Ngày 6/8/1945, một máy bay Mỹ đã mở khoang chứa và thả xuống một quả bom hạt nhân có kích thước bằng một chiếc xe xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Ngay lập tức, đã có hàng chục ngàn dân thường bị giết hại, và rất nhiều người phải chịu các ảnh hưởng từ vụ nổ bom này và chết trong những tuần sau đó.
Ba ngày sau, 9/8/1945, một vụ ném bom hạt nhân tương tự xuống thành phố Nagasaki, và hậu quả nó gây ra còn ghê rợn hơn thế. Cho đến nay, đây là lần cuối cùng, vũ khí hạt nhân được sử dụng để giết người.
Tuy vũ khí hạt nhân gây ra rất nhiều những hậu quả khủng khiếp và thường gây nên những hậu quả tức thời, nhưng thế giới đang có hàng ngàn vũ khí hạt nhân kể từ Thế chiến thứ 2.
Rất nhiều quốc gia, chủ yếu là Nga và Mỹ, và cả những quốc gia mới đây như Triều Tiên, đã thực hiện hàng ngàn các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong những thập kỷ qua. Theo Hiệp Hội các nhà khoa học Mỹ (FAS), vào thời điểm kết thúc Chiến Tranh lạnh cuối những năm 1980, nhân loại có hơn 70.000 vũ khí hạt nhân có thể sử dụng.
FAS và nhiều tổ chức khác luôn theo dõi sát sao diễn biến các kho vũ khí hạt nhân và thường xuyên công bố số liệu về số lượng vũ khí hạt nhân mới nhất của các nước.
Tổng kho vũ khí hạt nhân trên toàn cầu hiện nay tuy ít hơn nhiều so với thời điểm kết thúc Chiến Tranh lạnh, nhưng xét về kích thước, độ phổ biến và khả năng hủy diệt thì không hề giảm. Các nhà khoa học dự đoán rằng khoảng 100 vụ nổ hạt nhân tương đương với vụ nổ ở thành phố Hiroshima trong một cuộc chiến tranh có thể đẩy cả thế giới bước vào một thời kỳ tối tăm và gây ra nạn đói trên toàn cầu.
“So sánh kho vũ khí hạt nhân hiện nay với thời điểm những năm 1950 là một so sánh khập khiễng; đương lượng nổ hiện nay có khả năng hủy diệt lớn hơn rất nhiều. Tốc độ giải trừ hạt nhân diễn ra rất chậm. Thay vì lên kế hoạch giải trừ vũ khí hạt nhân, thì các quốc gia có vũ khí hạt nhân lại muốn duy trì một kho vũ khí hạt nhân lớn để đề phòng những tình huống bất trắc trong tương lai”, ông Hans Kristensen va Robert Norris, các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho FAS biết hồi tháng 6.
Biểu đồ dưới đây trình bày số liệu mới nhất về 9 quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân và số lượng vũ khí hạt nhân mà họ có.
Bản đồ: Phân bổ số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới
9 quốc gia sở hữu khoảng 14.525 vũ khí hạt nhân (Ảnh Business Insider)
|
Chỉ trừ một số ngoại lệ, còn số vũ khí được liệt kê ở trên chủ yếu là các đầu đạn hạt nhân có thể gắn trên các tên lửa.
Số lượng vũ khí hạt nhân này chưa bao gồm khoảng 20.000 kho chứa plutonium – là thành phần cơ bản để tạo ra bom nguyên tử - được lưu trữ tại Pantex Plant, một kho lưu trữ của chính phủ Mỹ tại bang Texas, chuyên lắp ráp, bảo quản và phá hủy các loại vũ khí hạt nhân.
Số lượng tính toán trên chắc chắn sẽ có thay đổi, nhưng sự thay đổi này là không nhiều trong những năm tới.
Điển hình như Triều Tiên gần đây đã gia tăng tốc độ thực hiện các vụ thử vũ khí hạt nhân và tên lửa, và trong năm 2017, họ đã đe dọa cho nổ một quả bom hydro tại Thái Bình Dương – mặc dù quốc gia này đã chịu nhiều hình thức trừng phạt kinh tế của quốc tế trị giá đến khoảng 1 tỷ USD.
Triều Tiên cũng được cho là đang phát triển khoảng 60 vũ khí hạt nhân, thu nhỏ kích thước một đầu đạn nhiệt hạch, và các tên lửa tầm xa của họ có thể bắn sâu vào các thành phố Mỹ. Tuy chính phủ Mỹ đã có nhiều động thái để buộc Triều Tiên phải ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, và bước đầu họ đã đạt được một thỏa thuận “phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”, nhưng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ tiếp tục chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đang thừa hưởng một chương trình có giá trị vào khoảng 1,7 nghìn tỷ USD để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Nga hiện nay cũng đang tăng ngân sách để hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Nhưng thay vì dừng chương trình này, thì chính phủ của Tổng thống Donald Trump lại điều chỉnh chiến lược hạt nhân của Mỹ bằng cách tạo ra các vũ khí hạt nhân chiến thuật, có kích thước nhỏ hơn và có khả năng được sử dụng cao hơn. Điều này sẽ gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng đã có những tín hiệu lạc quan nhất định với những người mong muốn một thế giới phi vũ khí hạt nhân. Giải thường Nobel Hòa Bình năm 2017 được trao cho International Campaign to Abolish Nuclear Weapons (Chiến dịch Quốc tế nhằm loại bỏ vũ khí hạt nhân - ICAN), một tổ chức đặt ra tôn chỉ giúp thế giới thoát khỏi các công nghệ vũ khí nguy hiểm.
Ủy Ban Nobel Na Uy giải thích về quyết định của họ rằng ICAN “đã hoạt động rất tích cực để đạt được mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân” và cũng đề cập đến nỗ lực vận động 122 thành viên của Liên Hiệp Quốc ký vào Thỏa thuận Không phổ biến Vũ khí hạt nhân của tổ chức này.
Theo Business Insider