Quân đội Ukraine hôm thứ Hai (5/12) đã tiến hành các vụ oanh kích bằng máy bay không người lái vào Căn cứ Không quân Dyagilevo và Căn cứ Không quân Engels ở nội địa Nga, gây thiệt hại cho nhiều máy bay ném bom chiến lược. Cần biết rằng, tại hai căn cứ không quân này bố trí các máy bay ném bom chiến lược của Nga, bao gồm Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3. Ngày 6/12 lại thêm sân bay Kursk bị tấn công.
Lần này Ukraine đã sử dụng phiên bản sửa đổi của máy bay trinh sát không người lái phản lực Tu-141 do Liên Xô sản xuất. Việc sử dụng các máy bay Tu-141 được hoán cải thành tên lửa hành trình, quả thực có thể đạt được mục đích tấn công các mục tiêu quân sự ở khoảng cách xa, nhưng điều này cũng rất lãng phí Tu-141 vì dùng chiếc nào mất chiếc ấy. Tuy nhiên, nếu Ukraine muốn tấn công các mục tiêu cách xa hơn 500 km thì chỉ có thể sử dụng các UAV Tu-141 này.
|
Trận địa phóng máy bay không người lái Tu-141 của Ukraine (Ảnh: QQ). |
Mục tiêu tấn công lần này của quân đội Ukraine là căn cứ không quân Engels cách biên giới Ukraine 624 km, còn căn cứ không quân Dyagilevo (còn gọi Sân bay Ryazan) cũng cách biên giới Ukraine 587 km và chỉ cách Moscow hơn 100 km. Thẳng thắn mà nói, việc Ukraine cải biến Tu-141 thành tên lửa hành trình hoàn toàn có thể giúp họ tấn công vào thủ đô Moscow của Nga. Đây là tín hiệu cực kỳ nguy hiểm với Nga.
Vì sao Ukraine bất ngờ tấn công các căn cứ không quân Nga?
Thứ nhất, mấy hôm trước, vệ tinh của Mỹ đã tiết lộ không ảnh cho thấy các máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95MS của Nga đã sẵn sàng xuất kích, rất có thể chúng sẽ tiến hành một cuộc tấn công khác vào các cơ sở năng lượng của Ukraine; do đó Ukraine quyết định ra đòn trước để “tiên phát chế nhân”.
Thứ hai, Ukraine đột nhiên phát động tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, mà lại nhằm vào các căn cứ máy bay ném bom chiến lược của Nga, điều này rõ ràng là muốn để phương Tây thấy năng lực tấn công của Ukraine. Vào thời điểm sự chi viện vũ khí của phương Tây đối với Ukraine đã giảm xuống đến đáy, hành động này của Ukraine rõ ràng khiến họ sẽ được “ưu ái” hơn.
Thứ ba, tạo nên mối đe dọa lớn đối với thủ đô Moscow, bởi loại vũ khí có tầm bắn hơn 1.000 km này không chỉ xuyên thủng được mạng lưới phòng không của Nga mà còn tiếp cận chính xác mục tiêu định sẵn, đây quyết không phải động thái bình thường.
|
Vị trí và khoảng cách từ biên giới Nga-Ukraine tới hai sân bay bị oanh kích ngày 5/12 (Ảnh: QQ). |
Phía Nga đã phản ứng thế nào?
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết các căn cứ không quân Nga đã bị máy bay không người lái tấn công, nhưng hệ thống phòng không đã chặn được các máy bay không người lái bay thấp. Tuy nhiên, do máy bay không người lái Ukraine rơi và nổ tại sân bay đã gây nên sự cố phụ. Lớp vỏ ngoài thân của hai chiếc máy bay Nga bị hư hại nhẹ do mảnh vỡ của chiếc máy bay không người lái văng vào. Tuy nhiên, từ những hình ảnh chưa được kiểm chứng xuất hiện trên truyền thông sau vụ tấn công, có thể thấy một chiếc Tu-22M3 của quân đội Nga đã bị hư hại khá nghiêm trọng.
Ở cấp độ quân sự, Nga cũng đã tiến hành trả đũa cuộc tấn công của Ukraine. Quân đội Nga một lần nữa mở cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng ở miền trung và miền đông Ukraine, tuy nhiên, theo tin tức có được, đợt oanh kích của Nga vào Ukraine lần này không quá mạnh và người ta ước tính tới đây sẽ có một đợt "tấn công mãnh liệt" khác. Nếu sau khi bị tấn công vào sâu nội địa, Nga vẫn không thể thực hiện một đợt phi quân sự hóa mới với Ukraine, điều đó có nghĩa là kho đạn dược và khả năng tấn công chính xác của Nga của quân đội Nga thực sự là không ổn, tại sao lại nói như vậy?
|
Hình ảnh một máy bay Tu-22M3 bị hư hại sau vụ oanh kích vào sân bay Engels (Ảnh: QQ). |
Thứ nhất, Nga từ lâu đã nói rằng Ukraine phóng bất kỳ quả tên lửa nào vào nội địa hoặc tái chiếm lãnh thổ Nga đều sẽ bị Nga phản công không hạn chế; nay tên lửa Ukraine không chỉ đánh vào nội địa mà còn tấn công trực tiếp vào căn cứ máy bay ném bom chiến lược quan trọng của Nga, trực tiếp đánh vào lợi ích cốt lõi của Nga. Nếu Nga không thể phát động đòn trả đũa quân sự hiệu quả và mãnh liệt, điều đó có nghĩa là khả năng tác chiến của Nga không ổn.
Thứ hai, Ukraine dám trực tiếp tấn công căn cứ không quân chiến lược của Nga, cường quốc quân sự lớn thứ hai thế giới, cho thấy Ukraine đã không còn đắn đo điều gì nữa. Ukraine không ngại ngần ra tay, có nghĩa là họ đã sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn chống Nga và không còn sợ Nga trả đũa nữa. Tấn công căn cứ không quân chiến lược còn răn đe Nga nếu dùng máy bay ném bom chiến lược tấn công Ukraine, họ sẽ tiêu diệt chúng ngay ở căn cứ.
Thứ ba, xung đột Nga-Ukraine đã diễn ra lâu ngày như thế, quân đội Ukraine vẫn dám phát động tấn công vào nội địa Nga, cho thấy quân đội Ukraine không sợ quân đội Nga trả đũa, điều này cũng cho thấy hiện nay ưu thế của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine đang bị suy giảm, đặc biệt là ở các khu vực Lugansk và Kherson, quân đội Nga hiện đang thể hiện phong độ rất yếu kém; từ góc độ xem xét của quân đội Ukraine, miễn là họ chịu được áp lực và tiếp tục tấn tới, quân đội Nga có thể sẽ buộc phải thỏa hiệp.
|
Ảnh vệ tinh chụp cho thấy các máy bay Tu-160 và Tu-95 đậu tại sân bay Engels 4 ngày trước khi xảy ra vụ oanh kích. |
Nga sẽ phản ứng thế nào để duy trì được ảnh hưởng quốc tế?
Gần đây Nga liên tiếp bị giáng những đòn nặng nề, Liên minh châu Âu bắt đầu áp giá trần đối với dầu của Nga; tuy Nga tuyên bố sẽ không bán dầu cho những quốc gia tham gia hành động trừng phạt này, nhưng điều này rất có thể dẫn tới giá dầu của Nga bị giảm và chi phí vận chuyển dầu sẽ tăng lên.
Sự trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga không chỉ là về giá dầu mà còn về vận tải, giá dầu của Nga phải được đảm bảo không vượt quá 60 USD/thùng, nhiều hãng vận tải có thể không dám nhận đơn hàng, chi phí vận chuyển tăng có nghĩa là giá bán dầu của Nga phải được thỏa hiệp hạ xuống một cách thích hợp. Hiện nay, việc Nga bán dầu giảm giá đã trở nên phổ biến.
Liệu Nga có thể xoay chuyển tình thế trong lĩnh vực năng lượng hay không là một thử thách trí tuệ của chính quyền Moscow. Nếu việc ngừng cung cấp đường ống dẫn dầu và khí tự nhiên cho EU, khiến EU hứng chịu nhiều phản ứng dữ dội, còn Nga sẽ bị cô lập hoàn toàn, e rằng tình trạng này không phải điều Tổng thống Putin mong muốn, nhưng nếu không có động thái trả đũa mạnh mẽ thì Nga sẽ luôn bị động.
Trong lĩnh vực quân sự, nếu Nga không thể thay đổi thế trận chuyển từ tấn công sang phòng thủ hiện tại trên chiến trường Ukraine, hoặc không thể hóa giải năng lực tấn công quân sự của Ukraine, thì ảnh hưởng địa chính trị của Nga sẽ ngày càng suy giảm và Nga sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề hơn. Ví dụ, sự cạnh tranh của Thổ Nhĩ Kỳ để giành ảnh hưởng lớn hơn ở Trung Đông, sự gia tăng xung đột nội bộ trong tổ chức CSTO và lập trường dao động của Azerbaijan đối với Armenia… đều liên quan trực tiếp đến biểu hiện trên chiến trường của Nga.
Điểm quan trọng nhất là, nếu Nga không thể phát động một cuộc tấn công quân sự khiến phương Tây và Ukraine phải e ngại, thì sẽ chỉ khiến Ukraine và phương Tây tăng cường tấn công vào các khu vực do Nga kiểm soát và thậm chí là vào sâu lãnh thổ Nga, đồng thời cũng khiến Mỹ sẵn sàng thử nghiệm viện trợ cho Ukraine nhiều vũ khí sát thương mạnh hơn.
|
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95M ở sân bay Engels (Ảnh: Sohu). |
Ukraine luôn muốn phương Tây cung cấp tên lửa đạn đạo, hãy thử tưởng tượng nếu Ukraine có đầy đủ tên lửa đạn đạo, thỉnh thoảng tấn công các căn cứ không quân của Nga, liệu không quân Nga có thể đối phó với mối đe dọa này? Nếu lực lượng không quân Nga bị suy yếu nghiêm trọng, thì Nga liệu có thể chiến thắng trong cuộc chiến này?
Vì vậy, Nga sẽ buộc phải phản công mạnh mẽ, lần này là tiêu chuẩn vàng để thử thách Nga. Liệu Nga có tiếp tục oanh kích những mục tiêu trước đây chưa đánh hay là sẽ oanh kích liên tục thay vì ngắt quãng để trả đũa Ukraine? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.