Xuất hiện biến thể SARS-CoV-2 mới Deltacron, các chuyên gia nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Deltacron là sự kết hợp của các chủng Delta và Omicron của SARS-CoV-2. Biến thể lai đã được xác nhận này có nguy hiểm hơn không? Các vaccine hiện nay liệu có hiệu lực với nó?
Sự xuất hiện của biến chủng lai giữa Delta và Omicron khiến nhiều người hoang mang lo sợ (Ảnh: Deutsche Welle).
Sự xuất hiện của biến chủng lai giữa Delta và Omicron khiến nhiều người hoang mang lo sợ (Ảnh: Deutsche Welle).

Khi một nhà nghiên cứu người Síp lần đầu tiên báo cáo về việc ông phát hiện ra sự pha trộn giữa các biến thể Delta và Omicron của SARS-CoV-2 hồi đầu tháng 1/2022, mọi người đã rất căng thẳng. Sau đó, mọi người thở phào: những gì ông ta tìm thấy là kết quả của sự ô nhiễm trong phòng thí nghiệm.

Nhưng hai tháng sau, các ca nhiễm biến chủng kết hợp giữa Delta và Omicron đã thực sự được phát hiện ở Châu Âu và Mỹ. Cho đến nay, chưa ghi nhận số lượng lớn các trường hợp lây nhiễm. Tuy nhiên, cho dù nhiều quốc gia đã nới lỏng các biện pháp chống dịch trên diện rộng, sự xuất hiện của chủng đột biến hỗn hợp Deltacron là điều cần cảnh giác và nhắc nhở chúng ta rằng: đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc.

Xác nhận biến thể hỗn hợp

Luca Cicin-Sain, Giám đốc Bộ phận Miễn dịch virus tại Trung tâm Nghiên cứu Nhiễm trùng Helmholtz (HZI) của Đức xác nhận: “Hiện đã khá rõ ràng, nó thực sự là một biến thể Deltacron”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với chủng virus lai này. Bà Maria van Kerkhove, chủ quản về kỹ thuật SARS-CoV-2 của tổ chức này cho biết: “Chúng tôi biết chủng lai này là sự kết hợp giữa Delta AY.4 và Omicron BA.1”.

Mặc dù số ca lây nhiễm đang cao chưa từng thấy nhưng người dân nhiều nước vẫn cảm thấy không đáng lo ngại nữa. Trong ảnh: trên đường phố Đức (Ảnh: Deutsche Welle).

Mặc dù số ca lây nhiễm đang cao chưa từng thấy nhưng người dân nhiều nước vẫn cảm thấy không đáng lo ngại nữa. Trong ảnh: trên đường phố Đức (Ảnh: Deutsche Welle).

Deltacron có nguy hiểm hơn không?

Trong khi Delta gây ra một lịch trình bệnh nặng hơn và Omicron dễ lây lan hơn, điều đó không nhất thiết có nghĩa là sự kết hợp của hai biến thể virus này nguy hiểm hơn.

Theo cơ sở dữ liệu gen "Gisaid", phân tích về trình tự bộ gen của Viện Pasteur ở Pháp đã chỉ ra rằng Deltacron thực sự chứa đặc điểm đột biến của gen kép: nó đã tiếp nhận gen gai gần như hoàn chỉnh từ biến thể Omicron BA.1 và kết hợp với biến thể Delta AY.4. Và sự kết hợp này có thể làm cho biến thể lai dễ dàng tiếp cận với màng vật chủ hơn và do đó dễ lây nhiễm hơn.

Đặc tính này làm tăng thêm lo ngại rằng một biến thể lai dễ lây lan hơn có thể chiếm ưu thế, đặc biệt là vào thời điểm các biện pháp đang được nới lỏng trên toàn thế giới. Nó có khả năng dẫn đến sự kéo dài đại dịch và do dòng Delta trong thể hỗn hợp, có khả năng xuất hiện nhiều ca bệnh nặng hơn.

Không cần phải hoảng sợ!

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia phản ứng tương đối bình tĩnh với "Deltacron". Cho đến nay, chỉ có một số ca bệnh cá biệt được báo cáo ở Đức, Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Vương quốc Anh và Mỹ. Điều này có thể gợi ý rằng biến thể lai này không mấy nguy hiểm.

Nhà miễn dịch học Chichen Sein giải thích "Nếu đó thực sự là một biến thể lây lan nhanh hơn và gây ra bệnh nghiêm trọng, thì đã có nhiều ca bệnh liên quan rồi". Ông đồng thời nhấn mạnh rằng biến thể hỗn hợp này tất nhiên phải được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện tại, không cần phải hoảng sợ.

Etienne Simon-Lorière, chuyên gia của Viện Pasteur Pháp cũng có quan điểm tương tự. Ông lưu ý, cho đến nay, biến thể lai này vẫn cực kỳ hiếm thấy và không có dấu hiệu tăng trưởng theo cấp số nhân. Nói cách khác: biến thể này chưa cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng lo ngại.

Phản ứng tương đối bình tĩnh của các chuyên gia đối với Deltacron cũng là do các biến thể hỗn hợp của Sars-CoV-2 đã xuất hiện nhiều lần. Tiến sĩ Jeffrey Barrett, người trước đây đã lãnh đạo Dự án Bộ gene Covid-19 tại Viện nghiên cứu Wellcome Trust Sanger, giải thích rằng "điều này xảy ra trong giai đoạn chuyển đổi từ biến số chi phối này sang biến số chi phối khác. Trong trường hợp này, đó thường là một loại dị dạng khoa học, chỉ vậy thôi."

Deltacron ra đời như thế nào?

WHO cho rằng, trong tình hình các biến thể Delta và Omicron tràn lan như vậy, sự xuất hiện của các biến thể lai cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Biến thể tái tổ hợp này có thể xảy ra nếu ai đó bị nhiễm hai biến thể SARS-CoV-2 cùng một lúc. Mặc dù là cực kỳ hiếm gặp, đặc biệt là vào đầu năm nay, Omicron mới thay thế Delta làm biến thể chính, nhưng nếu ai đó tiếp xúc với cả hai loại virus cùng một lúc, họ có thể đồng thời bị nhiễm chúng.

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc hiện cao nhất thế giới với hơn 380.000 ca/ngày (Ảnh: Reuters).

Số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc hiện cao nhất thế giới với hơn 380.000 ca/ngày (Ảnh: Reuters).

Khi virus nhân lên trong tế bào vật chủ, vật chất di truyền có thể đã trộn lẫn và kết hợp thành các biến thể thứ cấp. Tuy nhiên, nó chỉ có thể là ngoại lệ bởi vì, chỉ trong những trường hợp hiếm hoi nhất, biến thể lai này mới tồn tại được, vì nó thường không có những ưu thế tiến hóa của biến thể ban đầu.

Các loại vaccine hiện có còn hiệu lực không?

Cả tiêm chủng và tiêm chủng nhắc lại đều không thể tránh được nhiễm SARS-CoV-2, thể hiện qua số lượng ca nhiễm liên tục tăng cao trong nhiều tuần qua. Điều này chủ yếu là do chủng đột biến Omicron có thể một phần vượt qua hàng rào bảo vệ miễn dịch được xây dựng trong cơ thể người thông qua các chuỗi đột biến.

Do đó, dù là đã tiêm chủng hoặc đã nhiễm bệnh trước đó đều không thể được miễn dịch hoàn toàn với Deltacron. Nhưng, biến thể hỗn hợp này cho đến nay vẫn chưa thể chiếm thượng phong, vì vậy việc tiêm phòng đủ mũi, cùng với tiêm mũi nhắc lại, ít nhất cũng ngăn ngừa được việc xuất hiện bệnh nghiêm trọng.

(Theo Deutsche Welle, 20/3),