Bộ Kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á (Ảnh - Bộ KH&CN) |
WHO khẳng định không chấp thuận bộ kit
Theo tìm hiểu của PV VietTimes, trên trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) (https://www.most.gov.vn/congdoan/tin-tuc/4/2687/bo-kit-xet-nghiem-covid--19-cua-viet-nam-san-xuat-vua-duoc-to-chuc-y-te-the-gioi-chap-thuan.aspx) đã đăng tải thông tin kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận.
Bộ KH&CN thông báo: Ngày 24/4, WHO đã chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam do Bộ KH&CN giao cho Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất.
WHO đã đánh giá bộ kit LightPower iVA SARS-CoV-2 1st RT-rPCR do Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất theo Quy trình Danh sách Sử dụng Khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.
Ngày 21/4, Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh cũng đã cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm này.
Sau khi được Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Vương quốc Anh cấp phép, bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á đã được một đối tác đặt mua độc quyền để phân phối tại Anh, Ấn Độ, Mexico, Mỹ và 1 số quốc gia tại châu Âu với số lượng cam kết ít nhất 1 triệu test/tháng.
Thông báo của Bộ KH&CN còn cho hay: Việc có thêm sự chấp thuận của WHO sẽ giúp sản phẩm dễ dàng được xuất khẩu ra các nước trên toàn thế giới. Các tổ chức như WB, quỹ CHAI dự kiến sẽ mua sản phẩm này đưa vào chương trình tài trợ cho các nước trên toàn thế giới.
Thông báo bộ kit test của Việt Á được WHO chấp thuận của Bộ KH&CN (Ảnh - VT) |
Thế nhưng, trên thực tế, WHO đã liệt bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á vào danh sách sản phẩm không được chấp thuận cho EUL (Emergency Use Listing - danh sách sử dụng khẩn cấp) trong cập nhật mới nhất ngày 10/12 (https://extranet.who.int/pqweb/sites/default/files/documents/211210_List_IVDs_NotAccepted_EUL_SARS-CoV-2.pdf?fbclid=IwAR0DiGxSspduG69fPKthEBPn41gVACG111NTYuQ1rc9UTb-giBUVf20dlVk)
Bộ Kit của Việt Á nằm trong danh sách sản phẩm không được chấp thuận cho EUL của WHO (đoạn bôi xanh) (Ảnh VT chụp màn hình) |
Được biết, EUL dựa trên rủi ro để đánh giá và liệt kê các vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán in vitro chưa được cấp phép, mục đích cuối cùng là xem xét khả năng tạm thời cung cấp các sản phẩm này cho những người bị ảnh hưởng bởi tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Quy trình EUL nhằm thúc đẩy chẩn đoán trong ống nghiệm (in vitro diagnostics) cần thiết trong các tình huống khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng và hỗ trợ các cơ quan mua sắm của Liên Hợp Quốc, các thành viên quan tâm trong việc xác định khả năng chấp thuận của việc sử dụng các sản phẩm cụ thể trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC).
Đặc biệt, WHO còn ra thông báo riêng về việc không chấp nhận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Thông báo của WHO không chấp thuận bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á (Ảnh - VT) |
Theo WHO, bộ kit Light Power iVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR (mã số EUL: EUL 0524-210-00) không được chấp nhận nên không đạt điều kiện tham gia đấu thầu của WHO. WHO yêu cầu Công ty Việt Á phải cung cấp thông tin mới nhất về tình trạng của hệ thống quản lý chất lượng của họ.
Thông tin biến mất bất ngờ
Vào 18h20 tối 20/12, PV vẫn truy cập được link thông báo về bộ kit xét nghiệm COVID-19 được WHO chấp nhận của Bộ KH&CN. Tuy nhiên, đến 7h tối link bài viết trên đã bị gỡ mà không hề có 1 lời giải thích chính thức từ Bộ KH&CN.
Mặc dù đã gỡ tin nhưng thông tin về bộ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á được WHO chấp thuận do Bộ KH&CN cung cấp vẫn còn trên rất nhiều website của các báo cũng như trang tin điện tử ở các địa phương.
Bộ KH&CN gỡ link thông báo về bộ Kit (Ảnh - VT) |
Việc thông báo kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á bị gỡ bất ngờ trên website của Bộ KH&CN đã khiến dư luận bức xúc: Nếu Bộ KH&CN thông tin không đúng về thông báo của WHO, thì Bộ phải đăng cải chính, vì Bộ là nơi cao nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực KHCN, nên không thể âm thầm gỡ mà không một lời giải thích. Đặc biệt, việc này liên quan đến một công ty vừa bị công an khởi tố và bắt giam nhiều ngưởi do các vi phạm liên quan đến kit test.
Trước đó, lực lượng công an đã điều tra, làm rõ đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh kit xét nghiệm COVID xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khám xét khẩn cấp 16 địa điểm tại Hà Nội, TP. HCM , Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An, triệu tập ghi lời khai hơn 30 đối tượng liên quan, trong đó có ông Phạm Duy Tuyến – Giám đốc CDC Hải Dương – nhận đút lót gần 30 tỉ của Công ty Việt Á, tiếp tay thổi giá kit xét nghiệm.
Để thu lợi nhuận bất chính, chi tiền ngoài hợp đồng, Giám đốc Công ty Việt Á cùng các đối tượng liên quan đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/Kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo một CDC trong quá trình cung cấp sản phẩm.