Xây dựng quân đội Việt Nam hiện đại, đủ sức đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào

VietTimes -- Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định Quân đội nhân dân Việt Nam, được Đảng và nhân dân giáo dục rèn luyện và được trang bị vũ khí tối tân, hiện đại, nhất định bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của tổ quốc, giữ vững an ninh trật tự và ổn định xã hội.
Lực lượng bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Lực lượng bộ đội đặc công đặc biệt tinh nhuệ của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng

Sáng 22/1/2016 các đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII thảo luận tại hội trường dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị QĐND Việt Nam: Xây dựng quân đội hiện đại, đủ sức đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào

Sau khi nêu lên tình hình phức tạp hiện nay trên thế giới và trong khu vực, nhất là tình hình đang có những diễn biến phức tạp tại biển Đông, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định Quân đội Nhân dân Việt Nam, được Đảng và nhân dân giáo dục rèn luyện và được trang bị vũ khí tối tân hiện đại, nhất định bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, an ninh trật tự và ổn định xã hội.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, nhà nước, nhân dân giao phó bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN, QĐND Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp quan trọng như sau:

- Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Đảng và Nhà nước về công tác quốc phòng. Cần dự báo đúng và đề ra các giải pháp hữu hiệu trong quan hệ quốc tế, nhất là với các nước lớn để bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.

- Xây dựng nền quốc phóng toàn dân vững mạnh mang đậm tính tự vệ, không đe dọa nước nào. Xây dựng vững chắc thế trận lòng dân.

- Xây dựng quân đội chính quy, hiện đại đủ sức đánh thắng bất kỳ kẻ thù và thế lực thù địch nào xâm phạm đến toàn vẹn lãnh thổ của nước ta;

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ QĐND thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh, phải đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Trong đó, số lực lượng được ưu tiên hiện đại hoá sẽ tiếp tục được mở rộng so với nhiệm kỳ Đại hội XI. Cùng với đó, quân đội thực hiện tốt đề án tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”.

"Quân đội tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn dân hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và dân giao phó", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói và cho hay, xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ thời bình là kế sách "lo giữ nước từ khi nước chưa nguy".

Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an: Trấn áp các loại tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia

Đại tướng Trần Đại Quang đã điểm lại những thành tích mà lực lượng công an nhân dân đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là việc trấn áp lượng tội phạm, các thế lực thù địch; không để xảy ra những vụ việc chống đối; không để cho các lực lượng chống đối thành lập các tổ chức đối lập. Đại tướng Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh rằng, việc trấn áp tội phạm, các loại tội phạm đã đạt được những kết quả rất tích cực. Sau đó ông Trần Đại Quang cũng đã đưa ra 5 giải pháp mà lực lượng CAND cần thực hiện tốt trong thời gian tới:

- Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết của Đảng về phát triển và đổi mới sức chiến đấu của lực lượng CAND;

- Phân tích, báo cáo, nhận diện sớm tình hình để tham mưu với Đảng và Nhà nước về công tác an ninh của đất nước; không để các thế lực thù địch, các tổ chức chống đối thành lập các tổ chức đối lập; không để các lực lượng phản động nước ngoài có cơ hội cấu kết với các thế lực chống đối trong nước có cơ hội thực hiện cái gọi là “Cách mạng màu” ở nước ta;

- Đấu tranh phòng chống tội phạm trong nước một cách hiệu quả, đẩy lùi các loại tội phạm xã hội;

- Nâng cao hiệu quả nhà nước về công tác an ninh trật tự; cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, hội nhập;

- Chăm lo công tác xây dựng Đảng, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu nhân dân cho lực lượng CAND.

Hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa

Nêu rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển đối với bảo vệ quốc phòng, an ninh, đại biểu Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, trong tâm thức mỗi cán bộ, đảng viên và 1,3 triệu người dân Quảng Ngãi, biển là một phần máu thịt, quý giá và thiêng liêng. Từ ngàn đời nay, người dân Quảng Ngãi đã bám biển và sống nhờ biển với các ngành nghề truyền thống từ khai thác, đánh bắt đến nuôi trồng, chế biến hải sản... Thương cảng nước sâu Dung Quất cùng với nhiều hải cảng, cảng cá đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo kinh tế của Quảng Ngãi trong những năm qua.

"Nhiều thế kỷ trước, nhất là đầu thế kỷ 19, lớp lớp các thế hệ dân phu từ đảo Lý Sơn đến xã Bình Châu vâng lệnh các vua chúa nhà Nguyễn lên đường ra Hoàng Sa và Trường Sa để thực thi chủ quyền, dựng bia cắm mốc và khai thác sản vật. Nhiều ngôi mộ gió và các kỷ vật, sắc chỉ, chỉ dụ của các triều vua còn lưu lại trên đảo Lý Sơn như minh chứng hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Chữ chia sẻ.

Mặc dù tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, nhưng ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản. 

Để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, gìn giữ hòa bình, ổn định an ninh trên biển, lực lượng bảo vệ biển, đảo được chú trọng xây dựng cả về tổ chức, biên chế. Các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên đảo Lý Sơn được đầu tư xây dựng khá kiên cố. Công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ được thực hiện thường xuyên. Tỉnh định kỳ tổ chức diễn tập phòng thủ khu vực nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh...

Để thực hiện mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương cần có chủ trương đầu tư xây dựng hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để tạo động lực phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa vì ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Quảng Ngãi cũng đề nghị Trung ương sớm có chủ trương đưa khí vào bờ để tạo điều kiện đẩy mạnh tiến độ phát triển Khu kinh tế Dung Quất. Đối với huyện đảo Lý Sơn, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Theo Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, nơi nào ngư dân sinh sống và sản xuất là thể hiện trên thực tế chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Vì vậy, cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, nhất là những đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển đảo. 

Đại hội cũng đã nghe các ông Mai Văn Ninh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Bình Quân, trưởng Ban đối ngoại Trung ương; ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ GTVT trình bày báo cáo công tác lĩnh vực.

LTB