Người dân mua kit test COVID-19 tràn lan: Quá lạm dụng và lãng phí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo BS. Trần Văn Phúc, hiện nay người dân đang sử dụng test nhanh rất lãng phí. Có người test COVID-19 tới 3 lần trong 1 ngày.
Người dân xếp hàng chờ mua thuốc, kit test COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)
Người dân xếp hàng chờ mua thuốc, kit test COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Mua test nhiều khiến thị trường khan hiếm

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục lập kỉ lục mới với hơn 10.000 F0/ngày. Với tâm lý lo lắng “ai rồi cũng là F0”, nhiều người dân đã đổ xô mua kit test COVID-19, máy đo SpO2, các loại thuốc tăng sức đề kháng, phòng bệnh,… khiến giá của những mặt hàng này tăng cao chóng mặt như VietTimes đã phản ánh trong bài viết: “F0 Hà Nội tăng vọt: "Loạn giá" kit test COVID-19 và máy SpO2, "cháy hàng" thuốc tăng sức đề kháng”.

Trước thực trạng này, BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn – cho PV Viettimes hay: Người dân đang sử dụng test nhanh rất lãng phí. Có trường hợp F0 mỗi ngày test nhanh 3 lần sáng - trưa - tối, ngày nào cũng test để xem vạch T nhạt hơn chưa và khi nào thì âm tính. Hoặc một người dương tính thì cả nhà đều test liên tục, có triệu chứng test, không triệu chứng cũng test, thậm chí có gia đình chẳng ai nhiễm nhưng test thường xuyên vì... sợ hãi COVID-19.

Vì thế, BS. Phúc lo ngại tình trạng test nhiều có thể khiến thị trường kit test khan hiếm vì thực tế ở các nước trên thế giới khi biến chủng Omicron xuất hiện thì đã có hiện tượng khan hiếm kit test.

BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Ảnh - Đăng Khoa)

BS. Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Ảnh - Đăng Khoa)

Theo ông Phúc, Florida đã đưa ra "chỉ số tin cậy - trust index" xét nghiệm COVID-19 - chỉ nên test khi kết quả mang lại "giá trị cao - high value", và ngược lại "giá trị thấp - low value" thì không cần test.

Ví dụ, xét nghiệm nhóm người cao tuổi mắc bệnh nền, hoặc những bệnh nhân nằm viện nếu dương tính sẽ thay đổi kết quả chẩn đoán và phác đồ điều trị bệnh. Những ca có triệu chứng COVID-19, để áp dụng các biện pháp phòng ngừa, thì sẽ được gọi là "giá trị cao" và nên test.

Ngược lại, những người khoẻ mạnh không triệu chứng, học sinh và giáo viên trong trường học, công nhân trong nhà máy, nhân viên trong công sở; sẽ được coi là "giá trị thấp" không cần phải test.

BS. Trần Văn Phúc cho rằng Việt Nam cũng nên làm như vậy - chỉ test những ca có triệu chứng, hoặc test nhằm mục đích chẩn đoán trong bệnh viện như phân biệt giữa viêm phổi do COVID-19 hay do vi khuẩn, test ở những người có nguy cơ mắc COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng. "Nếu chúng ta cứ tiếp tục test tràn lan như hiện nay sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm kit test” – BS. Phúc nói.

Chia sẻ về việc đổ xô mua kit test COVID-19 để tích trữ của người dân, BS. Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - khuyến cáo: Người dân không nên tích trữ bộ kit test nhanh. Người không nguy cơ, ít nguy cơ, không triệu chứng, thì không cần xét nghiệm Covid-19.

"Nếu người trẻ khoẻ mạnh có triệu chứng cảm sốt thì nên xét nghiệm sàng lọc nguy cơ. Còn F0 thì không cần vội test nhanh. 1 vạch sớm hay chậm cũng không giúp gì, chỉ thêm lo lắng và tốn kém" – ông Khanh nói.

Không mua, sử dụng kit test khi không cần thiết

Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, F0 điều trị tại nhà chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7, F1 là ngày thứ 5 trước thời hạn kết thúc cách ly. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng, sốt ruột, nhiều người đã tìm mua kit xét nghiệm nhanh để ngày nào cũng tự test tại nhà.

Trước diễn biến biến phức tạp của dịch COVID-19, những ngày gần đây đã xuất hiện tình trạng khan hiếm và biến động giá kit test xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân cần nghiên cứu, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chi tiết, tránh việc mua và sử dụng kit test khi chưa có nhu cầu, gây lãng phí không cần thiết, ảnh hưởng đến thị trường.

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVIDD-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm COVIDD-19 (Ảnh - Minh Thuý)

Trường hợp cần thiết, để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, Bộ Y tế đề nghị người dân lưu ý khi mua và sử dụng các sản phẩm lưu hành trên thị trường phải có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và giấy phép nhập khẩu, đúng thông tin về chủng loại, hãng nước sản xuất, có nhãn mác đầy đủ thông tin theo quy định và có tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Bộ Y tế khuyến cáo người sử dụng cần nghiên cứu kỹ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng sản phẩm để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.

Trước đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phối hợp chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý.

Tính đến ngày 23/2, Bộ Y tế đã cấp phép 169 trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong đó, 14 sản phẩm sản xuất trong nước và 155 sản phẩm nhập khẩu (gồm 56 sản phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền, 83 sản phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 và 30 sản phẩm xét nghiệm kháng thể kháng SARS-CoV-2).

Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm chẩn đoán in vitro xét nghiệm SARS-CoV-2 là các trang thiết bị y tế loại C, D nên khi lưu hành trên thị trường phải được cấp số lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định. Các cơ sở kinh doanh loại sản phẩm này phải công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị tế loại C, D theo quy định của Nghị định của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.