Fed có thể sẽ không giảm lãi suất
Nếu như 2022 là năm mà giới đầu tư Mỹ nhận ra thực tại về lạm phát dai dẳng và phản ứng quyết liệt từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), thì 2023 sẽ là năm mà họ phải học cách sống chung với cả hai. Bởi lẽ, hai yếu tố trên có thể còn lâu mới chấm dứt.
Các nhà đầu tư giờ đang dự báo trước về một cuộc suy thoái nhẹ trong nửa cuối năm 2023, hệ quả từ những hành động quyết liệt của Fed nhằm hạ nhiệt thị trường lao động và kiềm chế lạm phát.
Các nhà kinh tế học kỳ vọng rằng nỗ lực của Fed trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và làm giảm chi tiêu tiêu dùng, các hoạt động kinh doanh sẽ bắt đầu tác động tới thị trường lao động vào giữa năm sau, làm dấy lên một làn sóng sa thải nhân công và tăng tỷ lệ thất nghiệp. Do thiếu thu nhập nên nhu cầu chi tiêu sẽ giảm.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều đưa ra dự báo về đà tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí âm, trong năm 2023, và lạm phát cũng sẽ hạ nhiệt.
Nhưng lạm phát lõi rất có khả năng sẽ ở trên mức mục tiêu mà Fed đặt ra là 2%, buộc ngân hàng trung ương Mỹ phải duy trì lãi suất cao cho đến hết năm.
Mặc dù Fed sẽ đạt được kết quả trong việc hạ nhiệt thị trường lao động và giảm lạm phát trong năm 2023, nhưng họ vẫn còn nhiều việc phải làm khi các hộ gia đình tụ họp trong mùa nghỉ lễ tiếp theo.
“Tôi nhìn vào năm 2023 với sự lo lắng. Chúng ta đang ở trong một môi trường lạm phát cao, và Fed đang cảnh giác cao độ. Xét về lịch sử thì điều này thường dẫn đến suy thoái” Mark Zani, trưởng kinh tế gia tại Moody’s Analytics, nói.
Fed khó có thể giảm lãi suất trong năm tới (Ảnh: AccessWealth) |
Tín hiệu tích cực
Nhưng dự báo về năm 2023 cũng không hoàn toàn ảm đạm, theo như đánh giá của các nhà kinh tế học. Ngoài nỗi đau gây ra do cuộc chiến chống lạm phát của Fed, những xu hướng tích cực khác đang xuất hiện, có thể giúp định hình nền kinh tế giai đoạn hậu COVID-19.
Tình trạng thiếu hụt lao động hiện nay ở Mỹ chắc chắn sẽ khiến các công ty phải đổ thêm nguồn lực cho tự động hóa, trong khi các khoản đầu tư cho lĩnh vực này suốt 2 năm qua giờ đã bắt đầu mang lại hiệu quả, làm tăng đáng kể sản lượng. Nỗ lực tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc cũng giúp củng cố một số lĩnh vực được xem là chủ chốt đối với an ninh quốc gia.
Các khoản đầu tư công nghiệp vào mọi thứ, từ những cơ sở sản xuất chất bán dẫn của Mỹ cho tới các chuỗi cung ứng từ xa, sẽ bắt đầu đem lại hiệu quả ban đầu, đặt nền móng cho việc định hướng lại và tăng cường chính sách công nghiệp của Mỹ.
“Chúng ta sắp bước vào một năm của sự chuyển dịch. Sẽ có một số khó khăn trong năm tới, do tỷ lệ thất nghiệp tăng, nhưng đó chính là lúc mà các doanh nghiệp bắt đầu chấp nhận rủi ro một cách thông minh. Và rồi họ sẽ bước vào chu kỳ hồi phục, sau đó là mở rộng", Joe Brusuelas, trưởng kinh tế gia tại công ty tư vấn RSM US, nói.
Mỹ sẽ trượt vào suy thoái?
Câu chuyện kinh tế được nhiều người nhắc đến nhất trong năm 2023 chính là khả năng Mỹ rơi vào suy thoái. Theo Barron's, 7 trên tổng số 9 chuyên gia kinh tế mà họ tiếp cận nói rằng chắc chắn Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Goldman Sachs cũng đưa ra dự báo tương tự.
Người tiêu dùng Mỹ sẽ quyết định tương lai của nền kinh tế. Ở hiện tại, họ vẫn đang chi tiêu mạnh tay.
Tỷ lệ thất nghiệp thấp, lương đang tăng, các hộ gia đình có thu nhập trung bình và cao vẫn chưa tiêu hết lượng tiền mà họ tiết kiệm được trong khoảng thời gian đại dịch, trong khi các hộ gia đình thu nhập thấp chỉ mới bắt đầu dồn nợ thẻ tín dụng.
Nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng miễn là người tiêu dùng vẫn còn chi tiêu. “Hãy nhìn vào nền tảng của nền kinh tế, với tôi thì trông vẫn rất ổn,” Zandi nói. “Dù cho suy thoái có xảy ra thì cũng chỉ là ngắn hạn mà thôi.”
Nền kinh tế Mỹ có thể trượt vào suy thoái trong năm 2023 (Ảnh: Brookings) |
Có một sự đồng thuận trong các dự báo, đó là nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm trong vòng một năm.
Các nhà kinh tế học của Citigroup cho rằng chi tiêu sẽ vẫn duy trì ở mức cao trong ít nhất là nửa đầu năm 2023. Sarah House, nhà kinh tế học đến từ Wells Fargo, ước tính rằng vẫn có 1 nghìn tỉ USD tiền tiết kiệm dôi ra sẽ được người dân sử dụng hết trong mùa Thu năm tới. Vào thời điểm đó, chi tiêu sẽ giảm để phù hợp với thu nhập – bị giảm do lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs cho rằng một cuộc suy thoái là khó xảy ra, bởi họ dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao hơn. Nhưng nếu người tiêu dùng cạn lực chi tiêu, một cuộc suy thoái chắc chắn xảy ra.
Mức thu nhập trung bình theo giờ đóng vai trò chủ chốt vì 2 lý do sau: Mức thu nhập được duy trì mạnh khỏe càng lâu thì các hộ gia đình chi tiêu càng nhiều, loại bỏ khả năng suy thoái. Nhưng đà tăng lương sẽ khiến lạm phát ở mức cao, và Fed sẽ tiếp tục hành động quyết liệt. “Trong 6 tháng đầu năm sau, lương là vấn đề tác động đến mọi thứ,” bà Brusuelas nói.
Lạm phát dịch vụ chắc chắn sẽ tăng trong những tháng đầu của năm 2023. Điều này sẽ khiến cho lạm phát tổng duy trì ở mức cao ngay cả khi giá hàng hóa giảm – một xu hướng sẽ dần gia tăng khi mà Trung Quốc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch – và giá thuê nhà sẽ bắt đầu giảm trong các báo cáo của chính phủ.
Đến quý 4, lạm phát lõi có thể vẫn ở trên mức mục tiêu 2% của Fed, và chắc chắn sẽ khép lại năm ở mức khoảng 3%-4%. Các nhà kinh tế học của Citigroup, những người cho rằng viễn cảnh năm tới “tồi tệ hơn nhiều người nghĩ,” dự báo rằng thước đo lạm phát mà Fed tin dùng sẽ ở mức cao hơn, khoảng 4,3% vào thời điểm cuối năm 2023.
Sức mạnh của thị trường lao động sẽ giữ cho lạm phát ở mức cao, buộc Fed phải duy trì lãi suất ở mức cao hơn, trong thời gian lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường. Phần lớn các chuyên gia kinh tế đều cho rằng lãi suất ở thời điểm kết thúc năm 2023 sẽ ở mức trên 5%, có khả năng ở trong khoảng 5,25%-5,5%. Thêm nữa, phần lớn các chuyên gia kinh tế đều không kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trong năm tới.
Quan điểm này đi ngược với kỳ vọng hiện tại rằng Fed sẽ đảo ngược chính sách và giảm lãi suất ngay khi nền kinh tế trượt vào suy thoái. Nhưng các nhà kinh tế học cảnh báo rằng cái gọi là “sự xoay trục” chính sách được thị trường kỳ vọng là rất khó xảy ra trong năm 2023 bởi ngân hàng trung ương sẽ không nới lỏng chính sách khi lạm phát còn cao – ngay cả khi họ phải chấp nhận gây ra nỗi đau đớn cho nền kinh tế.
Giới chức Fed sẽ chờ đợi cho đến khi tin rằng đà tăng giá đang chậm lại, và lạm phát trở về mức 2%.
“Chu kỳ thắt chặt tiền tệ quyết liệt nhất kể từ những năm 1980 này sẽ để lại dấu ấn trong nền kinh tế năm 2023,” Seema Shah, trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Principal Asset Management, nhận định. “Không may thay, sự nới lỏng của Fed là điều sẽ không xảy ra, ngay cả khi một cuộc suy thoái hình thành.”
Bằng cách duy trì lãi suất cao, Fed hy vọng sẽ tránh được tình trạng lạm phát tương tự như giai đoạn thập kỷ 70 và đầu thập kỷ 80 mà Mỹ từng trải qua, thời điểm mà ông Paul Volcker là Chủ tịch Fed.
“Một bài học lớn mà họ học được từ thời của Volcker là nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm sẽ gây hậu quả là Fed buộc phải nâng lãi suất thậm chí còn cao hơn để chống lạm phát, gây thêm tổn thất cho nền kinh tế,” Megan Greene, chuyên gia phân tích đến từ ĐH Brown kiêm trưởng kinh tế gia tại Viện Kroll, nói./.
Lạm phát sẽ tiếp tục ám ảnh nền kinh tế châu Âu trong năm 2023
Viễn cảnh ảm đạm cho kinh tế toàn cầu năm 2023
Nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel: 'Nâng lãi suất chỉ gây ra đau đớn và vết sẹo khó lành'
Theo Barron's