ thuật đã nêu ra vô số “vấn đề an toàn” của mẫu xe này, trong đó bao gồm tiếng ồn khi hoạt động quá lớn bên trong xe, pháo không thể khai hỏa trong lúc đang di chuyển do độ rung lớn.
Được trang bị nhiều pháo 40mm và súng máy hạng nhẽ, Ajax nhẹ hơn và di chuyển dễ hơn so với xe tăng chiến đấu chính của quân đội Anh là Challenger 2. Bởi vậy, không có khả năng vừa bắn vừa di chuyển đã khiến mẫu xe này trở thành vô dụng đối với các đơn vị sắp phải tiếp nhận chúng.
Tuy nhiên, chính phủ Anh đã chi hơn 3,2 tỉ bảng để mua các xe thiết giáp này, trong tổng chi phí 5,5 tỉ bảng dành cho toàn bộ chương trình, theo các tài liệu của Bộ Quốc phòng mà Times dẫn lại. Trong đợt chi mới nhất, chính phủ Anh tiếp tục thêm 600 triệu bảng mua mẫu xe này.
Các nhà quan sát khoản chi tiêu của chính phủ đương nhiên không hài lòng với điều đó, và một trong số những nguồn tin mà Times dẫn lại nói rằng các khoản chi này không liên quan tới việc bàn giao các phương tiện hoạt động được. Nếu như vậy, General Dynamics đã nhận được một khoản tiền khá lớn từ hầu bao của Bộ Quốc phòng Anh mà không thể bàn giao được một sản phẩm hoạt động được.
Ajax từng được xem như mẫu xe lý tưởng để thay thế các xe tăng hạng nhẹ Scimitar cũ kỹ từ những năm 1970 của Anh. Thế nhưng tương lai của Ajax trở nên rất bất ổn thậm chí từ trước khi các vấn đề mới nhất được phơi bày.
Khi Thủ tướng Boris Johnson công bố tăng chi tiêu quốc phòng hồi năm ngoái, ông nói rằng các khoản chi của chính phủ “sẽ tập trung vào các công nghệ cách mạng hóa chiến tranh”, trong đó bao gồm khoản đầu tư mạnh tay vào trí tuệ nhân tạo (AI) và thành lập Bộ Tư lệnh Không gian của Không quân Hoàng gia.
Tuy nhiên, một ủy ban Quốc hội trong tháng 3 năm nay đã chỉ trích kịch liệt chính phủ vì bỏ bê các lực lượng truyền thống của Anh mà chỉ chú ý tới phát triển xe thiết giáp “tệ hại”. Báo cáo của ủy ban này chỉ trích kịch liệt chi phí và sự trì trệ liên quan tới chương trình Ajax.
Thế nhưng Ajax không phải là chương trình đầu tiên bị chỉ trích do sự quản lý yếu kém của Bộ Quốc phòng Anh.
Khi Bộ Quốc phòng thay thế mẫu súng trường FN FAL bằng mẫu Enfield SA80 vào cuối những năm 1980, nhiều vấn đề cũng xảy ra. Khẩu súng này bị tắc, các bộ phận bằng kim loại của nó bị han rỉ và biến dạng, và không thể sử dụng trong môi trường sa mạc – điều dễ thấy nhất khi binh sĩ Anh tham gia vào Chiến tranh Vùng Vịnh.
Sau khi xuất hiện báo cáo về những lỗi này bị rò rỉ cho báo chí, Bộ Quốc phòng Anh ban đầu còn nói rằng báo cáo này là giả, rồi sau đó phải đề ra một chương trình nâng cấp rất tốn tiền.
Gần đây nhất, Bộ Quốc phòng Anh bị chỉ trích vì chi quá nhiều tiền để phát triển 2 hàng không mẫu hạm lớp Queen Elizabeth, đến nỗi không còn đủ tiền để mua máy bay và tàu hộ tống cần có để triển khai nhóm tác chiến trong vòng 1 năm, và cũng không đủ tiền chỉnh sửa 2 tàu sân bay này để thực hiện khả năng hạ cánh lưỡng cư – vốn là một trong những điểm mạnh của tàu.
Thêm vào đó, các chiến đấu cơ F-35 do Mỹ chế tạo mà 2 tàu sân bay này sử dụng cũng bị trì hoãn, thiết kế có sai sót và đội chi phí. Bộ Quốc phòng đã từ chối đưa ra chi phí ước tính cho toàn bộ chương trình này.