Xiaomi chính thức nhảy vào lĩnh vực sản xuất xe ô tô điện

VietTimes – Xiaomi đã thu hút nhiều sự chú ý khi công bố sản xuất ô tô điện vào tháng 3 năm nay. Mới đây, Xiaomi chính thức thông báo hoàn thành việc đăng ký công nghiệp và thương mại cho Xiaomi EV. 
Ảnh: Sina

Sau gần nửa năm, cuối cùng chúng ta cũng được chứng kiến ​​bước tiến mới của Xiaomi trong việc sản xuất ô tô.

Ngày 1/9, Lei Jun, Chủ tịch Tập đoàn Xiaomi đã thông báo về việc đăng ký chính thức của công ty xe hơi Xiaomi trên Weibo.

Tên của công ty con là Xiaomi EV, được thành lập với số vốn đăng ký được công bố trước đó là 10 tỉ NDT, tương đương 1,55 tỉ USD. Lei Jun, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Xiaomi, là người đại diện theo pháp luật.

Lei Jun và đội ngũ nhân sự cấp cao trong mảng chế tạo xe điện

Nhìn từ thế giới bên ngoài, kế hoạch sản xuất ô tô của Xiaomi có vẻ "tham vọng cao, hành động chậm". Nửa năm nay, kế hoạch chế tạo xe hơi của Xiaomi vẫn là con số 0 tròn trĩnh trong mắt công chúng. Ngay cả Skyworth, hãng tuyên bố chế tạo xe hơi muộn hơn Xiaomi một chút, cũng đã ra mắt mẫu đầu tiên EV6 vào tháng 7. Ngược lại, Xiaomi quả thực là đang đi theo con đường "mưa dầm thấm lâu".

Giờ đây, Lei Jun đã trở lại và là người đảm nhiệm vị trí chính. Nhiều người tự hỏi liệu những thành tựu và danh tiếng trong cuộc đời của ông có thể tái tạo thành công của Xiaomi một lần nữa hay không.

Năm tháng sau khi dự án được thành lập, Xiaomi đã đi đâu?

Theo quan điểm hiện tại, việc sản xuất ô tô của Xiaomi sẽ sử dụng nguồn lực cũ để hoàn thành việc phát triển và xây dựng mảng kinh doanh mới, sau đó dần giới thiệu những chuyên gia và nhân tài cần thiết để lấp đầy chỗ thiếu hụt.

Hai nhân vật chủ chốt trong kế hoạch chế tạo ô tô của Xiaomi là Wang Chuan và Li Wanqiang.

Năm ngoái, dự án sản xuất ô tô của Xiaomi đã bước vào giai đoạn lập kế hoạch. Wang Chuan khám phá toàn diện ngành công nghiệp xe hơi thông minh, gặp gỡ các nhân tài trong ngành công nghiệp ô tô, đồng thời điều tra toàn diện công nghệ và nhà máy sản xuất ô tô.

Ngoài chịu trách nhiệm về tiếp thị, Li Wanqiang cũng chịu trách nhiệm về tài chính và quan hệ chính phủ dưới danh nghĩa là Giám đốc điều hành.

Nếu những tiếp xúc ban đầu này chỉ là nghiên cứu thì sau khi chính thức công bố chế tạo xe giai đoạn 1 đầu tư 10 tỉ NDT, Xiaomi đã bắt đầu hàng loạt đợt "tuyển quân, tậu ngựa".

Theo trang web chính thức của Xiaomi, chỉ tính riêng từ tháng 6, Xiami đã tuyển dụng hàng loạt vị trí liên quan trong ngành ô tô gồm nhân sự cho nền tảng dữ liệu, cơ sở hạ tầng trên xe và lập bản đồ có độ chính xác cao. Ông chủ Lei Jun cũng đăng Weibo cho biết, đợt đầu tiên sẽ tuyển dụng 500 kỹ sư ưu tú để cùng nhau phát triển khả năng lái xe thông minh L4.

Ngoài việc chiêu mộ nhân tài, Xiaomi cũng đang tập trung đầu tư và mua lại các công ty trong chuỗi ngành.

Ví dụ, Xiaomi đã liên tiếp đầu tư vào các công ty công nghệ như Zongmu Technology, Hesai Technology, Geometry Partners và Aipark, đồng thời mua lại DeepMotion, một công ty công nghệ lái xe tự hành.

Ngoài các công ty liên quan đến công nghệ ô tô, Xiaomi cũng đã đầu tư vào các công ty liên quan đến chip và pin như Ruimi Technology, SVOLT, Ganfeng Lithium,...

Bất kể số lượng các vị trí tuyển dụng và các công ty đầu tư tăng đột biến, cách bố trí của Xiaomi thực sự rất có cấu trúc.

Trước hết, hãng đầu tư vào chuỗi sinh thái giao thông thông minh (ZongMu Technology × AiPark) và chuỗi cung ứng lái xe tự động (Hesai Technology × Geometry Partners) để xây dựng khung cơ bản.

Sau đó, giải quyết vấn đề của chuỗi cung ứng năng lượng sản xuất ô tô (SVOLT × Ganfeng Lithium), đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp tích hợp theo chiều dọc ở cả thượng nguồn và hạ nguồn.

Cuối cùng, nhóm DeepMotion với những tiến bộ và công nghệ mới mở đường cho nền tảng lái xe tự hành.

Trong quá khứ, Xiaomi cũng dựa vào lối chơi tích hợp để nhanh chóng đạt được đà phát triển trên thị trường điện thoại di động và AIoT (Artificial Intelligence of Things) khi mới thành lập.

Theo kế hoạch của Xiaomi, trong năm nay Xiaomi cần hoàn thành việc nghiên cứu thị trường, định vị sản phẩm và bắt đầu giai đoạn thiết kế xe hơi.

Hiện trụ sở chính của Xiaomi EV được đặt tại Bắc Kinh, nhà máy đầu tiên rất có thể sẽ được đặt tại Bắc Kinh, nhưng việc xây dựng nhà máy sẽ mất ít nhất hai năm. Việc lắp ráp các bộ phận tiếp theo, kiểm tra độ bền và các bài kiểm tra chất lượng cũng mất hơn một năm.

Mặc dù chiến lược cụ thể về sản xuất ô tô của Xiaomi vẫn chưa hoàn thiện, nhưng thông qua hàng loạt hoạt động tuyển dụng, mua bán và sáp nhập, đầu tư, xây dựng nhà máy và các hoạt động khác, bố cục của Xiaomi đã dần trở nên rõ ràng: trong giai đoạn đầu tiên của sản xuất ô tô, Xiaomi sẽ thực hiện hoàn thiện phần cứng.

Việc tích hợp tài nguyên, nền tảng lái xe là ưu tiên hàng đầu và Xiaomi sẽ tự nghiên cứu, tìm nhà sản xuất pin trong nước để tùy chỉnh pin phù hợp với nhu cầu.

Lợi thế và khó khăn của Xiaomi trong canh bạc mạo hiểm

Ảnh: Sina

Dù là đầu tư hay mua lại, phương thức tích hợp này quả thực là một cách hiệu quả để Xiaomi cất cánh trong lĩnh vực xe điện, nhưng nó cũng sẽ thu hút câu hỏi của nhiều người: Cơ hội để Xiaomi chế tạo một chiếc xe điện là gì?

Đánh giá từ kinh nghiệm trong quá khứ của Lei Jun và tích lũy nhiều năm kiểm soát chất lượng của Xiaomi, công ty có khá nhiều lợi thế trong việc sản xuất ô tô.

Trong những năm đầu, Lei Jun đã tham gia tài trợ với tư cách là nhà đầu tư trước khi hai hãng xe điện Trung Quốc Xpeng và Nio niêm yết. Trong 4 tháng sau khi công bố kế hoạch xe, ông thường xuyên đến thăm Changan, GAC Group, SAIC-GM-Wuling, Great Wall, Dongfeng, Bosch, CATL và các nhà cung cấp xe khác.

Do đó, không thể nói rằng Lei Jun không hiểu về xe điện. Những năm tiếp xúc và kinh nghiệm khảo sát của ông đã giảm đáng kể ngưỡng và khó khăn để Xiaomi tham gia cuộc chơi.

Thứ hai, mặc dù điện thoại di động không thể so sánh với ô tô về kích thước, số lượng bộ phận và độ phức tạp, nhưng khả năng kiểm soát chuỗi cung ứng và kinh nghiệm R&D phần cứng của Xiaomi vẫn có thể áp dụng. Đồng thời, khả năng tích hợp phần cứng và phần mềm mạnh mẽ của hãng có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái xung quanh những chiếc xe thông minh.

Hơn nữa, cách bố trí rộng rãi của Xiaomi về mặt sản xuất và khả năng thành lập một nhà máy ở Bắc Kinh cho thấy rằng Xiaomi không chỉ đơn giản đi theo mô hình OEM. Mặc dù điều này có thể làm tăng áp lực mô hình sản xuất ô tô của chính Xiaomi, nhưng nó mang lại lợi ích về mặt tích hợp chuỗi cung ứng, kiểm soát chất lượng và tăng tốc sản xuất hàng loạt.

Về xây dựng cộng đồng, Xiaomi bắt đầu kinh doanh bằng việc dựa vào lượng người hâm mộ, do đó, hãng hiện sở hữu số lượng người dùng nhiều hơn các đối thủ khác trong ngành công nghiệp ô tô điện và đây cũng là một trong những niềm tin lớn nhất của Xiaomi trong việc sản xuất ô tô.

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc chế tạo ô tô nhưng để hoàn thiện một chiếc ô tô không phải chuyện một sớm một chiều. Xây dựng ô tô của Xiaomi bắt đầu bằng hội nhập, nhưng hội nhập cũng là thế khó của Xiaomi.

Dễ nhìn nhất là khoảng trống của công nghệ cốt lõi. Theo thông tin về bằng sáng chế công khai, Xiaomi đã bắt đầu đăng ký các bằng sáng chế liên quan đến công nghệ ô tô từ năm 2012. Tính đến năm 2020, số lượng bằng sáng chế liên quan đến ô tô của Tập đoàn Xiaomi đã vượt quá 800, nhưng nội dung chủ yếu liên quan đến điều hướng, định vị và Internet vạn vật. Các công nghệ liên quan khác như nguồn điện, lưu trữ năng lượng, tản nhiệt và lái xe tự hành là những lĩnh vực tương đối trống đối với Xiaomi.

Về nội dung bằng sáng chế, hệ thống giám sát người lái (DMS) của Xiaomi chỉ bắt buộc đối với các công nghệ lái xe tự hành cấp độ thấp như cấp độ L2-L3. Đối với tính năng tự lái cấp độ L4, Xiaomi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Hiện tại, hầu hết các lực lượng xe mới và các công ty công nghệ lái xe thông minh chọn trực tiếp tập trung vào chế độ lái xe tự động L4. Dưới nền tảng công nghiệp như vậy, chất lượng bằng sáng chế của Xiaomi rõ ràng không cao.

Xiaomi không có nhiều lợi thế về mặt kỹ thuật, và chuỗi cung ứng và quy trình sản xuất xe hơi cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Ô tô, một sản phẩm tiêu dùng liên quan đến an toàn quy mô lớn, chúng phức tạp hơn nhiều so với sản xuất điện thoại thông minh và có chuỗi cung ứng dài hơn.

Ngoài việc nghiên cứu, phát triển phần mềm và phần cứng ban đầu, các công ty phải thực hiện một số lượng lớn các thử nghiệm, trình diễn và liên kết thử nghiệm. Mỗi bước sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Việc thiết kế và kết hợp hàng chục nghìn bộ phận trong toàn bộ chiếc xe, kết quả vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Ngay cả khi R&D, thiết kế và lắp ráp hoàn thành, Xiaomi vẫn phải đối mặt với vấn đề sản xuất hàng loạt.

Đồng thời, sản xuất ô tô là ngành kinh doanh nặng về tài chính, sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực, đồng thời mang lại gánh nặng tài chính dài hạn cho công ty, có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận hiện tại của công ty.

10 tỉ NDT mà Xiaomi đầu tư trong giai đoạn đầu quả thực là con số lớn, xét cho cùng, con số này đã vượt quá chi phí nghiên cứu và phát triển của cả năm ngoái của Xiaomi. Nhưng đối với ngành công nghiệp xe hơi thông minh, tất cả vẫn đang trong giai đoạn đốt tiền, con số này có thể chỉ là khởi đầu.

Ngay cả khi dự trữ tiền mặt hơn 100 tỉ NDT, ngưỡng để xây dựng một chiếc ô tô từ 20 đến 30 tỉ NDT vẫn không phải con số gây kinh ngạc trong ngành.

Hướng đi cho xe Xiaomi là gì?

Xây dựng ô tô điện là một trận chiến then chốt và đặt cược vào danh tiếng cá nhân của Lei Jun và tương lai mới của Xiaomi.

Dữ liệu công khai cho thấy hiện có hơn 100 công ty trong lĩnh vực xe hơi mới. Ngay cả khi Xiaomi tham gia cuộc chơi với đủ vốn dự trữ, thì việc ra mắt sản phẩm, sản xuất hàng loạt và mở cửa thị trường cũng cần có thời gian. Tất cả thắc mắc, nghi ngờ của người ngoài cuộc, Lei Jun và các giám đốc điều hành của Xiaomi đương nhiên biết, nhưng tại sao họ vẫn quyết định lao vào cuộc chơi?

"Nếu một công ty chỉ đặt cược vào một tương lai, điều đó có nghĩa là không có tương lai". Câu này trong "Ký sự cuộc chiến sinh thái của Xiaomi" có thể giải thích lý do tại sao Lei Jun đích thân dẫn dắt đội và bước vào cuộc chiến khốc liệt bậc nhất trên thị trường hiện nay.

Thị trường điện thoại thông minh đã bước vào tình trạng bão hòa và Xiaomi cần những điểm tăng trưởng kinh doanh mới. Tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, điện khí hóa và trí tuệ nhân tạo là hướng phát triển được công nhận trên thị trường hiện nay. Với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ thông minh, ô tô thông minh không chỉ là phương tiện giải trí mà còn có ý nghĩa to lớn đối với lãnh thổ AloT của Xiaomi.

Nhìn lại quá trình phát triển của điện thoại di động Xiaomi, không khó để nhận thấy rằng ngoài việc nắm bắt lợi tức nhân khẩu học của Internet di động, điểm quan trọng hơn là Xiaomi đã học hỏi được từ chuỗi ngành điện thoại di động hoàn chỉnh của Apple.

Quay trở lại hiện tại, Xiaomi cũng sẽ đối mặt với một lực lượng đối thủ cạnh tranh hùng hậu là những công ty nuôi tham vọng sản xuất ô tô điện quy mô lớn, bao gồm những tên tuổi tương đối mới như Tesla và cả những hãng xe truyền thống như Volkswagen và General Motors (GM).

Các hãng xe điện mới nổi tại Trung Quốc mọc lên như nấm sau cơn mưa. Baidu, công ty đứng sau công cụ tìm kiếm Internet lớn nhất Trung Quốc, cho biết sẽ liên doanh với Geely để sản xuất xe điện.

Huawei cũng đang tăng cường sự hiện diện của mình ở lĩnh vực xe tự lái. Mới đây, hãng cho biết đang đặt mục tiêu sẽ tự chủ công nghệ xe tự lái "thực sự" vào 2025.

Trong hai năm tới, chuỗi ngành sản xuất xe điện thông minh Trung Quốc sẽ phát triển và cải thiện với tốc độ không tưởng. Ông chủ Lei, người luôn coi trọng xu hướng mới, chắc chắn sẽ không bỏ lỡ miếng bánh béo bở này.

Hiện nay, trong thị trường xe điện thông minh nội địa Trung Quốc, có bốn thế lực mới trong nhóm phân khúc cao cấp (Nio, Li Auto, Xpeng và BYD), và Wuling và Changan cấp thấp đang trên đà phát triển. Nhưng vấn đề là phân khúc cao cấp khó có thể đảm đương nhiệm vụ phổ cập nhanh chóng các loại xe điện tự hành, trong khi phân khúc cấp thấp thì không đủ thông minh.

Trong thông báo sản xuất ô tô của Xiaomi, hãng mô tả các sản phẩm ô tô như sau: "Xiaomi hy vọng sẽ sử dụng những chiếc ô tô điện thông minh chất lượng cao để người dùng toàn cầu tận hưởng cuộc sống thông minh ở khắp mọi nơi". Mô hình đầu tiên sẽ là định vị ở phân khúc cao cấp, và sử dụng công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, đánh giá từ cuộc thăm dò giá xe điện Xiaomi do Lei Jun khởi xướng trên Weibo, nhiều cư dân mạng phần lớn chọn ít hơn 100.000 NDT, tiếp theo là 100.000-200.000 và hơn 300.000 có ít người chọn nhất.

Điều này có nghĩa là kỳ vọng của mọi người về Xiaomi vẫn là "tiết kiệm chi phí", và thậm chí còn nói rằng miễn là Xiaomi tạo ra một chiếc xe điện thông minh đủ tiêu chuẩn và liên quan đến hệ sinh thái Xiaomi, thì về cơ bản, nó sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dùng.

Và Xiaomi, hãng đã mang đến những chiếc điện thoại siêu rẻ cho ngành điện thoại thông minh, quả thực là phù hợp để tạo ra một sản phẩm cực kỳ tiết kiệm chi phí, cũng phù hợp với chi phí cạnh tranh mà Xiaomi đã tích lũy trong nhiều năm qua.

Suy đoán này không phải là không có cơ sở. Trên lộ trình kỹ thuật của lái xe tự hành, Xiaomi "đặt cược" vào DeepMotion (Công nghệ chuyển động sâu), tập trung vào việc phát triển bản đồ và công nghệ định vị có độ chính xác cao.

Nói cách khác, so với độ chính xác và chi phí cao hơn của công nghệ Lidar, Xiaomi đã chọn con đường tầm nhìn hình ảnh với chi phí thấp hơn để đẩy nhanh việc hiện thực hóa công nghệ và tiếp cận thị trường.

Kết luận

Trong thị trường tương đối trưởng thành, Xiaomi, với tư cách là làn sóng thứ ba của lực lượng sản xuất xe hơi mới, có khả năng và sẵn sàng bắt đầu kỷ nguyên xe điện thông minh toàn diện.

"Đây sẽ là dự án kinh doanh lớn cuối cùng trong cuộc đời tôi. Tôi sẵn sàng đánh cược mọi danh tiếng của cuộc đời mình, đích thân lãnh đạo nhóm và chiến đấu vì những chiếc xe của Xiaomi" - CEO Lei Jun không ít lần thể hiện quyết tâm với mảng xe điện.

Dù còn rất lâu nữa mới đến thời điểm ra mắt sản phẩm và sản xuất hàng loạt, nhưng người dùng Trung Quốc đang trông đợi những chiếc xe Xiaomi giống với tâm trạng mong chờ những chiếc điện thoại Xiaomi ngày nào.

Theo Sina