Chàng phi công 27 tuổi lái “hổ mang chúa” Su-30 bảo vệ Trường Sa

Trong bộ quân phục sĩ quan không quân, Trần Thanh Luân trông chững chạc hơn so với tuổi 27. Chàng thượng úy cao gần 1,8 m, có nụ cười tỏa nắng là một trong những phi công chiến đấu trẻ nhất lái tiêm kích Su-30, thuộc Phi đội 1, Trung đoàn 935, Sư đoàn 370 của Quân chủng phòng không không quân.
Tiêm kích đa nhiệm Su-30 MK2 của không quân Việt Nam
Tiêm kích đa nhiệm Su-30 MK2 của không quân Việt Nam

Đây là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển chủ quyền phía Nam của tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Trường Sa.

Luân tốt nghiệp thủ khoa hệ đào tạo phi công quân sự, trường Sĩ quan Không quân Nha Trang. Anh là một trong 6 phi công ra trường được về đơn vị chiến đấu ngay, được bay thẳng Su-30MK2 mà không phải chuyển loại qua vài máy bay như những người khác. Đến nay, Luân có tổng cộng 450 giờ bay trên các loại máy bay chiến đấu như Iak-52, L-39, Su-30, có mặt trong tổ bay ngày và đêm, bay vùng sau để đào tạo giáo viên huấn luyện Su-30.

Trần Thanh Luân là gương mặt duy nhất đại diện cho lực lượng phòng không không quân tham dự Đại hội tài năng trẻ lần 2 tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Trần Thanh Luân là gương mặt duy nhất đại diện cho lực lượng phòng không không quân tham dự Đại hội tài năng trẻ lần 2 tổ chức ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Luân kể, cơ duyên đưa anh đến với nghiệp phi công rất tình cờ. Hồi đó, cậu học sinh lớp 12 thấy có khám tuyển phi công ở địa phương thì ghé qua kiểm tra xem sao. Ai dè, cả huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chỉ mỗi mình đủ sức khỏe. Vượt qua hai vòng khám tuyển và vòng thi văn hóa, Trần Thanh Luân bước chân vào trường.

"Lúc đó mình 18 tuổi, thích quân đội vì bố cũng là bộ đội, cũng ngưỡng mộ phi công lắm nhưng mà chưa dám nghĩ tới. Nghiệp chọn người, đó có lẽ là cái duyên", Luân nhớ lại.

6 năm rèn luyện trong trường biến Thanh Luân từ cậu học sinh có thể lực mới đáp ứng được yếu tố ban đầu dần trở thành phi công chiến đấu thực thụ. Anh cho hay, nhiều người vẫn nhầm tưởng để làm phi công chỉ cần có sức khỏe tốt là chưa đủ. Ngoài sức khỏe, bản lĩnh, lòng dũng cảm thì trí tuệ rất quan trọng, muốn bay tốt thì phải học tốt.

Về đơn vị chiến đấu, Luân "làm bạn" với Su-30 ngay. Anh mất 6 tháng miệt mài học lý thuyết, rồi thực hành bay từ tháng 6/2013 đến giờ. Chuyến đầu tiên cất cánh trên chiếc tiêm kích là đi kiểm tra địa hình. "Ấn tượng để lại trong mình quá lớn. Run thì không nhưng đứng trước một trong những khí tài hiện đại bậc nhất khu vực vẫn có một chút gì đó hơi bồn chồn xen lẫn phấn khích", anh nói.

Đối với phi công quân sự, phi công chiến đấu thì mỗi chuyến bay đều gắn liền với sinh mệnh. Dù khí tài có hiện đại đến đâu thì bản lĩnh làm chủ của con người mới là yếu tố quan trọng quyết định thành bại.

"Mình rất thích câu nói của thầy Bình tĩnh mới làm được thủ lĩnh. Đối với nghề phi công, có những người dưới mặt đất học lý thuyết khá tốt nhưng khi lên không trung thì mức độ phản xạ lại chậm. Công việc đòi hỏi nhanh nhưng phải chính xác gần như tuyệt đối nên bình tĩnh luôn là chìa khóa vàng trong mọi tình huống để làm chủ bầu trời", Luân chia sẻ.

Dù thực hiện nhiều chuyến bay trong đời, nhưng mỗi lần bay qua Trường Sa, ngắm nhìn trọn vẹn dáng hình tổ quốc từ buồng lái đều khiến thượng úy trẻ xúc động. Khi đó, lòng tự hào trong anh dâng cao và luôn tự nhủ phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc.

Đại hội tài năng trẻ toàn quốc lần 2 diễn ra từ 11 đến 13/12 tại Hà Nội với chủ đề Tài năng trẻ chung tay xây dựng đất nước. 364 đại biểu là các gương mặt trẻ có nhiều thành tích, đóng góp trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, kinh tế, nông nghiệp, an ninh quốc phòng. Đại biểu là trí thức, nhà khoa học trẻ chiếm tỷ lệ cao nhất (gần 21%) với 73 người, tiếp đến là khối công chức viên chức và doanh nhân. Đại hội lần 1 diễn ra vào năm 2009.

Theo VnE