Xu hướng "friend-shoring" khiến thương mại toàn cầu bị chia rẽ sâu sắc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nỗi lo về chính trị và an ninh kinh tế đã khiến nhiều quốc gia xoay trục sang các đối tác thân hữu, ảnh hưởng tới hoạt động thương mại toàn cầu.

Các quốc gia đang giao dịch với một nhóm ít đa dạng hơn trong bối cảnh có sự chia rẽ về địa chính trị và những lo ngại về an ninh kinh tế (Ảnh: Nikkei)
Các quốc gia đang giao dịch với một nhóm ít đa dạng hơn trong bối cảnh có sự chia rẽ về địa chính trị và những lo ngại về an ninh kinh tế (Ảnh: Nikkei)

Friend-shoring là gì?

Friend-shoring là hoạt động xảy ra khi một chính phủ thúc đẩy các doanh nghiệp tái cơ cấu chuỗi cung ứng, chuyển hoạt động sản xuất từ các đối thủ địa chính trị sang các nước thân thiện hơn.

Friend-shoring là đầu được được Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đề cập như một chiến lược chính thức trong một sự kiện hồi tháng 4/2022.

Bà Janet Yellen cũng nhắc lại thông điệp này trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2023. Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, friend-shoring là một cách tiếp cận mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi nhằm mục đích xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy.

Ngày 5/10, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo mức tăng trưởng 0,8% trong thương mại hàng hóa toàn cầu vào năm 2023, giảm mạnh so với mức dự báo 1,7% mà họ đưa ra trong tháng 4.

Sự suy giảm này phần nào phản ánh những trở ngại kinh tế do lạm phát gây ra, chủ yếu là ở châu Âu. Nhưng sự thay đổi về động lực thương mại trên toàn cầu cũng đóng một vai trò nhất định.

Những lo ngại về an ninh kinh tế đang thúc đẩy các nước định hình lại chuỗi cung ứng để chuyển chúng sang các quốc gia và khu vực thân thiện, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chất bán dẫn.

Sự phân mảnh thương mại có thể dẫn đến giá nguyên liệu cao hơn và mạng lưới phân phối nhỏ hơn, gây sức ép lên nền kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng sự phân mảnh thương mại kéo dài sẽ làm giảm tới 7% GDP toàn cầu.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) báo cáo rằng chỉ số đo lường sự đa dạng hóa của các đối tác thương mại đã giảm 5,8% xuống 94,2 trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay, so với mức cơ bản là 100 cách đây một năm. Chỉ số này đo lường mức độ tập trung của thị trường.

1.png
Các quốc gia đang giao dịch với một nhóm đối tác ít đa dạng hơn (Ảnh: UNCTAD)

Sự 'gần gũi' về địa chính trị giữa các đối tác thương mại, dựa trên cách họ bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ, đã tăng 2,7%. Nhưng khoảng cách địa lý trong lĩnh vực thương mại vẫn không thay đổi.

“Điều này cho thấy sự định hướng lại các dòng chảy thương mại song phương nhằm ưu tiên các quốc gia có giá trị chính trị tương đồng”, UNCTAD cho biết, về xu hướng được gọi là “friend-shoring”.

Trong khi đó, hoạt động thương mại giữa các đối tác có sự khác biệt về chính trị đã bị ảnh hưởng. Vào tháng 10/2022, Mỹ đã đưa ra các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, trong khi nhiều chính phủ đã trừng phạt Nga kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng nổ vào đầu năm 2022.

Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chiếm 11,9% tổng thương mại của hai nước trong quý từ tháng 1 đến tháng 3, giảm 2,7 điểm so với 2 năm trước, theo UNCTAD. Con số này dự kiến ​​sẽ giảm thêm xuống còn 11,6% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6.

Ukraine đã tăng sự phụ thuộc thương mại vào Liên minh châu Âu (EU) trung bình thêm 20,5% trong năm tính đến tháng 3. Ngược lại, Nga đã giảm sự phụ thuộc vào EU 5,6% trong khi tăng hoạt động thương mại với Trung Quốc thêm 3,7%.

Gần đây hơn, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu hải sản Nhật Bản trong tháng 8 do nước này xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Các chuyến hàng thực phẩm của Nhật Bản đến Trung Quốc đã giảm 58% trong tháng 9.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Reuters, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa Israel và Hamas cũng có thể “có tác động thực sự lớn đến thương mại” nếu chiến sự mở rộng./.

Theo Nikkei Asia