Câu chuyện đối lập về trần và sàn
Như thông tin mới đây ông Lê Thanh Vân - Hiệu trưởng trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) - cho biết, trong số 191 học sinh bất ngờ nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), chỉ có một em đến nhận giấy báo của trường, và em này chưa chắc đã đi nhập học.
Câu chuyện làm rúng động dư luận bởi giáo dục cũng như bất kỳ ngành nào cũng cần những đầu vào - nguyên liệu tốt nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra tốt. Chất lượng sinh viên đầu vào cùng với năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học của đội ngũ nhà giáo là những yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực đầu ra cho xã hội.
Trao đổi với VietTimes, thạc sĩ Vũ Tuấn Anh – chuyên gia hướng nghiệp và khởi nghiệp khẳng định: “Sinh viên được tuyển vào Đại học với điểm sàn 15-16 điểm đa số sẽ có năng lực, ý chí và phương pháp học tập kém hơn những bạn có điểm vào Đại học trên 25 điểm. Tuy nhiên, vấn đề không dừng lại ở chỗ những ngày đi học. Sau 4 năm học Đại học, các bạn sinh viên dù là đầu vào kém hoặc tốt thì khi ra trường đều phải đáp ứng được yêu cầu sử dụng lao động từ doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn tuyển dụng không phải sàn mà là trần – chỉ tuyển chọn những người giỏi nhất, phù hợp nhất”.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh (ngoài cùng bên trái) trong lễ phát động cuộc thi khởi nghiệp năm 2020 của Bộ Giáo dục (Ảnh: T.B)
|
Thừa và thiếu nhân lực trong xã hội
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh đưa quan điểm: “Câu hỏi thứ nhất đặt ra là lúc đi học thì liệu những bạn sinh viên có đầu vào 15-16 điểm có khả năng học tập, nghiên cứu, tiếp thu kiến thức tốt ngang bằng với các bạn có điểm đầu vào cao hơn hẳn hay không?”
“Thứ hai, với đầu vào thấp như vậy thì liệu các trường Đại học nhận sinh viên xét tuyển điểm sàn có sở hữu những nguồn lực vượt trội hơn các Đại học khác như giảng viên giỏi, cơ sở vật chất tốt, có điều kiện nghiên cứu khoa học để trong 4 năm bù đắp cho sinh viên lấp đầy khoảng thiếu hụt năng lực ở đầu vào hay không?” – Ông Vũ Tuấn Anh đặt vấn đề.
Rất cần gióng lên tiếng chuông báo động về Đại học tuyển sinh điểm sàn, bởi chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng đại học nói riêng đóng vai trò quan trọng trong xã hội.
“Thứ ba, xét tuyển Đại học điểm sàn có phải là nguyên nhân chính yếu cho hiện trạng thừa và thiếu nhân lực trong xã hội? Bởi vì giáo dục khác với các ngành khác ở chỗ sản phẩm đầu ra là con người; không thể nào hễ hỏng thì sửa chữa như những sản phẩm thông dụng. Chúng ta đã thấy vấn nạn các cử nhân tốt nghiệp ra trường là thất nghiệp. Thay vì phấn đấu học tập phát triển để vươn lên trong tương lai thì các bạn lại vui lòng và thỏa mãn với những nghề nghiệp giản đơn như chạy xe ôm công nghệ. Có thể nói, càng nhiều đại học xét tuyển điểm sàn, xã hội sẽ càng có nhiều lực lượng lao động có bằng đại học trên danh nghĩa nhưng hoàn toàn thiếu đi tri thức, kỹ năng, thái độ của lao động tương lai” – Ông Vũ Tuấn Anh đặt vấn đề.
Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh là chuyên gia hướng nghiệp và khởi nghiệp (Ảnh: T.B)
|
Đặc biệt, điều mà thạc sĩ Vũ Tuấn Anh thẳng thắn trao đổi trong cuộc trò chuyện với VietTimes sẽ khiến không ít người trong ngành giáo dục không vui nhưng vẫn cần phải nói:
“Khi cuộc cạnh tranh tuyển sinh điểm sàn tới hồi kịch tính thì chúng ta sẽ thấy có nhiều “chiêu trò” tưởng như chỉ xẩy ra trong chốn “chợ búa” bình dân nhưng đáng tiếc lại xẩy ra trong môi trường Đại học, nơi sự tử tế chuẩn mực phải được áp dụng hàng đầu. Từ việc đại học Gia Định gửi tin nhắn: “Diem thi cua ban rat thap, dung cho doi NV, den ngay DH Gia Dinh” (tạm dịch nghĩa: “Điểm thi của bạn rất thấp, đừng chờ đợi nguyện vọng, đến ngay Đại học Gia Định”) để chào mời tuyển sinh điểm xét tuyển thấp điểm cho tới sự kiện Đại học Hồng Bàng mới đây tự động gửi thư trúng tuyển điểm sàn tới hàng trăm em học sinh ở Kiên Giang. Tệ hơn nữa, còn có cả thư nặc danh gửi tới các phụ huynh và học sinh “bôi nhọ” hàng loạt trường Đại học ở Đà Nẵng trong thời điểm tuyển sinh năm học mới. Phải chăng “cuộc chiến” tuyển sinh đã tiến tới mức độ sinh tồn trong các trường Đại học nên các “chiêu trò” nở rộ song hành với việc hạ thấp điểm chuẩn xét tuyển tới mức thấp nhất có thể?”
Xét tuyển điểm sàn không chỉ ảnh hưởng tới sinh viên mà còn tới sự phát triển của giáo dục bậc Đại học lâu dài và bền vững. Bởi vì không chỉ người trong ngành mà ngay cả người ngoài ngành Giáo dục cũng nhìn rõ tình trạng nực cười trong khi nhiều Đại học cố gắng đạt các tiêu chuẩn kiểm định, nghiên cứu khoa học quốc tế, đạt sao đánh giá chất lượng nhưng điểm xét tuyển thì lại “lết sàn” từ năm nọ qua năm kia?
Đại học Hồng Bàng (TP.HCM) vừa gây xôn xao dư luận vì thư trúng tuyển điểm sàn gửi tới hàng trăm sinh viên - Ảnh - HIU
|
Liệu có cần đặt vấn đề về chất lượng giáo dục được quảng bá rộng rãi có phải là thực chất của các Đại học đó không hay chỉ là những “chiêu trò” ảo nhằm “đánh bóng thương hiệu” để tuyển sinh điểm sàn?
Chất lượng chính là phần cốt lõi của thương hiệu, điều này hoàn toàn đúng cho Giáo dục cũng như bất kỳ ngành nghề nào khác. Nhưng vì sản phẩm của ngành Giáo dục là con người, chất lượng của ngành Giáo dục sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng của toàn xã hội. Vì thế, xét tuyển điểm sàn không còn là vấn đề của riêng Đại học hay ngành Giáo dục nữa mà nó đã trở thành vấn đề của xã hội.
“Nguồn nhân lực tương lai cần phải được định hướng đúng vào các cấp độ khác nhau của nền kinh tế. Tháp nhân lực trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng đòi hỏi nhiều cấp độ đại học, cao đẳng, nghề v.v. Có thể nói rằng chúng ta tuyển sinh điểm sàn một bạn sinh viên vào Đại học là sẽ tạo ra một cử nhân thất nghiệp nhưng lại mất đi một lao động giỏi nghề trong tương lai. Vấn đề đó cần phải được nghiên cứu sâu sắc và không ai khác, chính Bộ Giáo dục cần phải có những chính sách quyết liệt nhằm chấm dứt hiện trạng tuyển sinh điểm sàn, giải quyết bài toán của sinh viên, nhà trường và xã hội” – Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.