Lợi dụng dịch bệnh, một số đối tượng đưa thuốc điều trị COVID-19, kit xét nghiệm dởm vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Bộ Y tế, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số đối tượng đã cố tình đưa vào Việt Nam khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm COVID-19,… không đảm bảo chất lượng.
Thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan trên mạng (Ảnh - Minh Thuý)
Thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan trên mạng (Ảnh - Minh Thuý)

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực Y tế.

Theo Bộ Y tế, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực y tế quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều vụ việc vi phạm vẫn xảy ra và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi.

Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BYT)

Nhân viên y tế làm việc trong phòng xét nghiệm COVID-19 (Ảnh - BYT)

Đặc biệt, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, một số đối tượng đã cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn như bộ đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, kit xét nghiệm COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... gây ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống dịch, đồng thời ảnh hưởng lớn đến lòng tin của người tiêu dùng.

Nhằm tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các công việc sau:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

2. Rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chống chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.

3. Đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng: Thuốc phòng, bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế,... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

4. Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.

5. Tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa ngành y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

6. Căn cứ quy định của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác báo cáo, đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế báo cáo (hằng tháng, ba tháng, 6 tháng và 1 năm) gửi về Thanh tra Bộ Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, báo cáo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia.

Trước đó, trong tháng 1, Cục Quản lý thị trường TP. HCM đã thu giữ lượng lớn thuốc phòng, điều trị COVID-19 do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp.

Đặc biệt, vào ngày 17/2 mới đây, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan) đã chủ trì, phối hợp với Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra hơn 85.000 test nhanh COVID-19 nhập lậu từ Hàn Quốc có giá hơn 8 tỉ đồng.