5 xu thế tài chính bị thoái triệt trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giới đầu tư đã trải qua một khoảng thời gian đầy khó khăn trong năm 2022, với nhiều xu thế bị bất ngờ đảo chiều.

Không còn tiền rẻ

Nhìn lại giai đoạn những năm 2010, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng lãi suất có lẽ sẽ được duy trì ở mức 0 mãi mãi. Ngay cả trong năm 2021, các hãng đầu tư lớn vẫn đưa ra những đánh giá như “Số 0: tại sao lãi suất sẽ tiếp tục ở mức thấp”. Chi phí vay mượn đã giảm liên tục trong suốt nhiều thập kỷ, sự kết hợp giữa khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 và đại dịch COVID-19 dường như càng khiến cho lãi suất được duy trì ở mức thấp.

Nhưng đến năm 2022, lạm phát tăng đột biến đã thay đổi mọi thứ. Fed bắt đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ với nhịp độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, nâng khoảng lãi suất mục tiêu lên hơn 4 điểm phần trăm, 4,25-2,5%. Các ngân hàng trung ương khác trên thế giới nhanh chóng tiếp bước.

Các thị trường kỳ vọng rằng lãi suất sẽ ngừng tăng trong năm 2023, với mức đỉnh trong khoảng 4,5-5% ở Anh và Mỹ, 3% và 3,5% ở khu vực eurozone. Nhưng kỳ vọng đó nhanh chóng sụp đổ. Fed đánh tín hiệu rằng lãi suất trong năm 2023 sẽ dừng ở mức trên 5%, trước khi giảm xuống mức khoảng 2,5% trong dài hạn. Kỷ nguyên của tiền rẻ như vậy đã chấm dứt.

Không còn 'uptrend'

Các thị trường bò, hay các thị trường giá lên, không chết vì “cao tuổi” mà vì các ngân hàng trung ương. Và trường hợp tương tự đã xảy ra trong năm 2022. Kể từ lúc chìm sâu trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính năm 2009 cho tới thời kỳ đỉnh vào cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 đã tăng 600%. Những sự gián đoạn trong lúc chỉ số này đi lên – như những đợt suy giảm đột ngột do đại dịch – cũng chỉ là nhất thời và không kéo dài.

Trong năm 2022, tình trạng suy giảm kéo dài. Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 1/4, xuống mức thấp nhất trong năm nay vào khoảng trung tuần tháng 10, và duy trì ở mức giảm 20%. Chỉ số MSCI cũng giảm 20%. Chứng khoán không phải là thứ tài sản duy nhất chịu tác động. Giá cổ phiếu giảm một phần là do lãi suất tăng, từ đó làm tăng lợi tức của trái phiếu và khiến các loại tài sản rủi ro kém hấp dẫn hơn.

Các chỉ số mà Bloomberg đưa ra về trái phiếu trên toàn cầu, Mỹ, châu Âu và các thị trường mới nổi đã giảm lần lượt là 16%, 12%,18% và 15%. Cho dù giá cả có tiếp tục giảm sâu hơn hay không, thì thị trường bò xem như đã kết thúc.

Thị trương vốn 'bốc hơi' hàng tỉ USD

Trong vài năm thị trường bò, vốn không chỉ rẻ mà còn xuất hiện ở khắp mọi nơi. Các chương trình nới lỏng định lượng (QE) của ngân hàng trung ương, được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính nhằm bình ổn các thị trường, đã đi vào chỗ quá độ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thêm vào đó, ngân hàng trung ương các nước Mỹ, Anh, châu Âu và Nhật Bản đã bơm hơn 11 nghìn tỉ USD tiền mới được in, sử dụng nó để đánh bóng các tài sản “an toàn” như trái phiếu chính phủ, và làm giảm lợi tức của chúng.

Điều này khiến các nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận phải tìm đến những ngóc ngách mang tính đầu cơ hơn của thị trường.

Kết quả là, những tài sản đó bùng nổ. Trong thập kỷ dẫn tới năm 2007, các công ty Mỹ mỗi năm phát hành 100 tỉ USD trái phiếu lợi tức cao có mức độ rủi ro nhất. Trong những năm 2010, con số trung bình là 270 tỉ USD. Năm 2021, con số này là 486 tỉ USD.

Nhưng trong năm nay, con số này đã giảm tới 3/4. Fed và Ngân hàng Anh đã đảo ngược các chương trình mua trái phiếu của họ; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng chuẩn bị có động thái tương tự.

Thanh khoản bị rút cạn dần, không chỉ từ thị trường nợ. Những đợt IPO trong năm 2021 đã đập tan mọi kỷ lục khi huy động được 655 tỉ USD trên toàn cầu. Nhưng giờ các đợt IPO ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990. Giá trị của các thương vụ M&A cũng giảm. Sự thừa thãi vốn giờ biến thành khan hiếm vốn.

Giá trị đánh bại tăng trưởng

Khoảng thời gian thị trường bò được xem là đáng buồn đối với các nhà đầu tư “giá trị”, những người săn lùng các mã cổ phiếu được coi là rẻ nếu so với tài sản hay doanh thu của họ. Lãi suất thấp cùng với tâm lý chấp nhận rủi ro do QE gây nên đã khiến cho kiểu đầu tư này trở thành lỗi thời.

Thay vào đó, các mã chứng khoán “tăng trưởng”, hứa hẹn mang lại lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trở thành một xu thế. Từ tháng 3/2009 cho đến cuối năm 2021, chỉ số MSCI của các mã chứng khoán tăng trưởng trên toàn cầu đã tăng gấp 6,4 lần, gấp đôi mức tăng của chỉ số giá trị tương ứng.

Trong năm nay, lãi suất tăng đã đảo lộn mọi thứ. Khi lãi suất ở mức 1%, để có 100 USD trong vòng 10 năm, bạn cần phải gửi tiết kiệm 91 USD vào tài khoản ngân hàng ở hiện tại. Với lãi suất 5%, bạn chỉ cần gửi 61 USD. Sự kết thúc của giai đoạn tiền rẻ đã thu hẹp tầm nhìn của các nhà đầu tư, buộc họ phải chuyển sang tìm kiếm những khoản lợi nhuận tức thì, thay vì nhìn xa hơn vào tương lai. Các cổ phiếu tăng trưởng bị loại. Cổ phiếu giá trị trở lại.

Tiền mã hóa sụp đổ

Những người tin rằng tiền mã hóa chả là gì ngoài một hình thức đánh bạc và lừa lọc có lẽ không kiếm được ví dụ nào tốt hơn là sự sụp đổ của FTX. Sàn giao dịch tiền mã hóa này từng được xem là một gương mặt sáng giá trong ngành, dẫn đầu là Sam Bankman-Fried, một nhà tài trợ chính trị và từ thiện 30 tuổi. Nhưng trong tháng 11, FTX đệ đơn phá sản trong khi khoản tiền gửi 8 tỉ USD của khách hàng biến mất.

Chính quyền Mỹ giờ gọi đây là “vụ lừa đảo đồ sộ kéo dài nhiều năm”. Bankman-Fried đã bị bắt giữ và đối mặt với hàng loạt cáo trạng. Nếu bị kết án, ông có thể phải sống phần đời còn lại của mình trong tù.

Sự sụp đổ của FTX đánh dấu pha nổ bong bóng mới nhất của tiền mã hóa. Tại thời điểm đạt đỉnh năm 2021, giá trị thị trường của tất cả các loại tiền mã hóa là gần 3 nghìn tỉ USD, tăng từ mức gần 800 tỉ USD vào đầu năm. Kể từ đó, con số này giảm xuống còn 800 tỉ USD.

Theo The Economist