Donald Trump “trả giá” 1.000 tỷ USD cho vũ khí hạt nhân của ông Kim Jong-un?

VietTimes -- Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, một trong những nhà tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, bị sốc tâm lý khi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử có một không hai này và phải nhập viện với một cơn đau tim đột ngột!
Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hôm 12/6
Cuộc gặp lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên hôm 12/6

Ngày 12/6/2018 trên đảo Sentosa của Singapore, vào 1 giờ 4 phút sáng (theo giờ Greenwich), lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà lãnh đạo của hai quốc gia nằm hai cực hệ tư tưởng đối địch nhau là Mỹ và Triều Tiên, ông Donald Trump và Kim Jong-un, chỉ mới gần đây thôi đã từng tuyên bố sẵn sàng bấm nút hạt nhân để hủy diệt nhau và ứng xử với nhau bằng những ngôn từ vượt ra khỏi khuôn khổ văn hóa ngoại giao thông thường, đã thân mật trao cho nhau nụ cười thân thiết và cái bắt tay thật chặt, mở đầu cuộc đàm phán trực tiếp mặt đối mặt.

Cái bắt tay gây sốc tâm lý mạnh

Larry Kudlow, Chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ, một trong những nhà tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, bị sốc tâm lý khi chứng kiến khoảnh khắc lịch sử có một không hai này và phải nhập viện với một cơn đau tim đột ngột!

Tổng thống Donald Trump gọi Larry Kudlow là "người đàn ông vĩ đại" và chuyển lời chúc ông ta chóng bình phục sức khỏe. Ngay sau 12 giây bắt tay thân thiện, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố:"Quan hệ và định kiến trước đây đã ngăn cản chúng tôi đến với nhau, nhưng hôm nay chúng tôi đã vượt qua rào cản ấy". Sau nửa giờ đàm phán trực tiếp, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố với giới báo chí:"Chúng tôi sẽ giải quyết những vấn đề lớn". Còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trả lời:"Chúng ta nhất định sẽ giải quyết chúng”.

Lịch sử quan hệ Mỹ-Triều Tiên đã trải qua 13 cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, có thể châm ngòi cho các cuộc chiến tranh lớn. Ngày 27/7/2018 vừa tròn 65 năm Mỹ và Triều Tiên ký kết thỏa thuận tạm đình chiến, nghĩa là chiến tranh giữa hai bên có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong 65 năm qua, người Mỹ đã không thể mạo hiểm tái khởi động chiến tranh bởi họ không tin chắc rằng có thể hủy diệt Triều Tiên.

Cuộc gặp lịch sử này bắt đầu từ đâu?

Trong suốt nhiều năm qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từng nhiều lần đề nghị được đối thoại trực tiếp với tổng thống Mỹ để bàn về vấn đề phi hạt nhân hóa nhưng đều bị Nhà Trắng từ chối bởi họ cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng không thể là đối tác có thể đối thoại “bằng vai phải lứa” với chính quyền Washington.

Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi ông Kim Jong-un chính thức tuyên bố Triều Tiên là cường quốc hạt nhân và điều này đã được ghi vào Hiến pháp Triều Tiên. Sau khi đưa ra tuyên bố này, ông Kim Jong-un đề nghị bắt đầu xây dựng “mối quan hệ mới” với Mỹ, trong đó hai bên sẽ có sự nhân nhượng lẫn nhau, chí ít là Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phi hạt nhân hóa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức chấp nhận đề nghị của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và hai bên sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất phát từ ý định của ông sẽ làm được điều mà tất cả các đời tổng thống Mỹ trước đây không làm được. Nếu điều này diễn ra như dự kiên sẽ ghi điểm cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào cuối năm 2018 và cho cá nhân ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ hai trong hai năm tới.  

Vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn gì khi gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un ký tuyên bố chung sau hội đàm
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un ký tuyên bố chung sau hội đàm 

Daniel Gallington, một trong những chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu chính trị Potomac ở thành phố Arlington, bang Virginia (Mỹ), dựa trên những nguồn tin đáng tin cậy mà ông có được, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lập bản danh sách các yêu cầu đối với Mỹ khi tới gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore [1].

Bản danh sách này có 7 yêu cầu của Triều Tiên đối với Mỹ:

(1) Phía Mỹ phải đảm bảo an ninh cho cá nhân ông Kim Jong-un trong thời gian tới Singapore nói riêng và bảo đảm an ninh cho Triều Tiên nói chung, đồng thời Mỹ phải cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của CHDCND Triều Tiên. Tất nhiên, trong đó có yêu cầu ngừng đưa ra những lời chỉ trích nhằm vào Triều Tiên.

(2) Mỹ sẽ dành những khoản đầu tư lớn để phát triển kinh tế của Triều Tiên như họ đã từng đầu tư tương tự ở Trung Quốc trong những năm Bắc Kinh cải cách mở cửa. Theo một số nguồn tin, khoản đầu tư này của Mỹ vào Triều Tiên có thể lên tới 1000 tỷ USD!. Về phần mình, Triều Tiên sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp Mỹ và cam kết bảo vệ tin cậy lợi ích của các doanh nhân Mỹ khi họ đầu tư vào Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, ông muốn xây dựng một nền kinh tế mới của Triều Tiên theo mô hình Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Triều Tiên. Đề xuất nay của ông Kim Jong-un rất nhạy cảm đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump-một người từng tuyên bố rằng việc Mỹ ồ ạt đầu tư vào Trung Quốc sẽ phá hủy hệ tư tưởng cộng sản của quốc gia này là một sai lầm lớn. Theo ông Donald Trump, văn hóa chính trị phương Đông có cái gì đó khác lạ với văn hóa chính trị ở phương Tây

(3) Mỹ không được ngăn cản Triều Tiên và Hàn Quốc hợp tác với nhau trong những lĩnh vực mà hai bên đều thấy cần thiết. Theo đó, Hàn Quốc sẽ đầu tư cho các chương trình quy mô lớn xây dựng hạ tầng cơ sở ở Triều Tiên nói riêng và trên bán đảo Triều Tiên nói chung.

(4) Yêu cầu chính quyền Hàn Quốc, Mỹ và các nước khác mở cửa cho các cơ quan truyền thông của Triều Tiên để toàn thế giới thấy được những thông tin về cái gọi là “nạn tra tấn”, “kìm kẹp người dân”, “nạn đói” và những hiện tượng “quái dị” khác ở Triều Tiên đều là tin giả dối, bịa đặt. Từ đó, thế giới sẽ thấy được thực tế cuộc sống ở Triều Tiên.

(5) Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc và đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi Hàn Quốc sau khi Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa.

(6) Tất cả các lệnh cấm vận Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc sẽ phải được dỡ bỏ.

(7) Sau khi thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa, Triều Tiên vẫn có quyền phát triển công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình

Cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều thắng lớn

Trước hết có thể thấy rõ là Tuyên bố chung Mỹ-Triều Tiên là thắng lợi lịch sử của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo đó Mỹ sẽ đáp ứng được những yêu cầu rất cơ bản trong 7 yêu cầu của Bình Nhưỡng, còn những yêu cầu khác sẽ được bàn thảo trong thời gian tới.

Đó là: Mỹ cam kết đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên (đáp ứng yêu cầu 1). Hai bên tái khẳng định Tuyên bố bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018 (đáp ứng yêu cầu 3). Mỹ và Triều Tiên sẽ thiết lập các mối quan hệ mới phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng (đáp ứng yêu cầu 2), dĩ nhiên trong Tuyên bố chung không thể nêu chi tiết nội dung của yêu cầu 2 trong danh mục 7 yêu cầu mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mang tới cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore.

Thắng lợi lớn nhất của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là khẳng định tính chất đúng đắn của đường lối độc lập tự chủ để xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước mà ông được kế thừa từ hai nhà lãnh đạo tiền bối là Kim Il-sung và Kim Jong-il. Ngày nay, sau hơn 65 năm xây dựng và phát triển, Triều Tiên đã trở thành một quốc gia được Mỹ công nhận như một đối tác bình đẳng. Đây quả thật là một thành tựu không dễ gì mà một quốc gia bị bao vây cấm vận như Triều Tiên có thể đạt được.  

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đây cũng là một thắng lợi có một không hai trong chính sách đối ngoại bởi ông đã làm đươc điều mà không một tổng thống Mỹ nào làm được. Đó là, thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên cam kết về một lộ trình phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng được. Thắng lợi ngoại giao này sẽ ghi điểm cho Đảng Cộng hòa và cá nhân ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ.

Sau lễ ký kết Tuyên bố chung Mỹ-Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump cho biết:“Chúng tôi vừa ký một văn kiện rất quan trọng và toàn diện. Cả hai đều rất vinh dự khi đặt bút ký văn kiện này. Từ đây, quan hệ Mỹ-Triều Tiên sẽ hoàn toàn khác trước”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố:“Thế giới sẽ chứng kiến những đổi thay vĩ đại. Tôi muốn cảm ơn Tổng thống Mỹ Donald Trump vì những gì ông đã làm để có được cuộc gặp này”[2].

Công ty truyền hình quốc gia Norway NRK đưa tin, hai nghị sĩ nước này là Christian Tybring-Giedde và Per-Willy Amundsen thuộc Đảng “Progress Party” đã đề cử Tổng thống Mỹ Donald Trump là ứng cử sáng giá nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình sau cuộc hội đàm tại Singapore với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên [3].

Tài liệu tham khảo:

[1] Список Кима: Бомба за триллион и уход США из Кореи. http://svpressa.ru/politic/article/202511/?ans=1

[2]«Мир увидит великие изменения»: Трамп и Ким Чен Ын подписали итоговый документ. http://svpressa.ru/politic/news/202514/?cban=1

[3] Трамп может получить Нобелевскую премию мира. https://www.7kanal.co.il/News/News.aspx/202030