Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng đường huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương nghiêm trọng ở nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể.
Dưới đây là một số cách giúp bạn kiểm soát hiệu quả bệnh đái tháo đường:
1. Ưu tiên lập kế hoạch cho bữa ăn
Bệnh đái tháo đường là tình trạng bệnh có thể kiểm soát tốt bằng cách lập kế hoạch bữa ăn cẩn thận và hợp lý. Thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe người mắc bệnh.
Thực phẩm giàu carbohydrat đơn giản và đường có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, trong khi thực phẩm ít carbohydrat nhiều chất béo, protein và chất xơ tốt có thể giúp kiểm soát đường huyết.
Vì vậy, bữa ăn cân bằng cho người tiểu đường nên bao gồm nhiều trái cây, rau, protein nạc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
Không có cách chữa khỏi ngay lập tức bệnh tiểu đường, nhưng điều chỉnh lối sống, lập kế hoạch bữa ăn, tăng cường hoạt động thể chất và lựa chọn cẩn thận lượng carbohydrat có vai trò quan trọng trong điều trị bệnh.
2. Thường xuyên hoạt động thể chất
Theo ThS.BS Lại Thị Phương Quỳnh - giảng viên Bộ môn Nội tiết Đại học Y Dược TP.HCM - việc tập luyện có thể hơi khó khăn với một số người do tuổi tác, bệnh lí… nhưng ít nhất bạn cần phải biết khi vận động chúng ta có thể khiến cho lượng đường tiêu tốn đi được phần nào.
Hoạt động thể chất thường xuyên có lợi cho sức khỏe, nhưng người bệnh cần chọn các bài tập phù hợp với sức khỏe hiện tại, tránh quá sức.
Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ hay yoga là lựa chọn tốt. Khi tập luyện, nên mặc trang phục và giày dép thích hợp. Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bệnh nhân cần liên hệ bác sĩ ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
3. Kiểm tra thường xuyên đường huyết trong máu
Theo dõi lượng đường huyết là yếu tố then chốt trong kiểm soát bệnh đái tháo đường. Một số phương pháp theo dõi bao gồm dùng máy đo đường huyết tại nhà (phổ biến), đeo thiết bị đo liên tục CGM hoặc xét nghiệm máu định kỳ tại cơ sở y tế.
Máy đo đường huyết tại nhà dễ sử dụng, cho kết quả nhanh chóng sau vài phút thử máu. Điều quan trọng là duy trì mức đường huyết trong ngưỡng mục tiêu để tránh biến chứng. Kiểm tra thường xuyên là bước đơn giản nhưng cần thiết để đạt mục tiêu này.
Nên tự kiểm tra đường huyết ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần kiểm tra cách nhau khoảng 8 tiếng. Kiểm tra vào buổi sáng khi thức dậy và trước khi đi ngủ.Ghi chép kết quả kiểm tra hàng ngày để theo dõi xu hướng và hiệu quả điều trị.
Nếu phát hiện đường huyết thất thường, bệnh nhân có thể điều chỉnh bằng một số thay đổi lối sống đơn giản như: ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát căng thẳng để cải thiện đường huyết và sức khỏe.
4. Ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ
Ngủ đủ giờ và có chất lượng là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt. Nếu thiếu ngủ sẽ có thể tác động tiêu cực đến mức độ đói hoặc thèm ăn của bạn.
Ngoài ra, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình trao đổi chất và điều chỉnh lượng đường trong máu, rất cần thiết khi kiểm soát bệnh.
5. Duy trì trạng thái cân bằng tinh thần, tránh căng thẳng
Khi căng thẳng, cơ thể tiết ra các hormone gây stress, làm tăng đường huyết và có thể gây kháng insulin. Lâu dài, điều này có thể làm tăng huyết áp và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Để giải tỏa căng thẳng, hãy thử những hoạt động thư giãn như nghe nhạc, tập yoga hay nhảy múa. Bên cạnh đó, dành thời gian cho người thân và bạn bè hoặc tâm sự với chuyên gia có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Việc quản lý căng thẳng hiệu quả sẽ có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là với người mắc bệnh.