Ukraine sử dụng máy bay phản lực không người lái Tu-141 tập kích hai sân bay Nga hôm 5/12?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 5/12 đã xảy ra các vụ nổ lớn tại hai sân bay của Nga gây một số thương vong, làm hư hại một số máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Vũ khí tấn công được cho là máy bay không người lái Tu-141 của Ukraine.
Máy bay không người lái phản lực Tu-141, thứ vũ khí được cho là Ukraine sử dụng tập kích hai sân bay Nga sáng sớm 5/12 (Ảnh: Topwar).
Máy bay không người lái phản lực Tu-141, thứ vũ khí được cho là Ukraine sử dụng tập kích hai sân bay Nga sáng sớm 5/12 (Ảnh: Topwar).

Trang tin tức Astra Telegram dẫn nguồn giấu tên nói 2 máy bay ném bom hạt nhân chiến lược tầm xa Tu-95 đã bị máy bay không người lái phá hỏng trên đường băng của sân bay Engels ở vùng Saratov, miền tây nước Nga, nơi có các máy bay ném bom chiến lược hạt nhân Tu-95 và Tu-160 tập kết, nằm cách biên giới Ukraine 500 km về phía đông.

Hình ảnh vệ tinh công bố tuần trước cho thấy có khoảng 20 chiếc Tu-95 và Tu-160 đậu tại sân bay Engels, mà truyền thông cho rằng đây là một phần trong quá trình chuẩn bị của Nga cho một cuộc không kích lớn nhằm vào Ukraine. Thống đốc vùng Saratov Roman Busargin cho biết các cơ quan thực thi pháp luật đang kiểm tra "thông tin về các sự cố tại các cơ sở quân sự".

Trong một sự cố khác, một vụ nổ xe chở nhiên liệu đã giết chết 3 người và làm bị thương 6 người tại sân bay Dyagilevo ở vùng Ryazan, phía đông nam Moscow, hãng thông tấn RIA Novosti của nhà nước Nga đưa tin, trích dẫn các quan chức khẩn cấp giấu tên, nguyên nhân hiện chưa rõ.

Vụ nổ lớn ở sân bay sân bay Engels vùng Saratov, miền tây nước Nga sáng sớm ngày 5/12 (Ảnh: Sohu).

Vụ nổ lớn ở sân bay sân bay Engels vùng Saratov, miền tây nước Nga sáng sớm ngày 5/12 (Ảnh: Sohu).

Dyagilevo là căn cứ không quân duy nhất ở vùng Ryazan và là nơi đóng quân của các máy bay ném bom hạt nhân Tu-95. Theo RIA Novosti, một chiếc máy bay chưa xác định chủng loại đã bị hư hại trong vụ nổ.

Một đoạn video được cho là do Anton Glashenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine công bố, cho thấy những khoảnh khắc của cả hai vụ việc.

Theo báo Anh Guardian ngày 5/12, khoảng 6h30 sáng 5/12 theo giờ địa phương, trước khi mặt trời mọc, cư dân sống ở ngoại ô Ryazan, chỉ cách Moscow 150 km, đã bị đánh thức bởi một vụ nổ dữ dội xảy ra tại căn cứ Không quân Dyagilevo ở địa phương. Được biết, vào thời điểm đó, một chiếc xe bồn chở nhiên liệu bất ngờ bốc cháy trên đường băng của căn cứ, sau đó là một vụ nổ dữ dội. Số liệu mới nhất cho biết, vụ nổ đã khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương, 2 người trong số đó đang trong tình trạng nguy kịch.

Tuy nhiên, gần như cùng lúc với vụ nổ tại căn cứ, một vụ nổ tương tự đã xảy ra tại Căn cứ Không quân Engels-2 ở miền tây nước Nga. Có thông tin cho rằng vụ nổ tại căn cứ Engels cũng xảy ra trong khoảng thời gian từ 6 đến 7 giờ sáng, nguyên nhân vụ nổ là do một "máy bay không xác định" đã rơi xuống đường băng của căn cứ. Đoạn video giám sát bị tiết lộ cho thấy vụ nổ ở sân bay lớn như "mặt trời mọc sớm".

Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 ở hai sân bay này trước thời điểm bị tấn công (Ảnh: Sohu).

Ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95 ở hai sân bay này trước thời điểm bị tấn công (Ảnh: Sohu).

Một số cơ quan truyền thông chỉ ra rằng vụ nổ ở căn cứ Engels có thể là một "cuộc tấn công bằng máy bay không người lái" có chủ ý, bởi vì rất khó để một chiếc máy bay bình thường đâm xuống và gây ra một vụ nổ lớn trong tích tắc. Một số cơ quan truyền thông Anh thậm chí còn chỉ ra rằng vụ nổ tại căn cứ Engels đã khiến một số máy bay ném bom chiến lược Tu-95 bị hư hại, tuy nhiên thông tin này vẫn chưa được xác nhận. Về vấn đề này, người phát ngôn Điện Kremlin Peskov cho biết ông chưa có thông tin xác thực, nhưng đồng thời ông cũng ám chỉ: "Tổng thống Putin đã biết chuyện gì đã xảy ra".

Điện Kremlin thái độ ra sao? Tuy không nói ra nhưng không thiếu hành động: chỉ vài giờ sau vụ nổ, quân đội Nga đã mở đợt không kích mới trên khắp Ukraine. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, quân đội Nga không chỉ sử dụng tên lửa hành trình đất đối đất mà còn sử dụng tàu chiến triển khai ở Biển Đen để phóng nhiều tên lửa từ biển, số lượng tên lửa phóng đi có thể lên tới mấy trăm quả. Mặc dù phía Nga không tuyên bố đây là "hành động trả đũa" nhưng ở thời điểm nhạy cảm này, người ta khó mà không liên tưởng.

Hình ảnh máy bay Tu-95 bị hư hại xuất hiện trên mạng (Ảnh: Guancha).

Hình ảnh máy bay Tu-95 bị hư hại xuất hiện trên mạng (Ảnh: Guancha).

Trên thực tế, hầu hết tất cả các cơ quan truyền thông, học giả và thậm chí cả các chính trị gia đều nghiêm túc nghi ngờ rằng hai vụ nổ rất trùng hợp về thời điểm, là các cuộc tập kích hậu phương Nga của Ukraine. Nhưng liệu ai nghĩ rằng nó đã kết thúc? Sẽ không sao nếu chỉ có hai căn cứ bình thường, nhưng hai căn cứ này là đều là căn cứ của loại máy bay ném bom chiến lược nổi tiếng Tu-95, đồng thời cũng là 2 trong 3 căn cứ thường trực duy nhất của loại máy bay ném bom này.

Điều mà thế giới bên ngoài quan tâm nhất vào lúc này là liệu nguồn tài nguyên máy bay ném bom chiến lược quý giá của Nga có bị thiệt hại hay không. Những bức ảnh vệ tinh bị tiết lộ cách đây không lâu cho thấy có hơn 20 máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95 của Nga đang tập trung tại căn cứ Engels, chuẩn bị cho đợt không kích mới vào Ukraine. Nếu mật độ máy bay quân sự đậu trong căn cứ quá cao, việc vụ nổ gây thiệt hại đến những chiếc máy bay ném bom chiến lược quý giá này không phải là không thể xảy ra.

Xe tải và máy bay Tu-95 bị hư hại sau vụ nổ (Ảnh: Guancha).

Xe tải và máy bay Tu-95 bị hư hại sau vụ nổ (Ảnh: Guancha).

Đối với Nga, máy bay ném bom chiến lược thậm chí còn quan trọng hơn tàu sân bay. Trước các hành động khiêu khích của phương Tây, việc triển khai các máy bay ném bom chiến lược áp sát Ukraine là biện pháp răn đe và đối phó phổ biến nhất của Nga. Về mặt "ra nước ngoài", các máy bay ném bom chiến lược vẫn là "công cụ" quan trọng để Nga thể hiện quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước. Ví dụ, ngay sau chuyến bay tuần tra chiến lược chung Trung-Nga vài ngày trước, các máy bay ném bom của hai bên đã hạ cánh xuống sân bay của nhau, máy bay Tu-95 Nga hạ cánh xuống sân bay Hàng Châu ở Trung Quốc đã cho thế giới thấy tầm cao của tin cậy chiến lược Trung-Nga.. Ngoài ra, khi hỗ trợ Venezuela, Nga còn cử Tu-160 đến Nam Mỹ với tư cách "khách mời", điều này thực sự khiến giới truyền thông và chính trị gia Mỹ có chút lo ngại. Vì vậy, có thể nói máy bay ném bom chiến lược là "bộ mặt" của Nga. Nếu những vũ khí quý giá này bị nổ tung tại chính sân bay của chúng, chắc chắn chẳng khác nào cú tát vào mặt người Nga.

Rõ ràng, nếu vụ nổ thực sự đã phá hủy một số máy bay ném bom chiến lược của Nga và thực sự được xác nhận là do phía Ukraine thực hiện, chắc chắn Nga sẽ sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn để "trả đũa", có thể không giới hạn ở đòn giáng trực tiếp vào thủ đô Kiev.

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 hạ cánh xuống sân bay Engels (Ảnh: Sohu).

Máy bay ném bom chiến lược Tu-95 hạ cánh xuống sân bay Engels

(Ảnh: Sohu).

Trang tin Trung Quốc Jimunews ngày 6/12 dẫn các nguồn Russia Today, AP New York Times viết: Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công hai căn cứ không quân của Nga, một trong số đó chỉ cách Moscow khoảng 100 dặm. Sau đó, Nga đã sử dụng tên lửa để tấn công hậu cần quân sự của Ukraine, tất cả 17 mục tiêu được chỉ định đều bị bắn trúng.

Theo New York Times ngày 6/12, Bộ Quốc phòng Nga và một quan chức cấp cao của Ukraine đều nói, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để tập kích hai căn cứ quân sự sâu trong lãnh thổ Nga vào sáng sớm hôm 5/12.

Hiện chính phủ Ukraine vẫn chưa công khai thừa nhận vụ tấn công, nhưng một quan chức Ukraine, phát biểu với điều kiện giấu tên, xác nhận các máy bay không người lái được phóng từ lãnh thổ Ukraine và một trong hai vụ tấn công được thực hiện với sự trợ giúp của lực lượng đặc biệt; lực lượng này đã hỗ trợ dẫn đường các máy bay không người lái đến mục tiêu tấn công.

Đây được cho là các vụ tấn công mãnh liệt nhất của phía Ukraine trong thời gian gần đây. Các vụ tấn công báo hiệu sự sẵn sàng mới của Kiev trong việc đưa chiến tranh vào các căn cứ sâu bên trong nước Nga và chứng tỏ khả năng tấn công từ xa của Ukraine.

Các máy bay Tu-95 ở sân bay Engels (Ảnh: Sohu).

Các máy bay Tu-95 ở sân bay Engels (Ảnh: Sohu).

Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận các căn cứ không quân bị máy bay không người lái Ukraine tấn công nằm ở Ryazan và Saratov, hai thành phố này thuộc miền trung nam nước Nga có nhiều máy bay ném bom và bom đạn. Vụ tấn công đã khiến 3 quân nhân Nga thiệt mạng, 4 người bị thương và làm hư hại 2 máy bay.

Nga cho biết các máy bay Nga với sự trợ giúp của hệ thống phòng không đã bắn hạ các máy bay không người lái Ukraine bay thấp. Các máy bay không người lái đã bị rơi và phát nổ tại sân bay của Nga.

Theo Russia Today, các máy bay không người lái Ukraine trước đó đã tấn công trụ sở Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, mục tiêu là Hải quân Nga ở Crimea. Nhưng cuộc tấn công hôm 5/12 đã vào sâu nước Nga. Trong số đó, căn cứ không quân Ryazan chỉ cách Moscow khoảng 100 dặm.

Russia Today đưa tin về vụ việc.

Russia Today đưa tin về vụ việc.

Một số phương tiện truyền thông tin rằng đây có thể là tổn thất lớn nhất mà quân đội Nga phải gánh chịu trong giai đoạn này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố rằng "các hành động khủng bố" của Ukraine không làm gián đoạn hoạt động của lực lượng hàng không chiến lược Nga. Họ đã đánh trả ngay chiều cùng ngày, cắt đứt thành công hoạt động vận tải đường sắt của quân đội Ukraine.

Được biết, loại máy bay không người lái mà Ukraine sử dụng lần này là máy bay không người lái phản lực cỡ lớn Tu-141 "Strizh" được Liên Xô phát triển từ những năm 1970.

Tu-141 bay chuyến đầu tiên cuối năm 1974 và đưa vào phục vụ năm 1979, được Liên Xô loại biên năm 1989, nhưng được Ukraine tái sử dụng từ 2014; Tu-141 có thân hình trục thon dài với một tấm chắn hút gió nổi bật trên đỉnh đuôi, có cánh hình tam giác lớn. Có tất cả 152 chiếc Tu-141 đã được sản xuất trong thời kỳ Liên Xô.

Tu-141 có chiều dài hơn 14,3 m và sải cánh xấp xỉ 3,8 mét, tổng trọng lượng 5,37 tấn, sự khác biệt về kích thước và trọng lượng chủ yếu được sử dụng để tăng nguồn cung cấp nhiên liệu và khoảng cách bay.

Tu-141 được trang bị động cơ phản lực KR-17A mạnh với lực đẩy 19,6 kN, có tốc độ bay khoảng 1000 – 1.100 km/h, trần bay có thể đạt tới 6 km, có thể bay xa 1000 km.

Một hệ thống điều khiển tự động có thể lập trình đã được phát triển. Điều hướng trong chuyến bay sử dụng máy đo tốc độ và độ lệch Doppler, máy đo độ cao vô tuyến và máy tính. Thiết bị nhắm mục tiêu của Tu-141 bao gồm camera và hệ thống trinh sát hồng ngoại.

Máy bay không người lái Tu-141 trên bệ phóng (Ảnh: Topwar).

Máy bay không người lái Tu-141 trên bệ phóng (Ảnh: Topwar).

Việc cất cánh của Tu-141 được thực hiện trên ray phóng với sự trợ giúp của máy gia tốc khởi động. Máy bay không người lái này được thu hồi kiểu hạ cánh với dù giảm tốc. Khi đến gần một bãi đáp nhất định, thiết bị phải giảm tốc độ với sự trợ giúp của dù hãm. Do đặc điểm của chế độ lái tự động, cần có bãi đáp 700x700 m để hạ cánh

Tu-141 "Strizh" ban đầu được chế tạo để làm máy bay trinh sát. Tuy nhiên, cũng có những biến thể khác. Ngay cả ở giai đoạn phát triển của dự án cơ bản, khả năng biến Tu-141 thành mục tiêu không người lái để huấn luyện tính toán hệ thống phòng không đã được nghiên cứu. Sau đó, việc biến nó thành một công cụ tiến hành tấn công kiểu tự sát cũng được tính đến mà vụ tập kích các sân bay Nga hôm 5/12 là một ví dụ.