Alibaba dự báo AI sẽ trở thành “đồng nghiệp số” của con người trong 5 năm tới

Alibaba dự báo AI sẽ tiến hóa thành “tác tử thông minh” và trở thành đồng nghiệp số trong vòng 5 năm tới. Tập đoàn cam kết đầu tư 53 tỷ USD vào hạ tầng AI, trong đó Hong Kong đóng vai trò trung tâm phát triển chiến lược.
Chuyên gia AI của Alibaba Hoàng Phi phát biểu tại Hội nghị SCMP Trung Quốc 2025 ngày 8/7. Ảnh: SCMP.

Trong vòng 5 năm tới, những “đồng nghiệp số” do trí tuệ nhân tạo (AI) vận hành sẽ trở thành một phần quen thuộc trong đời sống hằng ngày, theo lời ông Hoàng Phi, Phó Chủ tịch Alibaba Cloud kiêm Giám đốc Phòng thí nghiệm Ngôn ngữ Tự nhiên Tongyi của Tập đoàn Alibaba.

Phát biểu tại Hội nghị Trung Quốc 2025 do tờ South China Morning Post tổ chức hôm 8/7, ông Hoàng nhận định rằng: “AI tác tử đang rất thịnh hành trong ngành hiện nay”. Ông nhắc đến những hệ thống AI có thể tự động hành động thay người dùng, nhằm theo đuổi mục tiêu hoặc hoàn thành nhiệm vụ một cách độc lập.

Ông Hoàng dự đoán rằng trong tương lai, bức tranh AI sẽ do một số ít đơn vị cung cấp mô hình nền tảng chi phối, trong khi số lượng lớn hơn sẽ là các nhà phát triển tạo ra các tác tử AI phục vụ cho nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp.

Những nhận định này làm nổi bật chiến lược dài hạn của Alibaba - trở thành nhà cung cấp hạ tầng và mô hình AI nền tảng hàng đầu. Dòng mô hình ngôn ngữ mã nguồn mở Qwen do tập đoàn phát triển đang ngày càng được ưa chuộng, và Alibaba cũng cam kết đầu tư ít nhất 53 tỷ USD trong 3 năm tới cho hạ tầng AI.

Cũng theo ông Hoàng, Hong Kong có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển AI, nhờ sở hữu nguồn vốn dồi dào, năng lực nghiên cứu mạnh, liên kết chặt chẽ với Trung Quốc đại lục, sự hỗ trợ từ chính phủ cũng như hệ thống pháp lý vững chắc.

“Hong Kong có các nhà nghiên cứu và trường đại học hàng đầu, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền thành phố. Không chỉ có vốn, nơi đây còn có nguồn nhân lực và nền tảng vững chắc cho phát triển AI”, ông chia sẻ.

Trung tâm Siêu máy tính Trí tuệ nhân tạo đầu tiên của Hồng Kông, do công ty quản lý Cyberport (thuộc chính phủ tài trợ) vận hành – được khai trương vào tháng 12 và hiện đã được sử dụng tới 90% công suất.

Theo ông Hoàng, quá trình phát triển AI gồm năm giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là chatbot – cung cấp câu trả lời dựa trên khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên. Giai đoạn thứ hai là “bộ suy luận” – AI có năng lực suy luận toán học và lập trình, có thể hiểu các vấn đề phức tạp. Giai đoạn thứ ba, gọi là “tác tử”, là khi AI hiểu được nhu cầu của người dùng và biết sử dụng công cụ để hoàn thành công việc.

“Tôi cho rằng chúng ta đang ở giữa giai đoạn hai và ba, bởi vì trong 6 tháng qua, năng lực suy luận của AI đã tiến bộ rõ rệt, và chúng tôi đã chứng kiến một số doanh nghiệp bắt đầu áp dụng AI tác tử vào quy trình làm việc của mình”, ông nói.

Ở giai đoạn thứ tư, AI sẽ trở thành “nhà sáng tạo” – có khả năng phát hiện kiến thức mới và hỗ trợ khám phá khoa học. Giai đoạn cuối cùng là “nhà tổ chức”, khi AI có thể cộng tác, điều phối và làm việc song song cùng con người.