Xuất hiện biến chủng mới của SARS-CoV-2 với 46 đột biến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một biến chủng mới của SARS-CoV-2 với 46 đột biến đã được phát hiện ở miền Nam nước Pháp.
Biến chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện ở miền Nam nước Pháp (Ảnh: AFP)
Biến chủng mới của SARS-CoV-2 được phát hiện ở miền Nam nước Pháp (Ảnh: AFP)

Biến chủng mới của COVID-19 này lần đầu tiên được phát hiện ở một bệnh nhân từ Cameroon trở về Pháp. Các nhà nghiên cứu nói rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra đánh giá về những đặc điểm của biến chủng mới.

Mới đây, biến chủng mới, B.1.640.2, được phát hiện ở 12 bệnh nhân sống tại cùng một khu vực địa lý ở miền Nam nước Pháp, một nhóm các nhà khoa học viết trong một bản nghiên cứu tiền xuất bản đăng tải trên website medRxiv hồi tuần trước.

Biến chủng mới có liên quan tới phả hệ B.1.640, hiện đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp loại biến chủng đang được theo dõi từ tháng 11/2021.

Theo báo cáo mới, bệnh nhân đầu tiên mắc biến chủng mới này là một người trưởng thành, đã được tiêm vaccine COVID-19, đã di chuyển tới Cameroon và sau đó trở về một ngôi làng ở miền Nam nước Pháp. Bệnh nhân này xuất hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh vào thời điểm một ngày trước khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

Phân tích gene của biến chủng mới cho thấy nó có 46 đột biến, theo các nhà nghiên cứu. “Vẫn còn quá sớm để đưa ra những đặc tính về bệnh dịch học, lâm sàng và virus học…khi chỉ dựa trên 12 ca nhiễm này”, họ viết.

“Nhìn chung, điều này một lần nữa cho thấy sự trỗi dậy của các biến chủng mới của SARS-CoV-2 và sự du nhập của chúng từ bên ngoài là rất khó lường. Và chúng sẽ khiến cho việc kiểm soát trở nên khó khăn hơn” – nhóm tác giả nghiên cứu viết thêm.

Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã đánh hồi chuông báo động về những đột biến xuất hiện ở virus corona, bởi chúng có thể làm sản sinh ra nhiều biến thể mới với khả năng lây lan nhanh hơn và kháng virus.

Sự trỗi dậy của biến chủng Omicron, được WHO xếp loại biến chủng quan ngại trong tháng 11/2021, đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới đóng cửa biên giới và thắt chặt các biện pháp kiểm soát dịch.

“Nếu đại dịch tiếp tục kéo dài, rất có khả năng nhiều biến chủng mới sẽ né được các biện pháp phòng dịch của chúng ta và trở nên hoàn toàn kháng lại các loại vaccine hiện tại” – Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuần trước cảnh báo.