Xem hệ thống phòng không tối tân Iron Dome của Israel cùng lúc tiêu diệt nhiều mục tiêu

VietTimes – Giữa lúc tình hình Trung Đông ngày thêm căng thẳng, Bộ Quốc phòng Israel thông báo đã hoàn thành nâng cấp hệ thống phòng không Iron Dome, thử nghiệm thành công đánh chặn và tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu.
Hệ thống Iron Dome phóng tên lửa đánh chặn (Ảnh: wiki).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 17/3, Bộ Quốc phòng Israel hôm 16/3 tuyên bố rằng hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) trong quá trình thử nghiệm đã phải đối mặt với các tình huống phức tạp, nhưng đã đánh chặn và tiêu diệt thành công tất cả các mục tiêu mô phỏng mối đe dọa đang có và mới xuất hiện; bao gồm một loạt máy bay không người lái, đạn rocket và tên lửa đạn đạo ồ ạt tấn công cùng lúc.

Theo một đoạn video do Bộ Quốc phòng Israel phòng công bố, hệ thống Iron Dome tiên tiếp phóng các tên lửa đánh chặn, đánh chính xác và tiêu diệt nhiều mục tiêu trên không cùng lúc. Phiên bản mới của hệ thống Iron Dome này sẽ được chuyển giao cho hải quân và không quân Israel để tăng cường khả năng của mạng lưới phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Israel. Iron Dome sẽ là tuyến phòng thủ cuối cùng.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết, trước những mối đe dọa mới xuất hiện và thay đổi nhanh chóng, những khả năng mới này của hệ thống Iron Dome rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của Israel. Điều trùng hợp là, trước đó quân đội Israel đã cảnh báo rằng một cuộc xung đột mới với nhóm phiến quân Hezbollah do Iran hỗ trợ có thể nổ ra và cho biết phía đối phương đang không ngừng cải thiện khả năng của tên lửa và máy bay không người lái. Hệ thống Iron Dome đã hoạt động được 10 năm và có kinh nghiệm tác chiến phong phú, nó đã nhiều lần đánh chặn thành công tên lửa do các chiến binh phóng từ Dải Gaza sang đất Israel.

Một bệ phóng tên lửa trong hệ thống Iron Dome (Ảnh: wiki).

Iron Dome là một hệ thống tên lửa phòng không di động hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết được hãng Rafael Advanced Defense Systems phát triển. Nó là một hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn và phá hủy các tên lửa và rocket ở khoảng cách từ 5 đến 70 km và có quỹ đạo tấn công vào các khu vực đông dân cư.

Hệ thống phòng thủ Iron Dome bao gồm các thiết bị phóng, radar điều khiển và giám sát; có thể tự động phát hiện các loại mục tiêu đang bay tới và tự động phóng tên lửa để đánh chặn mục tiêu trên không.

Hệ thống Iron Dome được tạo ra để làm một biện pháp phòng thủ đối phó với mối đe doạ tấn công của tên lửa nhằm vào dân thường Israel trên đường biên giới phía Bắc và phía Nam, sử dụng công nghệ trong hệ thống SPYDER của hãng Rafael. Iron Dome được tuyên bố hoạt động và bắt đầu triển khai ngày 27/3/2011 gần Beersheba. Ngày 7/4 năm đó, Iron Dome lần đầu tiên đã đánh chặn thành công đạn hỏa tiễn Grad phóng ra từ dải Gaza. Ngày 10/3/2012, báo Jerusalem Post đăng bài nói hệ thống Iron Dome đã bắn hạ 90% tên lửa phóng từ Gaza nhằm vào các khu vực dân cư. Đến tháng 11/2012, hệ thống này đã chặn được hơn 400 quả rocket. Hệ thống Iron Dome cũng có hiệu quả chống lại máy bay ở độ cao tối đa 10.000 mét.

Mỗi hệ thống (khẩu đội) Iron Dome với 60 ống phóng tên lửa cần tới khoảng 50 triệu USD chi phí chế tạo và lắp đặt. Đến năm 2018, có 10 hệ thống đang hoạt động, nhưng các nhà chức trách dự định có thêm 5 hệ thống nữa. Mỗi tên lửa đánh chặn Tamir mà hệ thống này sử dụng có giá xấp xỉ 90.000 USD.

Video do Bộ Quốc phòng Israel công bố về hệ thống Iron Dome mới nâng cấp đánh chặn thành công nhiều mục tiêu cùng lúc (Video: Đông Phương).

Theo thống kê của Israel, trong tuần đầu tháng 5/2019, hai nhóm vũ trang là Hamas và Jihad đã phóng tổng cộng gần 700 quả rocket từ Gaza vào lãnh thổ Israel. Những cuộc tấn công khiến 4 người Israel thiệt mạng và gần 200 người khác bị thương. Trong tổng số 690 quả rocket được bắn vào Israel, có 240 quả bị Iron Dome đánh chặn được ghi nhận. Mặc dù quân đội Israel tuyên bố tỷ lệ đánh chặn tên lửa là trên 85%, nhưng chưa có bằng chứng xác thực. Tỷ lệ đánh chặn thấp đã khiến Issrael cân nhắc điều tra về hiệu quả tác chiến của hệ thống này và tiến hành cải tiến, nâng cấp.

Một nhược điểm khác là chi phí đắt đỏ của hệ thống; mỗi quả đạn tên lửa của Iron Dome trị giá gần 100.000 USD, trong khi mục tiêu của có thể chỉ là những quả đạn rocket tự chế rất rẻ tiền, giá chỉ cỡ 800 USD mỗi quả. Mỗi đợt tấn công, các nhóm vũ trang chống Israel có thể phóng hàng trăm rocket tự chế vào lãnh thổ Israel, để đánh chặn số rocket này thì Israel sẽ phải tiêu tốn hàng trăm tên lửa, tổng trị giá lên tới vài chục triệu USD.

Một số chỉ số kỹ thuật của Iron Dome: đạn tên lửa dài 3m, đường kính 160mm, trọng lượng đạn 90kg, giá thành từ 40.000 đến 100.000 USD/quả. Mỗi hệ thống có 3 bệ phóng, mỗi bệ có 20 ống phóng tên lửa đánh chặn.